Nghề báo cần lắm “lửa” say mê

Thứ sáu - 21/06/2019 04:36
Nhiều bạn trẻ nhìn nhà báo thành đạt như hào quang chói lọi, bởi họ có những tác phẩm báo chí hay, tác động làm thay đổi cuộc sống, nhiều tác phẩm đoạt giải cao, bút danh nhà báo đi vào lòng bạn đọc…

Ảnh minh hoạ

Làm báo thì phải đi

Trao đổi với nhiều bạn trẻ về nghề báo, có nguyện vọng học nghề báo, phần đông cho đây là nghề “hót”, không phải lao động chân tay, được ngồi trong phòng máy lạnh, lướt mạng rà thông tin, tay gõ lên bàn phím máy vi tính mà viết nên những bài báo. Mấy ai biết, để có những tác phẩm báo chí đi vào lòng người, là cả một hành trình vất vả, mồ hôi và nước mắt, thậm chí xương máu của mình. Nghề báo là một nghề vất vả, hiểm nguy!

Để có một tác phẩm báo chí, phóng viên (PV) phải đi đến nơi xảy ra sự việc, nắm bắt thông tin, ghi âm, quay phim, chụp ảnh… và hệ thống lại thành tác phẩm báo chí. Dự hội nghị, trong khi những đại biểu khác ngồi nghe thì phóng viên bắt đầu một chuỗi công việc… Kết thúc hội nghị, đại biểu về nghỉ, PV phải suy nghĩ và thể hiện thông tin hội nghị nộp nhanh cho tòa soạn.        

Có PV ngày đi hàng trăm cây số để tiếp cận thông tin, khi có đủ thông tin rồi, dù mệt mỏi hay đêm hôm khuya khoắt cũng phải hoàn thành tin, bài cho kịp phát lên sóng, lên mạng, chạy nhật trình sớm nhất. Không phải lúc nào PV đi thực tế cũng thuận lợi, lắm khi đường sá xa xôi, đến nơi rồi chưa có thông tin ngay được, bởi vì người biết thông tin đi vắng hoặc ngại cung cấp thông tin cho nhà báo sẽ nguy hiểm đến bản thân. Gặp những tình cảnh này, PV không thể trở về tay không mà anh phải tự vận động, tự xoay sở bằng nghiệp vụ chuyên môn tìm cho bằng được thông tin cần thiết.

Nhiều trường hợp muốn có thông tin đắt giá, PV phải dấn thân, cải trang xâm nhập thực tế để có được thông tin sống động. Có phóng viên làm hồ sơ xin việc ở nhà máy, xí nghiệp làm công nhân. Viết về nghề chạy xe ôm, phải đóng vai tài xế xe ôm. Muốn nắm bằng chứng cảnh sát giao thông mãi lộ như thế nào, có phóng viên phải nhiều ngày lân la làm quen với các bác tài xế đường dài và xin cho được một vai “lơ xe” để chứng kiến và quay phim, chụp ảnh các cảnh “làm tiền” của cảnh sát giao thông. Có trường hợp lúc PV phục kích quay phim, bị đối tượng phát hiện truy sát, nếu không được đồng nghiệp, người dân giải cứu kịp thời, thì khó toàn tính mạng…

Những thông tin việc tốt, dễ thu thập nhưng có những thông tin chạm đến sự việc tiêu cực thì rất khó khai thác. Có trường hợp PV bị “xử” ngay nơi tác nghiệp. Nếu PV khôn khéo thoát được, khi tác phẩm báo chí phát hành ra cộng đồng xã hội, các tổ chức, cá nhân, nơi xảy ra vụ việc không tốt thuê xã hội đen hành hung nhà báo. Trên đường tác nghiệp, đã có không ít PV bị tai nạn giao thông, tử vong hoặc phải sống trong cảnh tàn tật suốt cuộc đời. Ở những nước chiến tranh như Iraq, Libya, Syria, Afghanistan… nhiều nhà báo bị chết vì bom đạn hay bắt làm con tin. Không ít nhà báo bị Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS giết chết một cách dã man.

Sức mạnh của con chữ

Nghề báo lắm hiểm nguy như vậy, không say mê với nghề, khó thành công được.

Những nhà báo có “lửa” nghề không ngại những khó khăn hiểm nguy trên đường tác nghiệp . Họ dấn thânvào mưa bom, bão đạn để có những thông tin, bằng chứng tốt nhất. Tôi nhớ hình ảnh nhà báo cách mạng, nghệ sĩ nhân dân Phạm Khắc leo lên xe tăng M113 của quân đội Sài Gòn quay phim trận đánh giữa ta với địch ở Tiền Giang. Lúc đó ông không hề nghĩ đến cái chết mà lòng say mê với nghề, phải quay được những thước phim quý giá.

Câu chuyện mới nhất cho thấy tinh thần “máu lửa” với nghề là Giải báo chí Pulitzer danh giá được trao mới đây (tháng 4/2016) cho bốn nhà báo nữ của Hãng tin AP: Martha Mendoza, Robin McDowell, Esther Htusan và Marrgie Mason. Bốn nhà báo này đã đeo đuổi bền bỉ phanh phui câu chuyện tàn nhẫn trong nghề đánh cá ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Thái Lan với tội ác kinh khủng như nạn buôn người, lạm dụng, cưỡng bức lao động, giết người.

Kết quả, đã có hơn 2.000 lao động là công dân của Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar được giải thoát khỏi cảnh nô lệ trên những con tàu đánh cá về với gia đình. Hàng loạt kẻ buôn người bị bắt. Số tàu, hải sản bị tịch thu trị giá hàng triệu USD… Nhà báo Mendoza cho biết, “phần thưởng giá trị nhất mà chúng tôi được nhận là giúp các nô lệ đoàn tụ với gia đình. Là nhà báo, chúng ta có thể khiến mọi người nhìn thấy bộ mặt thật của một bí mật được mở. Điều đó rất khó khăn và khiến ta có thể kiệt quệ, nhưng điều quan trọng là đừng bỏ cuộc”…

Những tác phẩm báo chí thành công thường là sự đam mê bền bỉ, có “máu lửa” với nghề. Tuy vậy, nghề báo không chỉ có “lửa” say mê là đủ mà trước khi đến với thành công, nhà báo còn phải học tập và rèn luyện nghiệp vụ, quan điểm chính trị, đạo đức nghề nghiệp

Thực tế cho thấy, nghề báo không chỉ học ở trường, có bằng cấp cao mà giỏi được. Người viết bài này được biết nhà báo H công tác ở một cơ quan báo tỉnh, nhưng anh nhiều lần đoạt giải báo chí cấp Trung ương, toàn quốc và Giải báo chí quốc gia. Nhiều người khen anh giỏi, có tài nhưng khi tôi gần gũi, anh tâm sự: “Lúc mới vào nghề có nhiều tác phẩm được sử dụng, tôi cũng tự tin mình viết giỏi và hay chê bạn đồng nghiệp, nhưng sau này thấy nhiều tác phẩm báo chí của bạn cùng cơ quan đi vào lòng người. Từ bài báo đó, Đảng, Nhà nước đưa ra những chủ trương chính sách mới phù hợp lòng dân, tôi thức tỉnh và điều chỉnh lại chính mình.

Tôi học ở bạn đồng nghiệp cái hay và tránh cái dở ở họ. Tôi nhìn thấy ở những nhà báo thành đạt là ở tác phẩm báo chí của họ luôn phản ảnh, đấu tranh cho sự thật, nêu việc tốt, phản bác cái xấu. Họ không lợi dụng nghề báo để làm lợi cho bản thân mình mà bênh vực lẽ phải, bảo vệ sự thật…

Nghề báo vất vả, hiểm nguy, muốn thành công, cần lắm “lửa” say mê.

Lư Thế Nhã

 Tạp chí Người Làm Báo Số 388 - Tháng 6/2016

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây