Tờ báo Hạnh phúc

Thứ sáu - 21/06/2019 16:16
Nếu tin tức tiêu cực khiến người ta lo lắng thì tin tích cực có thể làm chúng ta hạnh phúc lắm chứ?

Tôi đang lang thang trên đất Thái Lan thì một người bạn chuyển cho tài liệu về một tờ báo, tờ báo rất lạ: Hạnh phúc, cái tên của nó chỉ giản dị thế thôi.
Thế nó ra làm sao?

Nó là của một cô gái rất trẻ, từng thất nghiệp. Và, thay vì nhìn đời theo hướng... thất nghiệp, cô nghĩ, sao ta không nhìn cuộc đời một cách tươi sáng hơn. Nếu tin tức tiêu cực khiến người ta lo lắng thì tin tích cực có thể làm chúng ta hạnh phúc lắm chứ?

Số đầu tiên của báo Hạnh phúc ra đời trong khoảng thời gian xảy ra những cuộc tấn công khủng bố ở Paris và cơn khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu năm 2015. Giữa tất cả những nỗi buồn đó, tờ báo tìm ra những tin tích cực nhất có thể. Những người mở cửa giúp đỡ những người không quen biết, những người xuống đường xếp hàng hiến máu, tài xế taxi tắt đồng hồ tính phí… 

Và tờ báo vẫn tồn tại đến bây giờ.

Tờ báo Hạnh phúc - 1

The Happy News - Tờ báo "phân phát" miễn phí niềm vui cho mọi người của cô gái trẻ Emily Coxhead.

Ở Việt Nam ta hiện có mấy group của anh chị em làm nghề báo, tôi cũng hay lang thang vào đấy và đọc. Và tôi thấy tỉ lệ những chuyện mà anh chị em chia sẻ giữa tốt và xấu, giữa tích cực và tiêu cực nó tương đương nhau. Nhưng khi lên mặt báo, dường như mặt tiêu cực xã hội nhiều hơn, cái xấu, cái ác xuất hiện nhiều hơn. Thậm chí, có những tờ báo được mệnh danh là báo đếm tầng, báo đánh đấm.

Tất nhiên, người làm báo dũng cảm và trung thực thì phải dám đương đầu để tấn công vào cái xấu cái ác, cái bẩn thỉu nhơ nhớp làm xấu xã hội. Tôi cũng thường xuyên đương đầu như thế, cũng rất hay đanh thép như thế.

Nhưng nếu chỉ lấy đấy làm tiêu chí thì quả là, có điều gì đấy gợn gợn.

Thực ra những chuyện tích cực, thậm chí là gương "người tốt việc tốt", nếu khai thác tốt, viết cho giỏi, thì cũng sẽ rất đông người đọc, và sức lan tỏa cũng rất mạnh.

Mới đây, một tờ báo lớn có bài viết về chuyện một anh thanh niên ở huyện Mai Châu, Hòa Bình giúp đỡ hai cô gái bị thương nặng trong vụ xe khách bị xe ben đâm ở Hòa Bình. Nhà anh này gần bệnh viện huyện, ngoài việc giúp đỡ rất nhiều nạn nhân ở ngay bệnh viện huyện thì ngay trong đêm, anh theo xe chở 2 cô gái bị nặng lên bệnh viện tỉnh ở thành phố Hòa Bình. Tại đây, anh đóng vai "người nhà" của 2 cô gái, đóng viện phí, ký giấy mổ. Mà 2 cô lại nằm 2 tầng khác nhau, cứ chạy lên chạy xuống chăm sóc, bác sĩ cứ tưởng người nhà, đến lúc hỏi kỹ thì mới ớ ra: Chỉ là người dưng bên đường.

Chưa hết, anh còn bỏ tiền mua một điện thoại cục gạch cho một cô gái vì cô này chả còn gì trên người. Làm hết tất cả mọi việc của một người thân trong gia đình của 2 cô gái, trừ một việc anh phải nhờ y tá làm: Thay bỉm.

Tôi đã rưng rưng đọc bài này, và chợt nhớ, cũng đã rất nhiều lần tôi chảy nước mắt khi đọc những bài viết về những người tốt, việc tốt trên các báo. Vì xúc động thôi chứ chả phải thương vay khóc mướn gì. Những chuyện tốt, viết hay vẫn luôn luôn làm cho chúng ta xúc động, làm cho chúng ta thánh thiện hơn, soi lại mình để đỡ phần u tối, để bớt sự hả hê ác độc trong cái cõi sân si của con người mà ai cũng có.

Nhớ hồi ở nước ta có tờ "Nghệ thuật mới" do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chủ biên. Ơ, cái tờ nói toàn về những điều tốt đẹp, nghệ thuật đương nhiên là cái đẹp rồi, nhưng quanh cái thế giới ấy cũng rất lắm những thị phi. Thế mà cái tờ báo này, tuyền chỉ nói về cái đẹp, cái tốt, và nữa, bài lại rất dài, ít cũng đẫy trang, thường là 2 trang dằng dặc. Chưa hết, lại còn in đen trắng. Và nhuận bút cũng thuộc loại khủng thời ấy.

Thế mà lại rất chạy, thế mà nhiều người đọc, và được đánh giá là sang trọng.

Tờ báo "Thơ" thời nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo làm cũng thế, chả đánh đấm gì, chả đếm tầng, đếm ban công gì, chỉ đăng thơ và nói chuyện thơ. Thế mà là một tờ báo nổi danh thời ấy, được in ở đấy là vinh dự của người viết, và khi ra sạp nó cũng 'cháy xèo xèo'.

Té ra nó như thế này, viết về cái tốt, cái tích cực, cái đẹp... nó khó hơn nhiều so với viết cái ác, cái tiêu cực. Viết về cái đẹp thì tâm hồn cũng phải đẹp, chữ cũng phải đẹp, còn cái xấu cái ác, có thể lạnh lùng tường thuật rất nhanh, thậm chí lấy cáo trạng ra cóp pi. Mấy món này mạng xã hội làm rất giỏi và nhanh. Một số tờ báo chúng ta hiện nay đang làm một việc rất... ngược đời là, cóp pi mạng xã hội, nhặt chuyện trên mạng xã hội, trong khi lẽ ra, mạng xã hội phải lấy thông tin từ báo chí.

Và té ra, không cứ viết về tiêu cực, về cái ác cái xấu là hút được bạn đọc. Vấn đề là, anh nhìn câu chuyện từ đôi mắt nào, và thể hiện nó ra làm sao?

"Một tờ báo đọc xong người ta không cảm thấy nặng nề mà muốn để dành đọc dần, làm quà cho người thân yêu, hay đặt ở nơi công cộng để biết đâu ai đó sẽ đọc và được truyền cảm hứng. Em không nghĩ là báo chí chỉ đưa một chiều như thế. Nhưng vẫn muốn báo chí mình nên gieo vào lòng bạn đọc nhiều năng lượng tích cực hơn. Hoặc giả nếu đưa tin về cái ác, cái xấu thì vẫn nên khai thác những khía cạnh tích cực, hướng thiện trong những chuyện tiêu cực đó, anh nhỉ?".

Một nhà báo trẻ nhắn cho tôi nhân ngày 21 tháng 6. Đọc xong tôi lại cũng... ngơ ngẩn. Ơ tại sao mình không nghĩ ra điều này nhỉ? Và đấy là lý do tôi viết bài báo nhỏ này...

 
Văn Công Hùng
Theo Khám phá

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây