Người chồng đâm chết người khi cứu vợ có thể được miễn trách nhiệm hình sự không?

Thứ tư - 18/11/2020 14:27
Theo luật sư, hành vi làm chết người của người chồng trong lúc cứu vợ có thể được xem xét là 1 trong 7 trường hợp miễn trách nhiệm hình sự theo quy định mới trong Bộ luật Hình sự.
Ngày 17/11, Công an tỉnh Vĩnh Long tạm giữ hình sự Nguyễn Thanh Nhựt (21 tuổi, ở xã Long An, huyện Long Hồ) để điều tra về vụ bắt cóc nữ chủ quán cà phê ven quốc lộ 53.

Qua điều tra, lấy lời khai đối tượng, đến nay, danh tính nhóm đi ô tô 7 chỗ đến bắt cóc nạn nhân Võ Thị Thúy Hằng đã được làm rõ gồm: Nguyễn Văn Tiến (29 tuổi), Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Dũng (29 tuổi, cùng ở huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Dương Vĩnh Tiến (35 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai), Nguyễn Thanh Nhựt (em trai nữ chủ quán cà phê) và Nguyễn Minh Tuấn (đã tử vong).
 
T2020111805 1
Đối tượng Nguyễn Thanh Nhựt (ảnh: Công an tỉnh Vĩnh Long).

Các nghi phạm khai rằng bà Võ Thị Kim Chi (53 tuổi) không đồng ý cho con gái là Võ Thị Thúy Hằng sống với Trần Ngoại Giao (30 tuổi) nên thuê nhóm thanh niên trên đến Vĩnh Long đưa con gái trở về. Nhựt là em trai của Hằng, cũng trực tiếp tham gia việc bắt cóc.

Trưa 15/11, nhóm này vào quán dùng bình xịt hơi cay, khống chế chị Hằng để đưa lên ô tô. Nghe tiếng vợ la hét, anh Trần Ngoại Giao lao ra giải cứu. Bị xịt hơi cay, anh Giao cầm thanh sắt đâm Tuấn tử vong và làm 2 người khác trong nhóm bắt cóc bị thương.

Ngoài 2 thanh niên đang nằm viện, cơ quan công an đã tạm giữ 3 người liên quan, trong đó có Trần Ngoại Giao. Đối tượng Nhựt trốn khỏi hiện trường, sau đó ra đầu thú.
 
T2020111805 2
Khu vực hiện trường xảy ra vụ việc (Ảnh: A.Minh).

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Thị Hường (Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Hà Nội) cho biết: “Để có căn cứ xác định hành vi của các bên có cấu thành tội phạm hay loại tội phạm nào cần phải phụ thuộc vào kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long.

Tuy nhiên, qua clip ghi lại sơ bộ diễn biến sự việc và qua thông tin ban đầu có thể thấy nhóm đối tượng đi xe ô tô xông vào nhà bắt giữ chị Võ Thị Thúy Hằng rất quyết liệt là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đã xâm phạm đến quyền tự do thân thể của công dân được pháp luật bảo vệ.

Các đối tượng phạm tội đã lên kế hoạch, chuẩn bị phương tiện, công cụ hỗ trợ bình xịt hơi cay để thực hiện theo hợp đồng thuê bắt giữ chị Hằng theo yêu cầu. Vụ việc các đối tượng tham gia bắt giữ chị Hằng trong trường hợp này có thể được xem xét thuộc trường hợp đồng phạm phạm tội có tổ chức được quy định tại Khoản 2 Điều 17 BLHS.

Xét hành vi của các đối tượng đã có cấu thành tội bắt giữ người trái pháp luật. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 157 BLHS với khung hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.

Còn nói về hành vi của Trần Ngoại Giao, luật sư phân tích: Đây là hành vi chống trả, ngăn chặn và bắt giữ các đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội quả tang bắt giữ người trái pháp luật.

Xét về bối cảnh xảy ra vụ việc, các đối tượng rất hung hãn, quyết liệt, sử dụng bình xịt hơi cay bắt giữ người là rất cấp thiết. Nghe tiếng kêu cứu của vợ, anh Giao đã chạy đến nơi vợ bị bắt lên xe ô tô, dùng thanh sắt có mũi nhọn đâm về phía nhóm các đối tượng rất hung hãn. Hậu quả có 1 đối tượng trong nhóm bắt giữ vợ Giao bị tử vong và 02 đối tượng khác bị thương.

Hành vi của Trần Ngoại Giao có thể được xem xét là 1 trong 7 trường hợp miễn trách nhiệm hình sự theo quy định mới có lợi cho người phạm tội từ Điều 20 đến Điều 26 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung 2017 và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018), đó là trường hợp Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 BLHS “Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm”.

Trường hợp xác định hành vi của anh Giao vẫn còn cách nào khác là một việc rất khó để xác định trong bối cảnh người thân đang bị nhóm đối tượng hung hãn bắt giữ.

Bởi lẽ đây là trường hợp phạm tội quả tang, tính cấp thiết của việc bắt giữ, ngăn chặn đặt ra rất nhanh trong khi anh chồng không có chuyên môn nghiệp vụ và rất khó để phán đoán đưa ra cách hành xử đúng đắn nhất làm sao cứu được vợ.

Nếu cơ quan điều tra xét thấy anh Giao vẫn còn cách nào khác để xử lý vụ việc thay vì dùng hung khí gây sát thương cho các đối tượng thì rất có thể anh sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2 Điều 24 “Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Khi đó, anh Giao có thể sẽ phải đối mặt đối mặt với tội danh giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 126 BLHS hoặc tội giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh theo quy định tại Điều 125 BLHS.

Vụ án cũng là bài học cảnh báo về tình trạng gia tăng băng nhóm tội phạm hoạt động bảo kê, đòi nợ thuê và sẵn sàng thực hiện hành vi trái pháp luật khi mang lại lợi ích vật chất, thậm chí cả việc sẵn sàng ra tay sát hại người khác khi thực hiện hợp đồng. Do đó, cần thiết phải xử lý nghiêm minh để không những nhằm trừng trị người phạm tội mà còn để răn đe, ngăn chặn các hành vi tương tự xảy ra đang gây bức xúc trong xã hội.

Hải Ngọc
Theo infonet.vietnamnet.vn
https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/nhip-song/co-the-mien-trach-nhiem-hinh-su-cho-nguoi-chong-lam-chet-nguoi-khi-cuu-vo-bi-bat-coc-khong-269949.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây