Từ trẻ mồ côi đến tấm gương thanh niên tiêu biểu vì nhân dân biên giới

Thứ sáu - 14/10/2022 06:39
Nhắc đến Thượng úy Phạm Thái Sơn-Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hồng Vân, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, hầu hết cấp ủy, chính quyền địa phương, các thầy, cô giáo và nhân dân vùng biên A Lưới đều bày tỏ lòng thương mến và ghi nhận những nỗ lực mà người sĩ quan trẻ này đã dành cho vùng biên cương xa xôi ấy. Ở tuổi 23, cậu bé mồ côi năm nào giờ chững chạc trong vai trò của một “ông bố trẻ” đối với nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đơn vị nhận đỡ đầu trong chương trình “Nâng bước em đến trường-Con nuôi đồn biên phòng”, là người con ấm áp của những người già neo đơn không nơi nương tựa. Ở Phạm Thái Sơn, lúc nào cũng thấy một nguồn năng lượng tích cực lan tỏa của sức trẻ và nghị lực đáng trân trọng.
D2022101402
Thượng úy Phạm Thái Sơn đến từng nhà để nhận hàng giao cho khách đặt mua.

Vượt lên nghịch cảnh

Câu chuyện về cậu bé mồ côi Phạm Thái Sơn luôn được bà con nhân dân xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh truyền tai nhau như một tấm gương sáng hiếu học. Bởi những năm tháng trước đây, bóng dáng cậu bé gầy yếu, ăn nói nhỏ nhẹ, lễ phép ngày ngày đạp xe vượt hàng chục cây số theo học cấp 3 đã là hình ảnh quen thuộc với bà con. Mẹ mất khi Sơn vừa tròn 3 tuổi, cha đi làm ăn xa rồi có gia đình mới, hai anh em Sơn sống nhờ vào sự lam lũ trên thửa ruộng cằn của ông bà nội đã già yếu.

Hai cậu bé cứ thế lớn lên trong tình thương yêu của ông bà, chòm xóm, thầy cô. Hoàn cảnh khó khăn, điều kiện sống thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần có thể khiến cậu thấp còi, song không thể ngăn ước mơ học tập và trở thành Bộ đội Cụ Hồ của cậu. Sơn nỗ lực học tập không ngừng nghỉ và học giỏi đều các môn. Riêng môn lịch sử thì cậu vô cùng đam mê và đã giành giải cao trong cuộc thi Học sinh giỏi môn Lịch sử toàn quốc. Phạm Thái Sơn được kết nạp vào Đảng khi đang học tại Trường THPT chuyên Hà Tĩnh.

Được xét tuyển thẳng vào Học viện Biên phòng, chàng học viên quân hàm xanh này đã nỗ lực rèn luyện, phấn đấu trên thao trường, giảng đường cũng như tích cực tham gia các phong trào, hoạt động như: Diễn đàn “Âm vang chiến thắng Điện Biên”, “Tết yêu thương, ươm mầm tri thức”... với đồng bào dân tộc Chứt ở Hà Tĩnh. Với những đóng góp của mình, Sơn được lãnh đạo Học viện ghi nhận bằng tấm bằng khen khích lệ tinh thần học tập. Đến thời gian kiến tập, đại dịch Covid-19 xâm nhập nước ta, Phạm Thái Sơn đã cùng các học viên khác xung phong lên chốt, lập thành vành đai thép dọc đường biên để quản lý, bảo vệ biên giới hiệu quả, phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép và dịch bệnh xâm nhập qua biên giới.

Càng thương và tự hào hơn khi người lính trẻ ấy đã nén lại nỗi niềm riêng, không thể về chăm sóc bà nội những ngày đau yếu cuối đời để tập trung thực hiện nhiệm vụ, để mầu cờ Tổ quốc luôn thắm đỏ tin yêu, là điểm tựa cho cả nước vững vàng trong đại dịch. Sơn tâm sự: “Đợt thực tập và tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại biên giới Cao Bằng là quá trình trải nghiệm quý báu đối với tôi, và cũng là những tháng ngày tôi đau đáu nhớ bà nội nơi quê nhà đang bệnh nặng. Nhưng cứ nhớ đến lời bà dặn: “Cháu đi làm nhiệm vụ phải tận tâm, tận lực, trưởng thành làm anh bộ đội được dân quý, dân thương là món quà lớn nhất đối với bà” là tôi lại dằn lòng, xốc lại tinh thần để sát cánh cùng mọi người chung tay “chống dịch như chống giặc”.

Người cán bộ “ba bám, bốn cùng”

Được đồng đội, nhân dân mệnh danh là người cán bộ “giỏi một việc, biết nhiều việc”, trong những năm qua, người sĩ quan trẻ này đã tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị và chính quyền địa phương nhiều chính sách, hỗ trợ để giúp người dân ổn định cuộc sống, tìm kiếm cơ hội vươn lên thoát nghèo. Sơn tâm sự, đồng bào là những người chân chất thật thà, nếu nói mà không làm thì lời nói cũng như lá cây trôi theo dòng nước, đồng bào chỉ tin vào những gì mắt thấy tai nghe, những việc làm cụ thể mang lại lợi ích cho đời sống thì họ mới tâm phục khẩu phục.

Là cán bộ Đoàn năng động, lại có sự trải nghiệm, rèn luyện ở những địa bàn khó khăn, Phạm Thái Sơn đã tích cực phối hợp với Đoàn thanh niên các xã biên giới trên địa bàn đồn quản lý để chung tay xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực biên giới.

Nhiều mô hình do anh đề xuất triển khai như hướng dẫn bà con sản xuất rau sạch, chăm sóc đàn dê, hỗ trợ người già bán chổi chít... đạt hiệu quả cao. Các hoạt động như “Tiết học biên giới”, “Nâng bước em đến trường”, “Tiếp sức mùa thi, “Ngày chủ nhật xanh”... cũng được Sơn cùng đồng đội triển khai hiệu quả, đi vào nền nếp... Đặc biệt, thực hiện mô hình dân vận khéo, anh đã tham mưu, vận động địa phương thành lập 12 chòi “Du lịch cộng đồng - đồng hành cùng người nghèo” tại xã Trung Sơn phát triển kinh tế, lấy kinh phí gây quỹ giúp các hộ gia đình nghèo, bước đầu đã có thu nhập. Nhờ những nỗ lực đó, Thượng úy Phạm Thái Sơn đã được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng vinh danh là “Gương mặt trẻ tiêu biểu” năm 2021.

Tình cảm mà nhân dân biên giới A Lưới dành cho Phạm Thái Sơn thể hiện ở những điều cụ thể. Đơn cử như khi vận động nhân dân đồng ý cho lập chốt kiên cố trên đất sản xuất của bà con dọc tuyến biên giới để phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép và dịch Covid-19, nhiều gia đình đã kiên quyết không đồng ý.

Vậy là Thượng úy Phạm Thái Sơn lại ngày ngày đến từng gia đình, thủ thỉ điều hơn lẽ thiệt, khơi dậy trong đồng bào niềm tự hào về những năm tháng chống Mỹ, cứu nước đã giúp Đảng, giúp cách mạng gùi đạn, gùi gạo, đánh thắng giặc ngoại xâm. Rồi anh cùng đồng đội giúp đỡ nhân dân đào ao, gặt lúa, phơi thóc, kèm cặp các em nhỏ học hành. Tình cảm chân thành là “chìa khóa” tháo bỏ những băn khoăn, gút mắc trong lòng các hộ gia đình, bà con đã đồng ý cho Đồn Biên phòng xây dựng chốt kiên cố.

Con của người già, cha của trẻ mồ côi

Ngay ngày đầu về nhận công tác tại A Lưới, cùng với những nhiệm vụ được giao, chàng trai 23 tuổi Phạm Thái Sơn có thêm một “sứ mệnh đặc biệt” là “làm cha” của cháu Lê Văn Thìn, học sinh lớp 7, dân tộc Tà Ôi. Cậu bé này có hoàn cảnh khó khăn, bố tàn tật, mẹ đi làm ăn xa nên em thường mặc cảm, đôi khi ăn nói cộc lốc, sống thu mình. Sơn tâm sự: “Được chỉ huy giao kèm cặp Thìn, tôi lo lắng lắm vì mình chỉ mới 23 tuổi, chưa có người yêu nói gì đến chuyện “làm bố”. Nhưng rồi từ hoàn cảnh của chính mình là một đứa trẻ thiếu vắng tình thương yêu của mẹ cha, tôi hiểu Thìn cần được quan tâm và động viên. Vì thế tôi luôn cố gắng đọc sách báo để tìm hiểu tâm lý của trẻ nhằm có phương pháp động viên cháu kết hợp với rèn luyện ý thức học hành và tác phong sinh hoạt”.

Dù mỗi ngày căng mình trên đường biên, tuần tra bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19, đêm về anh vẫn dành thời gian hỏi han, động viên Thìn, thấy em thiếu thốn thứ gì sẽ lặng lẽ mua cho cậu bé. Từ lời ăn tiếng nói đến cách sinh hoạt, ăn ở khoa học, vệ sinh đã được Phạm Thái Sơn từng ngày kiên nhẫn rèn luyện cho Thìn. Từ một cậu bé có học lực trung bình, qua 6 tháng được kèm cặp, động viên, Thìn đã được tặng danh hiệu Học sinh tiên tiến. Quà tặng mừng công mà “ông bố trẻ” tặng cậu “Con nuôi đồn biên phòng” là một chiếc đồng hồ mua ở chợ huyện và một tấm ảnh chụp chung.

Năm 2021, chuyển về Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hồng Vân, Phạm Thái Sơn tiếp tục làm cha của ba đứa trẻ nữa đều mồ côi cha, đang theo học tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Hồng Vân. Anh đã dành mọi tình cảm, trách nhiệm của mình để chăm lo cho các cháu, vận động mọi nguồn lực để các “Con nuôi đồn biên phòng” không phải chịu thiệt thòi, thiếu thốn, cả ba em học sinh năm học vừa qua đều đạt loại khá, giỏi, có em từ sự buồn tủi không thể tiếp tục đến trường giờ đây đã có thể nuôi dưỡng ước mơ trở thành bác sĩ.

Không những thế, Phạm Thái Sơn còn trở thành “thương gia bất đắc dĩ” trong việc tìm đầu ra cho những nông sản và sản phẩm gia dụng như chổi đót, rổ rá đan từ mây tre... Một trong những cụ già từ lâu nay đã coi Sơn là chỗ dựa và niềm an ủi là vợ chồng cụ Quỳnh Xăng, 80 tuổi, người Pa Kôh, trú thôn Tà Lo A Hố, xã Hồng Vân, huyện A Lưới. Dẫu tuổi cao nhưng cụ vẫn phải lao động để nuôi người con trai 40 tuổi bị thiểu năng trí tuệ. Chia sẻ cùng cụ, Sơn thường xuyên đăng ảnh trên trang cá nhân để chào bán các sản phẩm, đồng thời kiêm luôn “shipper”. Cuối tuần, thay vì nghỉ ngơi, Sơn lại chạy xe máy đến nhà các cụ cao tuổi để nhận hàng và buộc lên xe máy chạy quanh huyện giao cho khách đặt mua rồi buổi tối trở về trao trả cho từng người số tiền thu được.

Chia tay vùng biên A Lưới, chia tay những người lính biên phòng dễ mến và đặc biệt là Thượng úy Phạm Thái Sơn, tôi càng thêm cảm phục và tự hào về một thế hệ thanh niên áo lính biết hy sinh và cống hiến vì cuộc sống bình yên và phát triển của đồng bào các dân tộc nơi phên giậu xa xôi.
Theo  Phạm Vân Anh nhandan.vn

Link gốc: https://nhandan.vn/tu-tre-mo-coi-den-tam-guong-thanh-nien-tieu-bieu-vi-nhan-dan-bien-gioi-post719836.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây