Dốc lòng làm việc thiện

Thứ sáu - 14/10/2022 06:50
Trong hành trình làm thiện nguyện, bà Bùi Thị Hồng luôn xốc vác, nhiệt tình. Hoạt động thu chi của bà luôn được công khai, minh bạch, có sự giám sát nên càng tạo thêm sự tin tưởng từ các nhà hảo tâm
Dù đã bước sang tuổi 73 nhưng bà Bùi Thị Hồng - Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội - vẫn nhiệt tình làm từ thiện.

Làm việc thiện ngay khi còn nghèo

Bà Hồng đã ở độ tuổi ngoài thất tuần nhưng bước đi vẫn rất nhanh nhẹn, khuôn mặt tươi vui. Quê gốc ở Hải Dương, sau khi tốt nghiệp Trường Lý luận nghiệp vụ văn hóa (nay là Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), bà về công tác tại Hiệu sách Nhân dân huyện Phú Xuyên, gắn bó với đất và người nơi đây.

Ngay từ hồi còn trẻ, tuy hoàn cảnh gia đình chẳng khá giả gì nhưng bà Hồng đã thường xuyên ủng hộ, quyên góp và giúp đỡ người nghèo. Chồng bà đi làm xa nhà, vài tháng mới ghé về một lần, một tay bà nuôi 3 con nhỏ với đồng lương công chức. Tuy thiếu thốn nhưng bà luôn tằn tiện để làm thiện nguyện.

Nhà mặt tiền Quốc lộ 1, nhiều khi phải chứng kiến các vụ tai nạn giao thông ngay trước nhà, bà Hồng không ngại ngần chạy ra giúp đỡ người bị nạn, hỗ trợ đưa họ đi cấp cứu hoặc đưa vào nhà mình nghỉ ngơi, giúp chút tiền điều trị vết thương.

"Nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm, nạn nhân không may thiệt mạng, chứng kiến cảnh người nhà kêu khóc mà tôi không cầm được nước mắt. Tôi chỉ biết vận động mọi người quyên góp mua tặng nạn nhân chiếc áo quan, để họ ra đi trong ấm áp, gia đình vơi bớt nỗi đau" - bà Hồng nghẹn lòng kể lại.

Năm 2007, bà Hồng nghỉ hưu. Những tưởng bà sẽ chọn an dưỡng, vui cùng con cháu nhưng bà bảo: "Tôi có thêm thời gian để làm thiện nguyện".

Năm 2011, miền Trung bị lũ lớn. Nhiều người dân mắc kẹt trong rốn lũ, thiếu thốn đồ ăn thức uống, thuốc men... Bà Hồng viết một tấm bảng: "Ở đây nhận đồ cứu trợ miền Trung" đặt trước cửa nhà để huy động mọi người chung tay giúp đỡ. Chồng bà, ông Sinh, băn khoăn: "Bà bị làm sao thế? Mình không phải tổ chức thiện nguyện hay chính quyền, viết bảng như này ai tin, không khéo người ta lại nghĩ mình trục lợi". Thế nhưng, bà trả lời: "Tôi tin sẽ có nhiều người phát tâm và tin tưởng tôi, không làm thì lòng tôi canh cánh lắm".
 
D2022101404 1
Bà Bùi Thị Hồng (thứ hai từ phải sang) trao quà thiện nguyện tại Trung tâm Dạy nghề nhân đạo

Luôn hết lòng vì người nghèo khó, ốm đau

Rất nhiều người nhận thấy hai chữ "niềm tin" trên tấm bảng và nghĩa đồng bào như bà Hồng. Hàng trăm người đã mang nhu yếu phẩm đến gửi. Có người qua đường đặt luôn bao gạo cạnh bảng rồi đi luôn mà chẳng báo tên tuổi hay ghi biên nhận. Hàng hóa được quyên góp nhiều đến nỗi vợ chồng bà phải dọn hết bàn ghế ở phòng khách để có chỗ chứa.

Tuy không ai yêu cầu cam kết sử dụng hàng hóa đúng mục đích nhưng bà Hồng vẫn ghi chép rõ ràng ai ủng hộ, ủng hộ những gì. Đến chiều, bà nhờ hệ thống phát thanh thị trấn đọc, để ghi nhận tấm lòng của họ. Bản thân bà cũng đóng góp vài tạ gạo, ít quần áo. Sau đó, bà thuê xe và cùng đoàn thiện nguyện đi cứu trợ tại Hà Tĩnh.

Trong hành trình làm thiện nguyện, hầu như bà Hồng chẳng ngại bất cứ trường hợp hay khung giờ nào. Bà nhớ nhất trường hợp một cô gái điện thoại cho bà lúc 1 giờ đêm cầu cứu. Cô gái có thai ngoài ý muốn và giấu gia đình đến ngày sinh nở. Đêm hạ sinh, cô gái chỉ biết gọi bà Hồng: "Con biết bà nhưng bà không biết con đâu ạ. Hiện con sắp sinh ở bệnh viện. Nếu bà thương con, bà đến đây với con ngay được không ạ?".

Vậy là bà Hồng cầm theo 10 triệu đồng tức tốc đến bệnh viện, lo sinh nở cho cô gái. Sau đó, bà kết nối với một gia đình hiếm muộn 16 năm để hai bên làm thủ tục nhận con nuôi.

Các hoạt động thiện nguyện của bà Hồng cứ diễn ra âm thầm như thế cho đến khi bà nhận ra rằng nếu như hoạt động có tổ chức thì sẽ nhận được sự chung tay rất lớn từ cộng đồng. Năm 2018, bà đã vận động thành lập Chi hội Chữ thập đỏ, trực thuộc Hội Chữ thập đỏ thị trấn Phú Xuyên. Cùng năm, bà tham gia CLB Phụ nữ thiện nguyện thuộc Hội LHPN huyện Phú Xuyên và được bầu làm chủ nhiệm.

Ban đầu, chi hội chỉ có 9 hội viên nhưng cứ qua một sự kiện thiện nguyện, số hội viên lại tăng lên đáng kể. Đến nay, chi hội đã có hơn 100 hội viên, đến từ nhiều địa phương, mạng lưới làm thiện nguyện rộng khắp. Mỗi tháng, hội viên đóng quỹ 100.000 đồng, số tiền này không dùng để sinh hoạt chi hội mà dùng để làm thiện nguyện. Điều làm bà Hồng xúc động nhất là nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn, mưu sinh từng ngày hoặc mang bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn nhiệt tình làm thiện nguyện.
 
D2022101404 5
Bà Bùi Thị Hồng trao tặng quà cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Nội tiết trung ương

Hội viên hăng hái, hoạt động hiệu quả

Cụ Đỗ Thị Min - 85 tuổi, thành viên cao tuổi nhất chi hội - cho biết: "Tôi đã già rồi, không đóng góp được nhiều nhưng luôn muốn dõi theo các hoạt động của chi hội, điều đó giúp tôi vui sống mỗi ngày. Chi hội hoạt động mạnh mẽ như thế này là nhờ công rất lớn của bà Hồng. Không chỉ ở tấm lòng thiện mà bà còn toát lên khí chất của người thủ lĩnh, dám nói dám làm, tạo sự tin tưởng cho các hội viên tham gia".

Đợt dịch COVID-19, chi hội đã tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân Hải Dương, Vĩnh Long, Bình Phước... với khối lượng gần 400 tấn. Bà Hồng nhớ lại: "Nhà tôi ở mặt tiền đường nên tiện bày nông sản để bán. Hơn chục ngày, chị em trong chi hội thay phiên nhau bán hàng từ sáng đến tối mịt. Toàn bộ số tiền bán được, chúng tôi gửi lại bà con".

Ngoài ra, chi hội đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ hai em Đinh Đức Vinh và Nguyễn Thị Ngọc Thùy, học sinh Trường THPT Phú Xuyên A, hơn 100 triệu đồng để điều trị ung thư máu.

Hiện tại, chi hội tổ chức nấu và phát cháo miễn phí hằng tuần tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Xuyên và bệnh viện ở TP Phủ Lý (tỉnh Hà Nam), mỗi lần khoảng 300 suất.
 
D2022101404 3
Bà Bùi Thị Hồng trao quà cho gia đình khó khăn tại xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Biết giúp đỡ người khác chính là đang báo hiếu

Để có được những hoạt động thiện nguyện đi sớm về khuya, sau lưng bà Hồng là cả một hậu phương vững chắc. Ngoài người chồng luôn động viên và thay vợ làm nội trợ, chăm cháu mỗi lúc bà vắng nhà thì các con cũng luôn tiếp sức cho bà.

Bà Hồng có 3 người con đều đã trưởng thành, được ăn học đầy đủ và có việc làm ổn định. Mỗi lần biết mẹ đang chuẩn bị đi làm thiện nguyện là các anh chị đều đóng góp. Ít thì 1-2 triệu đồng, nhiều cũng chỉ 4-5 triệu đồng nhưng dù ít hay nhiều đều làm bà Hồng cảm thấy tự hào về các con. Bà bày tỏ: "Từ bé, tôi luôn dạy các con hướng thiện, biết giúp đỡ người khó khăn và các con đã làm theo lời tôi dạy. Với tôi, các con như vậy đã là báo hiếu mẹ cha rồi. Tôi không mong các con phải giàu có về vật chất, chỉ mong các con sống tốt, sống nhân ái".

Ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Phú Xuyên, nhận xét: "Bà Hồng đã âm thầm làm thiện nguyện ngay từ khi còn trẻ. Đến lúc thành lập chi hội, các hoạt động thiện nguyện do bà khởi xướng nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ nhiều người và có tính lan tỏa. Ngoài ra, các hoạt động thu chi của chi hội luôn được công khai, minh bạch, có sự giám sát nên càng tạo thêm sự tin tưởng từ các nhà hảo tâm. Năm 2021, bà Hồng được UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu "Người tốt việc tốt".

Đợt lũ ở miền Trung năm 2020, Chi hội Chữ thập đỏ đã vận động được rất nhiều nhu yếu phẩm. Sau đó, chẳng ngại tuổi cao, bà Bùi Thị Hồng cùng đoàn thiện nguyện đã vào cứu trợ người dân ở Quảng Trị. “Tận mắt chứng kiến bà con ngồi trên nóc nhà tránh lũ, các em nhỏ co ro trong manh áo cộc, tôi nghẹn ngào vô cùng, nghĩ rằng việc mình làm còn nhỏ bé quá” - bà Hồng xúc động.


ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
 
D2022101404 4
UYỂN HỒNG
Theo nld.com.vn
Link gốc: https://nld.com.vn/thoi-su/doc-long-lam-viec-thien-20221013203519251.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây