Cô Nguyễn Thị Hạnh tại lễ bàn giao công trình đầu tư cải tạo, nâng cấp hạng mục công trình điểm trường, trường tiểu học. Ảnh: Khánh Chi
Tâm huyết với giáo dục vùng cao
Sinh ra trong một gia đình có bố làm nghề giáo của huyện miền núi Hương Khê, từ những câu chuyện giảng dạy của bố đã ươm mầm giấc mơ đến với nghề “cầm phấn” của cô sơn nữ Nguyễn Thị Hạnh. Năm 1991, cô quyết định thi vào ngành sư phạm.
Năm 1993, cô Nguyễn Thị Hạnh được phân công về dạy học tại Trường Phổ thông cơ sở Hương Đô. Cô cũng được luân chuyển làm giáo viên tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn huyện Hương Khê và ghi nhiều dấu ấn tại nơi mình công tác. Đặc biệt, năm học 1996 -1997, sau khi về công tác tại Trường Tiểu học Phú Phong, cô được tham gia Hội thi giáo viên giỏi tỉnh và đạt danh hiệu “Viên phấn hồng”. Cũng trong năm học này, lớp 4A do cô Hạnh chủ nhiệm có 38 học sinh thì 36 em đạt học sinh giỏi (trong đó, có 11 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, 25 em đạt học sinh giỏi cấp huyện). Thành công bước đầu đã tạo động lực cho cô giáo vùng cao không ngừng nỗ lực phấn đấu, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện tốt nhiệm vụ dạy chữ, rèn người. Mỗi đơn vị đi qua, cô Hạnh vừa làm tốt công tác chuyên môn, vừa đồng hành với rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Năm 2016, sau 24 năm công tác, trong đó, có 14 năm làm Phó Hiệu trưởng, cô Nguyễn Thị Hạnh được phân công làm Hiệu trưởng tại Trường Tiểu học Phú Gia. “Lúc đầu nhận nhiệm vụ tại đây, tôi thực sự rất lo lắng, mất ngủ nhiều tháng liền. Ngôi trường này nằm trên địa bàn khó khăn của huyện miền núi Hương Khê, lại là khu vực giáp biên giới, giao thông đi lại rất khó khăn. Hơn nữa, dù đã đạt chuẩn quốc gia, nhưng trường vẫn còn khá thiếu thốn về cơ sở vật chất và có một điểm trường tại bản Phú Lâm, cách khoảng 20km. Điểm trường này nằm cách biên giới Việt-Lào khoảng 35km, hơn một nửa học sinh là con em dân tộc Lào theo học” - cô Hạnh tâm sự. Ngày đầu đến điểm trường bản Phú Lâm, cô Hạnh không khỏi ngạc nhiên bởi đường đến trường hư hỏng, xuống cấp, đồ dùng học tập của học sinh hết sức tạm bợ, vá víu. Để đủ lớp cho các em học sinh, nhà trường phải tổ chức lớp ghép 1, 2 và 3, 4. Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của học sinh và giáo viên tại đây, cô đã kêu gọi các tổ chức và cá nhân giúp đỡ.
Năm 2019, với sự giúp đỡ của BĐBP Hà Tĩnh, Đồn Biên phòng Phú Gia đã kêu gọi Quỹ Thiện Tâm đầu tư 500 triệu đồng cho việc tu sửa cơ sở vật chất, nâng cấp khuôn viên điểm trường Phú Lâm đảm bảo đầy đủ, khang trang cho học sinh học tập. Ngoài ra, hằng năm, cô đều thực hiện vận động xã hội hóa thông qua nhiều kênh khác nhau. Từ nguồn quỹ huy động được, cô Hạnh sửa sang bổ sung thêm mái ngói, lát nền, sửa sang lớp học… Tất cả các chi phí đều được công khai, minh bạch, tạo sự tin tưởng đối với các nhà hảo tâm và phụ huynh học sinh.
Sự gương mẫu, tiên phong của cô hiệu trưởng đã nhận được sự đồng lòng của giáo viên trong trường. Nhiều cô giáo đã tự nguyện quyên góp, ủng hộ cho những học sinh khó khăn bằng tiền và hiện vật để giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn. Nhiều cô cũng đã lặn lội đến từng nhà học sinh, mua sắm cho các em sách vở, quần áo, mang gạo để vận động các em đến trường.
Huy động 10 tỷ đồng thay đổi diện mạo trường vùng cao
Trong gần 5 năm công tác tại trường, cô giáo Hạnh đã huy động được gần 10 tỷ đồng từ các nguồn lực xã hội và các nhà hảo tâm. Với số tiền này, những năm qua, diện mạo, cơ sở vật chất tại Trường Tiểu học Phú Gia đã được đầu tư bài bản, khang trang. Trường đã có thêm dãy nhà hành chính quản trị, thư viện xanh; sân vườn, khuôn viên, hàng rào, thư viện… được nâng cấp. Hiện nay, đang trong quá trình xây dựng thêm 1 dãy nhà 2 tầng để đảm bảo đạt chuẩn quốc gia mức độ 2…
Cô Nguyễn Thị Hạnh trao quà cho học sinh. Ảnh: Khánh Chi
Bên cạnh việc nâng cấp cơ sở vật chất, cô Hạnh là một trong những người tiên phong trong đổi mới công tác quản lý, bồi dưỡng giáo viên, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy. Ngay từ đầu năm, nhà trường đã tổ chức các lớp chuyên đề ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và đánh giá học sinh để bồi dưỡng giáo viên. Nhờ đó, hầu hết giáo viên trong trường đều thành thạo tin học. Chất lượng giảng dạy của nhà trường luôn đứng trong tốp đầu của huyện Hương Khê trong nhiều năm qua.
Với sự tâm huyết của hiệu trưởng và sự đồng lòng của cán bộ, giáo viên, trong nhiều năm liên tục, chất lượng giáo dục Trường Tiểu học Phú Gia ngày càng được nâng lên. Học sinh giỏi hàng năm đạt từ 8- 30 em (năm học 2020-2021 có 30 em được công nhận học sinh giỏi các cấp). Trường luôn được xếp trong tốp đầu của huyện Hương Khê, 2 năm liên tục (2019-2020, 2020-2021) được UBND huyện xếp loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trường giữ vững trường chuẩn quốc gia mức độ 1; nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc.
Đến nay, cô Nguyễn Thị Hạnh đã có 28 năm công tác trong ngành giáo dục, trong đó có 18 năm làm quản lý. Bản thân cô đã có 9 sáng kiến kinh nghiệm được công nhận cấp huyện; 8 năm được Đảng ủy khen thưởng về công tác Đảng; 7 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm học 2021-2022, cô Nguyễn Thị Hạnh vinh dự trở thành 1 trong 2 tấm gương của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh trong “Lễ tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu” năm 2021.
Nói về Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hạnh, ông Trần Đình Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê tự hào: “Trường Tiểu học Phú Gia vốn khó khăn toàn diện, nhưng từ khi cô Nguyễn Thị Hạnh về “cầm quân”, với tâm huyết của mình, cô đã giúp các em học sinh vùng khó của huyện Hương Khê có điều kiện học tập tốt hơn. Những đóng góp của cô không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn tạo niềm tin của phụ huynh đối với ngành giáo dục miền núi”.
Link gốc: https://www.bienphong.com.vn/nu-hieu-truong-het-long-vi-su-nghiep-giao-duc-vung-mien-nui-ha-tinh-post457114.html