Từ nhà báo mặc áo lính
Phan Duy Thảo sinh năm Mậu Dần (1938), tại làng Đông Thái, xã Yên Đồng, tổng Việt Yên nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Cuộc đời ông trải nhiều dư vị, cung bậc khác nhau, đúng như chén rượu trong thơ ông từng viết:
“Mời em uống cạn chén này
Chút thơm, chút đắng, chút cay, chút nồng”
Ngay từ khi cậu bé Duy Thảo còn đỏ hỏn, gia đình đã nhận được tin người cha bị thực dân Pháp bắt đi làm lính thợ rồi biệt xứ cố hương từ ngày ấy. Mẹ Duy Thảo vò võ một mình nuôi hai đứa con nhỏ, ngày ngày kiên nhẫn ngóng tin chồng, mòn mỏi nuôi hy vọng. Bà tham gia lớp bình dân học vụ rồi gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1947. Tấm huy hiệu 40 năm tuổi Đảng được trao trước khi qua đời đã ghi nhận những cống hiến, nỗ lực của bà. Người mẹ như vậy tất nhiên sẽ không để con cái thiệt thòi. Bà cố gắng làm lụng, nhịn ăn nhịn mặc để cậu bé Duy Thảo được đến trường cùng con cái của những gia đình khá giả, không phải chịu cảnh thua bạn kém bè.
Nhà báo Duy Thảo trò chuyện với nhà văn Đỗ Chu (bên trái) nhân ngày gặp lại nhau ở Hà Nội.
Duy Thảo nhập ngũ vào binh chủng Phòng không – Không quân làm lính tiêu đồ vào năm 1962, sau đó chuyển sang pháo thủ 57 ly từ số 6 đến số 1, rồi Khẩu đội trưởng, Trung đội trưởng, Đại đội phó... Trung đoàn pháo cao xạ 280. Đấy là những tháng năm ranh giới giữa sự sống và cái chết hết sức mong manh nhưng sự háo hức, nghị lực và khát vọng sống vẫn luôn đồng hành cùng chàng lính trẻ. Tuy sống trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, Duy Thảo vẫn luôn giữ được sự lạc quan, vui vẻ. Đây cũng là thời điểm Duy Thảo bén duyên với báo chí, thơ ca. Từ một anh “chủ bút” báo tường của đại đội, chẳng mấy chốc, biệt tài thi phú của anh lính có biệt danh Duy Thảo đã liên tục xuất hiện trên các báo Phòng không- Không quân, Quân đội Nhân dân, Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội …
Cuối năm 1968, Duy Thảo được điều động về Báo Phòng không- Không quân. Đây cũng là thời điểm tạo cơ hội cho Duy Thảo được làm việc, được học hỏi những người đồng đội làm văn, làm báo tài hoa như Đỗ Chu, Duy Khán, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Tri Huân, Nguyễn Khắc Trường, Dương Duy Ngữ. Nghề báo thời chiến luôn đi kèm với rủi ro, nguy hiểm, có thể hy sinh lúc nào không biết. Nhà báo Duy Thảo bồi hồi nhớ lại: “Làm báo lúc ấy vất vả lắm. “Báo lính” phải thực sự có trái tim người lính, nếu sợ khổ, sợ chết thì chẳng bao giờ có tin bài cả”. Ông cho biết, báo Phòng không – Không quân hồi ấy chỉ vẻn vẹn có 7 người. Không kể phóng viên hay biên tập, khi cần thiết hoặc có lệnh của cấp trên là lên đường. “Chiến tranh không phải trò đùa”. Vì thế mà các bài viết, bản tin của ông và các đồng nghiệp đều hừng hực hơi thở cuộc chiến, bảo đảm độ chính xác, tin cậy cao.
Có một kỷ niệm khiến ông nhớ mãi. Hồi đó, báo có mục “Thông nòng”, Ban Biên tập giao cho phòng Thư ký tìm người, và “Ông đồ Nghệ” Duy Thảo được tin tưởng trao phụ trách chuyên mục đó. Chuyên mục tuy nhỏ nhưng được các độc giả trong quân chủng rất yêu thích. Chuyên mục nhắc nhau một cách “nhỏ nhẹ” nhưng rất sâu sắc, làm cho lính ta ngày ngày phải chịu khó rèn luyện, sửa ngay những “thói hư tật xấu” như công việc lau chùi, “thông nòng súng” hàng ngày mới sẵn sàng chiến đấu được. Đại tá, Chính uỷ Quân chủng Phòng không – Không quân Đặng Tính rất tâm đắc với chuyên mục này. Ông từng khen ngợi, đánh giá: “Phê bình bằng những câu thơ nên như thế, không đao to búa lớn mà sâu sắc người đọc, ai có khuyết điểm dễ tiếp thu”.
Nhà thơ, nhà báo Duy Thảo bên người vợ hiền.
Đến người biên tập có tay nghề cao
Năm 1972, Duy Thảo rời quân ngũ chuyển ngành về Hà Tĩnh công tác. Cô vợ đảm đang, hiền thục, tháo vát Nguyễn Thị Phước, người Yên Lãng, Vĩnh Phú cũng theo anh về định cư ở quê chồng. Năm 1974, vợ con ở mảnh đất chôn nhau cắt rốn huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, còn Duy Thảo từ cán bộ Tuyên huấn Tỉnh đoàn, được Tỉnh ủy điều chuyển sang Báo Hà Tĩnh với chức danh quyền Trưởng phòng Thư ký Tòa soạn. Hết ở Thị xã lại ra Thành phố Vinh, năm 1979 sáp nhập hai tờ báo hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh thành tờ Nghệ Tĩnh, anh được giao nhiệm vụ Biên tập viên, rồi Phó Ban Kinh tế, và sau đó là Trưởng Ban Thư ký Báo Nghệ Tĩnh trong nhiều năm liền. Đối với Duy Thảo, dù là bài phóng sự dài cả nghìn từ hay một mẩu tin chưa đến trăm từ, anh đều đọc đi đọc lại, nghiên cứu rất kỹ và trăn trở từng “tít lớn”, “tít phụ”.
Nhiều đồng nghiệp lâu năm trong nghề cho biết, để một bài viết lọt được “mắt xanh” của Biên tập viên Duy Thảo không dễ. Ông đặc biệt cẩn trọng trong những con số mà phóng viên thường dùng trong tin bài. Thoáng chút nghi ngờ, hay tư duy nghề mách bảo, ông lập tức dừng lại, tra cứu bằng mọi cách, tìm trong các tài liệu để có bằng được lời giải đúng đắn nhất mới thôi. Trời cho ông một trí nhớ đặc biệt, vì thế mà đồng nghiệp cần trích cú tầm chương về một câu thơ, một bài thơ của tác giả Việt Nam nổi tiếng nào, dù trước, sau cách mạng hay bây giờ, ông cũng đều có câu trả lời chính xác nhất. Vì thế mà các phóng viên dưới quyền không dám đại khái, qua loa mỗi khi trình bài viết lên ông duyệt.
Duy Thảo còn có biệt tài tổ chức mặt báo. Gặp khi yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị kịp thời mà bài vở quá ít ỏi, nghèo nàn, anh vẫn bằng mọi cách xoay xở, tìm tòi, cho ra đời một trang báo “chất lượng”, làm ngạc nhiên cả những người trong cuộc.
Từ nhà báo trẻ những năm xưa và nay đã ở tuổi trên “bát thập”, nhà báo – Trưởng đại diện Duy Thảo vẫn giữ nguyên sự nghiêm túc, tinh tế, cẩn trọng trong công việc. Hình ảnh ông ngày ngày miệt mài trên máy tính (kể cả khi đi họp) trăn trở sửa từng từ, từng câu trên mỗi tin, bài của đồng nghiệp làm chúng tôi vô cùng trân trọng, cảm phục.
Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, viết về ông- một nhà báo lâu năm, nặng tình nặng tâm với nghề, với một nhà báo trẻ như tôi- tôi xem đó cũng là một cách răn mình, để luôn tràn trề năng lượng sống, làm việc, giữ tròn cái tâm, trách nhiệm xã hội của một người làm báo.
Trần Phong