Người nắm hầu bao tại vị đã 28 năm, nhiều dự án giáo dục có vấn đề

Thứ hai - 25/02/2019 07:14
Chức vụ Trưởng phòng Tài chính - Kế toán (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh) của ông Lê Quang Cảnh đã 28 năm, kể từ năm 1991.

Nguồn tin được xác minh từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, chức vụ Trưởng phòng Tài chính - Kế toán của ông Lê Quang Cảnh đã 28 năm, kể từ năm 1991 (từ khi tỉnh Nghệ Tĩnh tách thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh).

Trưởng phòng này đã trải qua 5 đời Giám đốc Sở, tại vị đã 28 năm!

Một số cán bộ, chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo khi biết thông tin này ngạc nhiên và nhận thấy đây là sự kiện bất thường“Không hiểu tại sao chức vụ nhạy cảm như vậy mà có phép mầu nào khiến ông Trưởng phòng tại vị lâu đến như vậy?”.

Nghị định của Chính phủ số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 quy định Những vị trí công tác phải thực hiện định kỳ chuyển đổi trong các lĩnh vực ngành nghề sau: Hoạt động quản lý tài chính ngân sách, tài sản nhà nước”(Điều 8, mục 1)

Tại Điều I: “Phạm vi Điều chỉnh”, đã nói rất rõ mục đích chuyển đổi:

Nghị định này quy định các vị trí công tác trong các lĩnh vực ngành nghề phải định kỳ chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước có liên quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng”.

Được biết, chức vụ Trưởng phòng Tài chính - Kế toán Sở Giáo dục và Đào tạo không chỉ quản lý ngân sách tài sản ở Sở mà còn trực tiếp quản lý khối tài sản và ngân sách khổng lồ của hàng chục đơn vị cơ sở (bao gồm các trường trung học phổ thông, Trường phổ thông dân tộc nội trú, Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm).

Không hiểu vì lý do gì, ông Trưởng phòng lại tại vị lâu năm như vậy?

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh.

Tại Điều 6, Nghị định 158 quy định:

Có 4 trường hợp chưa thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác. Đó là:

1) Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian xem xét kỷ luật.

2) Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị khởi tố, điều tra

3) Đang điều trị bệnh hiểm nghèo...

4) Phụ nữ mang thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi,

Đối chiếu với điều 6, ông Trưởng phòng không thuộc diện này.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 158/2007/NĐ-CP, Liên bộ Tài chính - Nội vụ đã ra Thông tư Liên tịch số 163/2013/TTLT-BNV-BTC hướng dẫn việc thực hiện Nghị định 158.

Ngày 12/3/2014, ông Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã ký ban hành Công văn số 252/SGDĐT-TCCB "Về việc làm hồ sơ bổ nhiệm Kế toán trưởng và luân chuyển nhân viên kế toán theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP".

Tại các cơ sở giáo dục đã tiến hành thực hiện Theo Nghị định 158.

Không hiểu vì lý do gì, sau 5 đời Giám đốc với hơn ¼ thế kỷ nắm giữ chức vụ Trưởng phòng Tài chính - Kế toán mà ông Trưởng phòng vẫn tại vị?

Một vị lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết:

Cơ quan Sở chủ yếu là cơ quan chuyên môn, vì vậy, lưu chuyển vị trí công tác của Trưởng phòng Tài chính - Kế toán trong nội bộ cơ quan khó có thể thực hiện được.

Vậy, tại sao Giám đốc Sở không không báo cáo với cơ quan có thẩm quyền quản lý cấp trên để thực hiện công tác thuyên chuyển theo Điều 11 của Nghị định: 

Trường hợp đặc biệt:“Đối với các cơ quan, tổ chức đơn vị chỉ có một vị trí trong danh mục định kỳ chuyển đổi vị trí công tác, mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác với các vị trí khác của cơ quan, tổ chức đơn vị đó thì việc chuyển đổi vị trí công tác theo định kỳ do cơ quan có thẩm quyền quản lý cấp trên trực tiếp quyết định”.  

Hậu quả của việc không luân chuyển cán bộ theo 158/2007

Việc không luân chuyển vị trí Trưởng phòng Tài chính- Kế toán khiến dư luận cán bộ, giáo viên, nhân dân xôn xao nhất là khi biết được thông tin về Kết quả thanh tra của Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh từ năm 2014 đến 2016 về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý tài chính ngân sách, mua sắm trang thiết bị và quản lý đầu tư xây dựng tại Sở Giáo dục và Đào tạo có nhiều sai trái.

Chúng tôi có trong tay Kết luận Thanh tra số 10/KL-TT và Biên bản xác nhận số liệu số 24/BB-ĐTT của Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh, nên việc cung cấp cho bạn đọc những sai trái về việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí tại Sở này là xác tín.

Biên bản xác nhận số liệu số 24/BB-ĐTT của Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh

Cụ thể:

- Đối với nguồn kinh phí tự chủ: (Loại 460- khoản 464): “Tổng chi phí tiếp khách trong 3 năm là 3.814.413.550 đồng, qua kiểm tra hồ sơ, chứng từ thanh toán cho thấy, một số hóa đơn ghi bằng bút mực hoặc không ghi ngày; một số chứng từ thanh toán còn sơ sài, thiếu hồ sơ, thủ tục quy định”.

- Công tác quản lý đầu tư mua sắm trang thiết bị: Từ năm 2014 đến 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện quản lý, mua sắm thiết bị 05 Dự án với Tổng giá trị 104.060 triệu đồng (Một trăm linh tư tỷ không trăm sáu mươi triệu đồng).

Kết quả kiểm tra 2 Dự án: 0118 và 0121 như sau:

Dự án 0118: Từ 2014 đến 2016, thực hiện 09 gói thầu mua sắm trang thiết bị làm quen tin học với trẻ em, mua sắm đồ chơi ngoài trời cho trẻ em, với tổng giá trị hợp đồng 55.455.200.000 đồng, giá trị đã nghiệm thu, quyết toán 60.215.200.000 đồng (Sáu mươi tỷ hai trăm mười lăm triệu hai trăm ngàn đồng)

Việc thực hiện hợp đồng với gói thầu: “Mua sắm đồ chơi ngoài trời cho trẻ em”.

Qua kiểm tra thực tế tại 02 trường: Trường mầm non Sơn Kim 2, Trường mầm non Sơn Tây (huyện Hương Sơn).

Nhà thầu cung cấp một số thiết bị không đúng với hình dáng, kích thước các máy móc, thiết bị ghi trong Hợp đồng.

Công tác xây dựng, lưu, lập hồ sơ theo dự án không đầy đủ.

Một số thiết bị đồ chơi ngoài trời tại Trường mầm non Sơn Kim 2 (Hương Sơn) thanh tra phát hiện không đúng với Hợp đồng

Tại Trường mầm non Sơn Kim 2, theo Hợp đồng số 02/TBDH 2015, trường được nhận thiết bị từ đơn vị cung cấp 02 lần (hai thời gian khác nhau) nhưng chỉ lập 01 biên bản, ngày tháng ghi trên biên bản không đúng với thực tế bàn giao, không thực hiện dán nhãn Dự án theo quy định.

Tại Trường mầm non Sơn Tây (Hương Sơn), số lượng bàn giao đầy đủ, tuy nhiên thời gian bàn giao khác với hồ sơ.

Qua kiểm tra chất lượng một số thiết bị đã hư hỏng, không đúng với Hợp đồng về mẫu mã kích thước.

Dự án 0121: Tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Từ năm 2014 đến 2016 đã thực hiện 05 gói thầu mua sắm thiết bị dạy học ngoại ngữ và 02 gói thầu đào tạo nâng trình độ tiếng Anh, với tổng giá trị hợp đồng 43.079.454.000 đồng.

Qua thanh tra, cho thấy những sai sót sau:

- Công tác đấu thầu: Số lượng nhà thầu tham gia đấu thầu ít (chỉ có 3 nhà thầu), tỷ lệ giảm thầu thấp (chỉ dưới 0,5%).

Tại một số gói thầu chủ đầu tư chưa tổ chức đấu thầu rộng rãi mà chỉ định thầu nên chưa tiết kiệm ngân sách cho nhà nước.

- Việc thực hiện Hợp đồng có nhiều sai sót. Cụ thể:

+ Gói thầu mua sắm thiết bị tại Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Tĩnh vô cùng lãng phí.

Năm 2013 có 16 bộ loa được Sở cấp, nhưng không sử dụng.

Năm 2016, Sở tiếp tục cấp 10 bộ loa âm thanh đa năng H-PEC MA311, trong đó chỉ sử dụng 03 bộ, còn thừa 23 bộ loa không sử dụng đến.  

+ Gói thầu đào tạo giáo viên tiếng Anh lên trình độ B2,C1, theo Hợp đồng và Biên bản nghiệm thu ngày 20/9/2016, Sở Giáo dục và Đào tạo và Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục 3A đã nghiệm thu đào tạo cho 230 học viên đi học, một số giáo viên vắng học nhưng vẫn được hưởng chế độ. Số tiền thanh toán sai: 9.555.000 đồng.

+ Năm 2015, theo Quyết định số 219/QĐ-SGD&ĐT Sở cấp kinh phí cho 03 trường: Tiểu học Cẩm Bình (Cẩm Xuyên), Trung học cơ sở Xuân Diệu (Can Lộc), Trung học phổ thông Phan Đình Phùng (Thành phố Hà Tĩnh) mỗi trường 250.000.000 đồng để thực hiện Dự án 0121, nhưng qua kiểm tra, Sở để lại nguồn này trực tiếp mua sắm thiết bị, bàn ghế để cấp cho 03 trường nêu trên, giá trị: 417.426.500 đồng, số còn lại: 332.573.500 đồng…

+ Đến cuối năm 2016, tại 02 gói thầu đào tạo thuộc Dự án Ngoại ngữ, Sở đang giữ lại: 257.530.000 đồng chưa thanh toán cho bên cung cấp dịch vụ đào tạo, mặc dù đã quyết toán nguồn kinh phí theo giá trị nghiệm thu thanh lý, cụ thể:

* Tại Gói thầu nâng cao trình độ C1, do Công ty Công nghệ Giáo dục 3A thực hiện đã thanh toán 1.069.740.000 đồng, số chưa thanh toán: 11.860.000 đồng.

* Tại gói thầu nâng cao trình độ B2, Sở đã thanh toán: 2.139.480.000 đồng. Sở đang giữ lại số tiền: 138.670.000 đồng…

Qua kiểm tra, số tồn dư kinh phí Dự án 0121 (số tiền: 1.294.611.500 đồng) được chuyển sang năm 2017 theo quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh để tiếp tục thực hiện, nhưng chưa được theo dõi, ghi chép chi tiết các nội dung trên sổ sách.

Qua thanh tra 21 đơn vị trực thuộc, Thanh tra đã phát hiện nhiều sai sót. Thanh tra đã:

"Yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh tập trung chỉ đạo xử lý các sai phạm về kinh tế được phát hiện qua thanh tra, số tiền 2.328.396.000 đồng (hai tỷ ba trăm hai tám triệu ba trăm chín sáu ngàn đồng), trong đó, thu hồi, nộp ngân sách nhà nước 2.150.918.000 đồng; cắt giảm giá trị khối lượng xây dựng cơ bản: 177.478.000 đồng.”

Kết quả thanh tra tại Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh ba năm từ 2014 đến 2016 cho thấy quá nhiều sai trái về lĩnh vực tài chính.

Một trong những nguyên nhân cơ bản chính là chức danh Trưởng phòng Tài chính - Kế toán (mà nay là Kế hoạch- Tài chính) không luân chuyển theo Nghị định 158/2007 nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng. 

Kính đề nghị:

1) Các cơ quan có thẩm quyền ở Hà Tĩnh tiếp tục cho thanh tra, kiểm toán đối với Sở Giáo dục và Đào tạo. 

2) Tiếp tục rà soát, xem xét, xử lý việc thực hiện Nghị định 158/2007 của Thủ tưởng Chính phủ tại Sở Giáo dục và Đào tạo.

3) Kết luận thanh tra số 10/KL-TT ngày 25/11/2017 đã có hiệu lực.

4) Phải đưa nội dung này vào để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh hiện nay.

Không hiểu vì lý do gì, Kết luận thanh tra không được công bố rộng rãi để cán bộ, giáo viên được biết, được bàn bạc và kiểm tra, đặc biệt là công tác xử lý (kiểm điểm, quy kết trách nhiệm, đề nghị hình thức kỷ luật…) sau thanh tra. 

Tác giả bài viết: Lê Văn Vỵ

Nguồn tin: Giáo dục VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây