Mạch nguồn yêu thương lan tỏa hương đời

Thứ sáu - 18/08/2023 07:16
Đọc tập thơ “Những vần thơ yêu thương” của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ, NXB Hội Nhà văn, 2023.
D2023081801 1
Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ
 

1. Trong câu chuyện thẳm sâu và rộng lớn của thi ca, chúng ta có thể gặp những tên tuổi thật nổi bật, ấn tượng rõ nét thông qua tác phẩm, cá tính… Nhưng đôi khi, có những giọng điệu hồn hậu, thấm đẫm ân tình cứ lặng lẽ như dòng sông, dòng suối nhỏ chạy giữa cuộc đời. Lặng lẽ như cách mà chính tác giả đã cống hiến cho đời ở nhiều góc độ bên ngoài thi ca… tất cả hòa quyện, tạo nên một chân dung đáng yêu, đáng nhớ và đáng trân trọng. Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ - một người như thế.

Dù bền bỉ với đam mê thơ ca, cũng đã xuất bản tới ba tập thơ: “Tình quê” (NXB Phụ nữ, 2022), “Hương xa” (NXB Hội Nhà văn, 2022) và mới đây nhất là “Những vần thơ yêu thương” (NXB Hội Nhà văn), nhưng nhiều người biết tới anh qua vai trò một doanh nhân đau đáu với cộng đồng. Còn nhớ, năm 2021, toàn xã hội phải chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, anh đã có nhiều đóng góp hiệu quả cho công tác phòng chống dịch tại Thành phố Đà Nẵng và liên tục nhận được bằng khen, giấy khen của các cấp chính quyền. Năm 2022, anh hỗ trợ gia đình vợ liệt sĩ là mẹ Huỳnh Thị Khanh 95 tuổi tại xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi xây một ngôi nhà cấp 4 có diện tích hơn 100 mét khang trang, vững chãi… Chúng tôi nhớ mãi, con gái của mẹ Khanh nghẹn ngào nói trong nước mắt: “Vậy là từ nay mẹ đã có một ngôi nhà ấm áp nhờ tấm lòng thơm thảo của Bộ đội Cụ Hồ”. Trong khoảnh khắc ấy, nhà thơ Nguyễn Đăng Độ không nén nổi xúc động. Anh từng là người chiến sĩ chiến đấu ở biên giới phía Bắc, sau này chuyển ngành lại gắn bó với vùng đất Tây Nguyên, nên cảm nhận rõ nỗi gian truân, nhọc nhằn của nhân dân trên vùng căn cứ cách mạng. “Việc tôi làm chỉ nhỏ nhoi như hạt cát giữa đại dương, không thấm vào đâu so với sự hy sinh cao cả của các gia đình cách mạng, nhưng đó là trách nhiệm của thế hệ hôm nay…”, anh chia sẻ giản dị.
 
D2023081801 2
 Bìa tập thơ “Những vần thơ yêu thương”

Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ sinh năm 1966, là người con ưu tú của xã Thạch Tiến (nay là xã Việt Tiến), huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Tuổi ấu thơ giữa miền quê nghèo khó, chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh, thiên tai đã hun đúc tình cảm, tinh thần anh trở nên can trường, đa cảm. Mỗi lần kể về ký ức, anh không giấu nổi đôi mắt ướt. Tuổi nhỏ chủ yếu sống trong những căn hầm trú ẩn tối tăm ngột ngạt, thấm thía tình yêu thương, đùm bọc của gia đình, làng xóm… Nguồn suối trong lành ấy thấm thấu vào tâm trí, làm bền chặt thêm sợi dây cảm xúc mong manh của con người thời bom đạn. Mê thơ, lại thông minh sáng dạ, cậu bé Đăng Độ được bà con quê hương cảm mến ngay khi viết bài vè, câu hò đối đáp những đêm trăng. Vào độ tuổi đẹp nhất của thời thanh niên đầy mê say, Nguyễn Đăng Độ xếp bút nghiên, lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi non sông. Anh nhập ngũ tháng 2/1985, huấn luyện tân binh tại sư đoàn 441 quân khu 4 rồi học trường Hạ sĩ quan xe tăng 2 thuộc Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp, trở thành pháo thủ xe tăng thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 1016, Sư đoàn 316 Bắc Ngầm - Hoàng Liên Sơn. Ngày đó, tuy những diễn biến khốc liệt nhất của Chiến tranh biên giới phía Bắc đã qua, nhưng dư âm vẫn còn đó, bao hiểm nguy vẫn rình rập. Người lính trẻ 19 tuổi, đón cái Tết xa nhà, quặn thắt bao tâm tư nỗi niềm giữa nơi rừng thiêng nước độc, sương phủ mây giăng, vừa vững vàng kiên trung làm nhiệm vụ, vừa cồn cào thương mẹ, ngóng quê. Anh đặt bút viết những dòng thơ về biên giới trong một buổi chiều quạnh hiu, hun hút: “Chiều biên giới mịt mù sương phủ/ Nắng vàng trốn vội phía rừng xa/ Người lính giữa trùng trùng núi đá/ Mắt không rời cột mốc biên cương”.

Một thời gian ngắn sau đó, anh được cử đi ôn văn hóa tại Quân khu 2 và tháng 8/1986 nhập học tại Trường Sĩ quan Kỹ thuật Vũ khí đạn tại Huế. Những tưởng từ đây sẽ mở ra trang mới trong sự nghiệp của người lính miền Trung, nhưng cuối năm 1987, do điều kiện sức khỏe, Nguyễn Đăng Độ phải ra quân, chuyển ngành vào Tây Nguyên. Mang trong mình phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, dù chặng đường đầu tiên lập nghiệp cho tới sau này gặp vô vàn khó khăn, thử thách, người doanh nhân bản lĩnh ấy vẫn vững vàng, nhiệt huyết.

2. Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đặt tên cho các tác phẩm đều dung dị. Mạch nguồn chính trong thơ anh tập trung ở các đề tài: Quê hương đất nước, gia đình, đồng đội, tri ân cuộc đời. Không cầu kỳ về kỹ thuật, nền tảng tác phẩm của anh xoay quanh chữ “tình” thiết tha, sâu nặng. Người đọc bắt gặp ở đó sự quan sát thật chậm rãi, sự lên men trong cảm xúc để chắt lọc nên những vần thơ mặn mòi như muối: “Thương quê biết mấy cho vừa/ Thương ta phiêu bạt có thừa nhục vinh/ Cổng làng gói trọn ân tình/ Là nơi lưu giữ bóng hình tuổi thơ” (Tuổi thơ). Hình bóng quê hương trở đi trở lại trong tác phẩm của anh như một miền thao thức, như ân nghĩa trọn đời không trả nổi. Mỗi nhịp thơ như tiếng lòng, như nhịp đập trái tim cồn cào, thổn thức.

Cảm thức trở về cội nguồn như mỏ neo giúp thơ anh lắng lại, thấm thía lời gan ruột để ta cảm nhận được nỗi cơ cực, gian truân của mảnh đất miền Trung thương khó, của những kiếp người oằn mình đi qua bão giông mà không chịu cúi đầu: “Tấm thân lam lũ hao gầy/ Thân cò lặn lội chân mây góc trời/ Con thơ đói sữa, mẹ ơi!/ Tiếng con loang giữa mưa rơi gió ngàn/ Lưng còng mẹ gánh nỗi nhà/ Nắng khô hoa rụng dưa cà trở ngang”. (Tình cha nghĩa mẹ).

Ngay cả khi anh viết về  tình yêu, ta vẫn cảm nhận được nét chân tình của tâm hồn đa cảm: “Em có nhớ phút giây đầu tha thiết/ Hạnh phúc bay ngang nắng mới thuở ban đầu” (Ánh mắt). Gieo vào yêu thương, tựa vào yêu thương mà vút lên từng cung bậc. Từ những “Lời hò hẹn qua cầu nước chảy/ Tuổi mười lăm không níu nổi trăng rằm” (Quán vắng chiều thu) cho tới “Nắng thu vàng đầu sóng vấn vương/ Biển xanh biếc một mùa xanh thiếu nữ/ Cơn gió nhẹ rung chùm hoa muống biển/ Cánh chim bay nắng sớm chập chờn”. (Biển mùa thu), ta đều cảm nhận được niềm tha thiết yêu thương, như muối lắng sâu dưới trùng trùng lớp sóng. Từ thế giới nội tâm đa cảm, tinh tế, tác giả đã soi chiếu, thổi hồn được vào thế giới thơ ca bằng một cõi nhớ, cõi thương đầy ám ảnh, thao thức.

Nổi bật trong tập thơ của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ là những sáng tác gắn với đề tài người lính. Có lẽ, chỉ cần cắt nghĩa một cách thật đơn giản bởi anh từng là người lính và mãi là người lính. Trách nhiệm trước quê hương, đất nước luôn thể hiện thật rõ nét, hào hùng: “Những vần thơ hẹn một lời thề/ Khắc trên đá hồn thiêng non nước/ Dòng máu Lạc Hồng cha ông tiếp bước/ Giữ yên chiều biên giới ngàn năm”. (Chiều biên giới); “Nơi con suối con khe em đi đào măng mới/ Nắng vàng vương qua vai áo thẹn thùng/ Nghe xào xạc bên rừng bước chân nai tìm lộc/ Hoa rừng thơm ngan ngát phía xa thung”. (Cao nguyên và nỗi nhớ). Trong mạch cảm hứng bất tận tri ân, tưởng nhớ những tấm gương anh dũng đã hy sinh vì Tổ quốc, xuyên qua bao cuộc chiến tranh, qua thời đất nước gian lao và hòa bình trở lại, nhiều nhà thơ đã viết nên nhiều tác phẩm đầy xúc động tri ân người nằm lại với tuổi xuân xanh ngời hòa vào đất mẹ.

3. Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ có nhiều “vai” trong cuộc sống. Nhưng khi nghĩ về anh, thường thấy anh gần thơ ca nhất. Ở đó, mỗi khoảnh khắc, nhịp điệu, ngôn ngữ dù ở biên độ rộng hay hẹp đều được hun đúc, chắt chiu từ sự quan sát, chiêm nghiệm kỹ lưỡng mà da diết. Có lẽ, chính bởi lẽ đó mà thơ anh được các nhạc sĩ khắp mọi vùng miền Tổ quốc phổ nhạc, cho ra đời hàng trăm ca khúc đa đạng về đề tài, dấu ấn. Với lực lượng công an nhân dân, nhà thơ dành rất nhiều tâm huyết. Anh là tác giả thơ của ca khúc “Hát về người chiến sĩ Công an Nhân dân” do nhạc sĩ - NSƯT Nguyễn Quang Hưng phổ nhạc, được nhiều ca sĩ trẻ lựa chọn dự thi các cuộc thi của ngành. Ca khúc “Em là chiến sĩ công đoàn Công an Nhân dân” của nhạc sĩ Trọng Phương thành công cũng nhờ tác phẩm thơ của anh.

Điều khiến nhiều người xúc động, trân quý khi nhắc tới nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đó là phía sau chân dung một doanh nhân bản lĩnh trên thương trường, một công dân vì cộng đồng, một nhà thơ đầy đam mê… anh đã lựa chọn nhịp sống đầy lặng lẽ. Nếu không “bị” bạn bè giục giã in sách, các nhạc sĩ không tìm đến tận nơi xin phổ nhạc… chắc anh không màng tới công bố, xuất bản, hợp tác nghệ thuật. Từ buổi ban đầu cho tới bây giờ, anh bước trong thế giới nghệ thuật một cách nhẹ nhàng, dè dặt và khiêm tốn. Khởi đầu thanh xuân là một người lính, qua bao năm tháng chân dung anh vẫn mãi là người lính.
Theo Vanhoavaphattrien.vn

Link gốc: https://vanhoavaphattrien.vn/mach-nguon-yeu-thuong-lan-toa-huong-doi-a20347.html?fbclid=IwAR2U_mwZ3X0Eq6yTzrJTWYNA8-ItwwwwAmU67w_sXO_KQLOTBrlywbTEXLs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây