Hiện nay, ngành giáo dục có rất thầy cô giáo ở các tỉnh phía Bắc vào Nam lập nghiệp. Có người công tác ở các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, có người xuống tận Bạc Liêu, Cà Mau...
Khoảng cách càng xa thì cơ hội về quê trong dịp Tết Nguyên đán lại càng thấp. Bởi, xa quá không chỉ chi phí nhân lên mà việc lựa chọn phương tiện đi lại trong dịp Tết cũng vô cùng khó khăn.
Những người làm nghề tự do hay kinh doanh thì việc về quê ở thời điểm nào cũng không quan trọng. Nhưng, đối với đội ngũ công viên chức, công nhân thì về quê vào dịp Tết là cả một vấn đề không hề đơn giản chút nào.
Và, đối với các thầy cô giáo cũng vậy- đa phần họ có cuộc sống còn khá vất vả, trong khi chi phí đi lại vào dịp Tết thường lại rất cao.
|
Hình ảnh chợ quê ngày Tết luôn thường trực trong lòng mỗi người xa quê
(Ảnh minh họa: Báo Gáo dục và Thời đại)
|
Những người là công chức bình thường, công nhân hay giáo viên thì việc mua vé máy bay về Tết cả nhà lúc này là điều không thể.
Bởi, giá vé máy bay mua vào thời điểm cũng chiếm hết hơn cả nửa tháng lương cho một người/lượt đi, nếu lấy vé khứ hồi thì một tháng lương không đủ.
Lấy vé tàu thì cũng phải lấy cách đây mấy tháng chứ giờ này cũng không mua vé được. Vé ô tô thì dễ dàng, bắt vào lúc nào cũng được nhưng lại cũng tăng giá thất thường.
Tuy nhiên, đa phần những người có thu nhập thấp mà về Tết đều rất hay lựa chọn phương tiện đi lại là ô tô dù biết rằng đi lại lâu hơn, vất vả hơn và cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.
Dù sao, tiết kiệm được đồng nào thì vẫn hay đồng đó. Bởi, ngoài chuyện tiền tàu xe thì khi về quê còn phát sinh rất nhiều thứ phải chi tiêu nữa. Trong khi, số tiền tích lũy được lại thường có hạn.
Tết- ai cũng mong muốn được sum họp cùng gia đình nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà phần nhiều những người đã lập gia đình và có con rồi thì thường chọn phương án ở lại.
Dù ai cũng biết, tâm lí người Việt mình thì Tết luôn mong sum họp gia đình.
Nhất là, những cuộc điện thoại qua lại từ quê nhà cũng nhiều hơn vào những ngày sắp Tết càng khiến cho nhiều người sốt ruột hơn.
Cha mẹ nào cũng muốn con cháu mình về quê nhưng giữa mong muốn và thực tế không phải bao giờ cũng giống nhau.
Khi chưa có gia đình, dù sao việc về hay ở lại cũng đơn giản hơn rất nhiều. Chi phí đi lại một mình cũng ít hơn, về quê cũng chỉ có anh em bên nhà mình. Khi có gia đình rồi thì phải thêm cả vợ con.
Chi phí đi lại nhân lên gấp 2, 3 lần và tất nhiên việc thăm hỏi, chúc Tết cũng được nhân lên cả hai bên gia đình. Kéo theo đó là những chi phí.
Thầy giáo Trần Văn Cường, hiện là giáo viên một trường Tiểu học ở Cà Mau tâm sự với chúng tôi: Anh quê ở Ninh Bình, xa quê cũng gần 20 năm rồi nhưng rất ít khi về vào dịp Tết.
Ai cũng nhớ quê vào thời điểm này nhưng mỗi người mỗi suy nghĩ khác nhau. Anh thường chọn về quê vào dịp hè bởi lúc này lựa chọn phương tiện đi lại cũng dễ dàng, chi phí ít hơn mà quan trọng hơn là các cháu dễ thích nghi với khí hậu ngoài Bắc.
Trong này, nắng nóng quanh năm quen rồi, về quê vào dịp này Tết thường lạnh, các cháu không quen khí hậu bởi đang còn nhỏ tuổi nên mấy lần về quê ăn Tết là vào đây thường hay bị bệnh.
Thầy giáo Nguyễn Duy Vinh hiện là giáo viên ở Kiên Giang cũng xa quê Hà Tĩnh hơn chục năm nay nhưng mấy năm nay cũng đều phải ở lại ăn Tết ở nơi đang công tác.
Thầy chia sẻ: Em mới cưới vợ, con còn nhỏ nên không dám về. Hơn nữa, chi phí phương tiện đi lại quá cao không kham nổi. Lương tháng được hơn 5 triệu, cộng cả vợ là hơn 10 triệu nhưng đang phải ở nhà thuê hàng tháng.
Nhớ quê, nhớ gia đình lắm nhưng về Tết là vào “âm nặng” biết lấy gì sinh sống. Chẳng lẽ đi làm hàng chục năm trời về lại đi xin tiền của cha mẹ sao đành. Thôi để một vài năm nữa con lớn rồi tính…
Cô Huỳnh Kim Mai, quê ở Nghệ An, hiện đang công tác tại An Giang có chồng là bộ đội thì việc ở lại đối với cô là hoàn toàn…chính đáng.
Ngày Tết- chồng phải trực chiến ở đơn vị, hai con thì còn nhỏ nên tất nhiên cô phải lo nhà cửa, dù ông bà ở quê rất mong muốn các con, các cháu về nhưng cũng phải đồng tình với nhiệm vụ của con mình đang đảm nhận và hy vọng vào những cái Tết sum họp sau này.
Trường chúng tôi đang công tác cũng có một số thầy cô giáo là người ở các tỉnh phía Bắc nhưng họ cũng ít khi dám về quê vào dịp Tết. Chung quy lại là ai cũng ngán ngại chi phí tàu xe đi lại.
Lương giáo viên thì dù đi phương tiện gì cũng hết từ một tháng lương trở lên/ người/ vé ra- vào. Vì thế, phần đông các thầy cô phải vài năm mới bố trí về quê một lần mà thường chỉ dám về vào dịp hè.
Điều mà họ vơi bớt nỗi nhớ quê là trong các trường học cũng có nhiều người cùng quê với nhau nên họ chạy qua, chạy lại nhà nhau trong những ngày Tết nên cũng vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương.
Một số thầy cô giáo khác thì khi vào Nam lập nghiệp họ lấy vợ (chồng) là người sở tại nên việc Tết đến cũng có một điểm tựa gia đình vững chắc hơn.
Bởi, dù sao họ cũng có một nơi để đến và chung vui không khí gia đình. Những thầy cô mà cả 2 vợ chồng đều từ phương xa đến lập nghiệp thì nỗi buồn ngày Tết có phần chất chứa nhiều hơn.
Ngày Tết, ai cũng muốn về quê nhưng có lẽ có rất nhiều nguyên do khác nhau mà đa phần các giáo viên đang lập nghiệp trong Nam khó có cơ hội được về quê đón Tết.
Có lẽ, những cái Tết xa quê đã trở thành một “đặc sản” quen thuộc của nhiều thầy cô giáo. Nhưng, thôi thì gửi nỗi nhớ thương qua những cuộc điện thoại ngắn ngủi cùng gia đình.
Cũng may, giờ đây công nghệ thông tin phát triển nên thông qua mạng Facebook, Zalo thì mọi người có thể trò chuyện.
Khi nhìn thấy người thân của mình thì mọi người cũng vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương và lại hy vọng vào một mùa xuân gần nhất được về với gia đình trong những ngày đầu năm mới.
NGUYỄN CAO