Ngư dân Hà Tĩnh được mùa sò mai

Chủ nhật - 04/10/2020 13:10
5 giờ chiều, những chuyến tàu cuối cùng của một ngày đã bắt đầu cập bến tại cảng cá Thạch Kim (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Trên những con thuyền, từng lớp sò mai trải ăm ắp đầy các khoang. Với người dân Lộc Hà, đây là nguồn lộc biển mang lại giá trị kinh tế cao vào mỗi dịp từ tháng 3 đến tháng 7 âm lịch hàng năm.
20201004008
Với giá thành cao, sò mai đang là nguồn lợi tự nhiên đem lại thu nhập cho ngư dân vùng biển Lộc Hà.

Thời gian qua, nhiều chủ tàu đánh bắt hải sản tại huyện Lộc Hà tỏ ra rất phấn khởi khi chỉ cần dong thuyền vài hải lý là đã có thể kiếm được tiền triệu trong ngày. Đang trong thời điểm đánh bắt sò mai nên thuyền nào cập bến cũng đầy ắp loại hải sản này. Ngư dân thường bắt đầu buổi ra khơi từ 5 - 6 giờ sáng và sẽ kết thúc vào 3 - 4 giờ chiều. Trung bình, những ngày này, mỗi tàu đi về đều đánh bắt được từ 3 - 5 tạ, thậm chí, nhiều tàu “trúng mánh” được gần chục tạ sò.

Khệ nệ chuyển từng thùng nhựa màu xanh nước biển chất đầy sò mai xuống tàu, anh Trần Văn Thìn (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) tỏ ra vui mừng vì chuyến biển này thuyền anh bắt được hơn 8 tạ sò mai. Đây cũng là chuyến biển anh trúng đậm nhất kể từ khi sò mai xuất hiện trong tháng. Anh Thìn nhẩm tính, ngày hôm nay anh được khoảng hơn 16 triệu đồng.

Theo kinh nghiệm của anh Thìn, mùa sò mai thường được bắt đầu vào khoảng tháng 3 âm lịch đến hết tháng 7, tháng 8 âm lịch. Mỗi năm ăn Tết xong, ngư dân Thạch Kim lại sắm sửa dụng cụ cho một mùa đánh bắt sò mai mới. Tuy nhiên, suốt mùa vụ, sò mai chỉ có vào từng đợt, mỗi tháng chỉ khoảng vài tuần.

Điều lạ lùng là trước đây sò mai rất hiếm gặp tại vùng biển Hà Tĩnh, nhưng 10 năm trở lại đây, ngư dân lại bắt gặp các luồng sò mai nằm rải rác xung quanh các vùng biển tại Hà Tĩnh như Xuân Thành, Cương Gián (huyện Nghi Xuân), Thạch Hải (huyện Thạch Hà)...

So với những nơi khác, sò mai ở vùng biển Hà Tĩnh có kích thước không chênh lệch là bao. Sò có hình tam giác, kích thước của nó lớn hơn cả mu bàn tay người lớn, thường cắm mình sâu dưới đáy biển. Chính vì vậy, để đánh bắt loại hải sản này, ngư dân phải lặn sâu xuống dưới đáy để “săn”.

“Trước đây, tôi đi lặn biển, thỉnh thoảng bắt gặp ít con sò mai thì bắt về ăn, có bán cũng không được bao nhiêu tiền. Nhưng nhiều năm trở lại đây, cùng với việc du lịch biển Lộc Hà phát triển, người dân khắp nơi đổ về đây du lịch nên sò mai được thương lái tìm về thu mua. Một phần sò mai tại Hà Tĩnh chưa nuôi trồng được nên giá thành cao” - Anh Trần Công Hòa (xã Thạch Kim) cho biết.

Mỗi lần ra khơi, trên thuyền anh Hòa có ít nhất 2 người, một người lặn, một người phụ trách ống thở và bình hơi. Thời gian lặn từ sáng sớm cho đến 2-3 giờ chiều mới vào bờ. Thông thường, mỗi đợt lặn kéo dài khoảng 1-2 giờ đồng hồ, tùy theo sức khỏe và thời tiết. Trong suốt quá trình làm việc dưới đáy biển, thợ lặn lúc nào cũng ngậm một đầu dây dẫn khí được truyền từ một bình hơi do chiếc máy nổ vận hành trên ghe. Dưới nước, ai cảm thấy thiếu hơi thì nắm dây giật một cái; muốn nổi lên giật 2 cái để ra hiệu. Ngoài ra, còn có những ám hiệu riêng do mọi người cùng quy định. Không chỉ sò mai, thuyền anh Hòa cũng bắt được nhiều hải sản có giá trị cao như: Ốc móng tay, sò trạng, ốc giá, ghẹ xanh...

Chuyến tàu này, thuyền anh Hòa chỉ bắt được hơn 1 tạ sò mai và 60kg sò trạng. Số hải sản này, anh Hòa chẳng phải nhọc công kiếm mối để bán bởi chỉ vừa cập cảng các lái buôn đã chen nhau vào đặt hàng. “Chuyến này, tàu của tôi cũng thu được gần 4 triệu đồng, trong khi chỉ đi bắt cách bờ có 3 hải lý. Tính ra, so với việc đánh bắt nhiều loại hải sản khác thì sò mai kinh tế hơn khi đánh bắt gần, đi về trong ngày, đỡ hao nhiên liệu” - Anh Hòa nhẩm tính.

Một số sò mai sẽ được thu mua cả vỏ nhưng phần lớn thường được các chủ tàu thuê nhân công để bóc tách, sơ chế ngay tại cảng cá hoặc trên tàu thuyền. Thông thường, người ta chỉ sử dụng 2 cái cồi (cồi sò mai là hai lớp cơ thịt nối liền hai mảnh của con sò) của nó. Con sò tuy lớn xác, nhưng thịt của chúng rất nhão, mọi tinh túy đều tập trung vào phần cồi. Chính vì vậy, cồi mai là thứ mang lại giá trị kinh tế lớn nhất cho ngư dân. Trung bình, các nhân công bóc tách 10 kg sò vỏ sẽ thu được 1kg cồi sò. Hiện nay, cồi sò được bán với giá 200.000 đồng -300.000 đồng/kg. Trong khi đó, sò nguyên vỏ được bán với giá 2 triệu đồng/tạ.

Cồi sò mai thường được chế biến thành các món xào, chiên, nấu cháo. Riêng sò nguyên vỏ thường được làm món sò nướng mỡ hành, nướng bơ tỏi... là món “tủ” của nhiều nhà hàng ở Hà Tĩnh. Nắm được nhu cầu của khách, anh Nguyễn Công Ngọc, chủ một nhà hàng tại biển Xuân Hải (huyện Lộc Hà) đã phải lặn lội đi tìm từng mối buôn để đảm bảo duy trì lượng hàng ổn định mỗi ngày phục vụ khách.
 
20201004009
Sò mai thường xuất hiện tại vùng biển Hà Tĩnh từ tháng 3 đến tháng 7 âm lịch.

Anh Ngọc cho biết: “Ở Hà Tĩnh, loại hải sản này tươi sống được rất nhiều thực khách ưa thích. Hiện, người dân chưa nuôi được và hoàn toàn đánh bắt sò tự nhiên. Do đó, để có lượng hàng ổn định thì tôi phải gom hàng từ 4 - 5 mối, mà mỗi ngày cũng chỉ được khoảng gần chục cân sò”.

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hải sản do ngư dân Hà Tĩnh đánh bắt được thương lái về bến thu mua nhiều hơn, giá cũng tăng lên. Nhờ đó, khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển.

Với người dân vùng biển Lộc Hà, sò mai thực sự là chiếc “phao cứu cánh” cho những ngư dân nghèo không có tiền để đóng tàu đánh bắt xa bờ. Vào thời điểm đầu năm học như hiện nay, việc trúng sò mai giúp nhiều hộ ngư dân có thêm thu nhập để sắm sửa, nộp học cho con em mình.
Khang Trí
Theo bienphong.com.vn
 
Link gốc: https://www.bienphong.com.vn/ngu-dan-ha-tinh-duoc-mua-so-mai-post433658.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây