Chỉ có bàn tay em!

Chủ nhật - 29/04/2018 19:35
Một năm về trước, cuộc sống gia đình của tôi vẫn ngập tràn hạnh phúc. Nhưng ở đời chẳng ai biết trước được chữ "ngờ".
Tôi xa nhà đúng 3 năm, và trong khoảng thời gian ấy, những bất hạnh liếp tiếp dồn dập làm tổ ấm gia đình của tôi ngày càng tan rã. Những người thân thiết trong nhà và anh em lần lượt ra đi, chỉ còn một mình em gái "phận yếu đào tơ" can trường "đứng mũi chịu sào" ở nhà lo toan mọi việc chu đáo trong gia đình.

Đinh Thị Lam, tên của em gái tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất nghèo thôn Yên Hợp, xã Xuân Yên, Huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Nhà có 3 người con, em trai tôi thỉnh thoảng mới về quê một lần, còn tôi còn phải bám trụ lại thành phố mưu sinh, công việc khiến tôi ít có thời gian trở về quê hương vì mọi ước mơ, hy vọng đang còn dang dở. Ở nhà bố tôi cũng thường xuyên uống rượu, mà bệnh tật, đơn thuốc thì cao hơn người. Bà nội già yếu chẳng làm được việc gì, còn mẹ thì lại mắc bệnh ung thư máu, mọi việc từ nhỏ đến lớn cũng chỉ mỗi một em gái đảm đang. Với một người đàn ông khoẻ mạnh, họ cũng chưa chắc đủ sức để làm được những điều đó, còn với em tôi lại càng khó khăn hơn gấp bội.

Ảnh minh họa


Ngày nào cũng vậy, em phải đạp xe đạp vượt từ quê lên TP. Vinh để học. Những ngày không đến lớp, em ra đồng làm cỏ lúa, tỉa bắp, lạc, trồng khoai, cấy lúa, về nhà còn mua thức ăn cho bò và đàn gia súc, nấu ăn, giặt giũ quần áo và chuẩn bị đơn thuốc để cho bà và mẹ uống. Bố tôi nhiều khi uống rượu quên cả đường về, có lần do quá say xỉn đã bị tai nạn phải nằm viện điều trị cả tháng trời. Mẹ và em tôi cứ thay nhau chăm sóc, công việc ở nhà rối bù cả lên, vậy mà em vẫn bình tĩnh để đương đầu với những gian lao và cả sự đau đớn tang thương trong gia đình nữa. Thời gian cứ thế trôi qua, bà nội sau một thời gian ốm nặng đã qua đời. Rồi 2 đứa em con chú cũng mất, cả ông dượng người mà em rất yêu quý cũng ra đi làm cho em bị "sốc". Em sợ một ngày nào đó, mẹ cũng không còn sống được lâu bên cạnh mình. Căn bệnh của mẹ, bác sỹ đã bảo chỉ kéo dài thời gian sống nhưng không thể chữa được. Có tháng em phải đưa mẹ ra Viện huyết học truyền máu Trung Ương để điều trị 5 đến 6 lần. Tiền 2 anh gửi về không đủ, em lại đi chạy ngược xuôi mượn với hy vọng thật mong manh, "còn người thì còn của". Mẹ ốm ngày càng nặng và mẹ không còn đủ sức để đi lại, được một thời gian mẹ đã ra đi. Ngày mẹ mất, nhìn em gầy yếu, xanh xao với đôi mắt sâu thẳm, mái tóc cháy và làn da đen sạm, suốt ngày chỉ quanh quẩn bên ngôi mộ của mẹ. Em nhìn tôi bảo: "Mẹ mất đi rồi cuộc đời này thật vô nghĩa. Giờ không còn mẹ nữa thì anh em cũng phải cố gắng sống tốt và chăm sóc cho cha để mẹ yên lòng, và phải làm trọn chữ hiếu của đạo làm con. Nhà mình mọi người đau ốm liên miên, tiền nợ còn nhiều nên cố gắng làm ăn để những người thân của mình mất đi được bình yên anh ạ!".

Cảm ơn em, người con hiếu thảo, dù trong hoàn cảnh khó khăn, đau đớn, em vẫn biết cách đứng dậy để đi tiếp. Người ta thường nói: "Dù là niềm vui hay nỗi buồn cũng cần được chia sẻ. Để niềm vui sẽ được nhân đôi và nỗi buồn sẽ vơi đi một nửa". Tôi tin chắc, sự động viên của mọi người sẽ tiếp thêm nghị lực để em vượt qua những ngày tháng khó khăn này.

Hà Tĩnh
(Yên Hợp, Xuân Yên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh)
Theo/ giadinhvn.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây