Nhà thơ Huy Cận đã từng viết:
“Trong đời mỗi con người cũng có những ngã ba đường
Trong đời mỗi dân tộc cũng có những ngã ba quyết định
…
Gặp những ngã ba đời, con sẽ nghĩ suy
Và con ơi, muốn tìm đúng hướng đi
Con sẽ nhớ đến Ngã ba Đồng Lộc”
Quả đúng như vậy, thời gian có thể khiến cho người ta quên đi bao nhiêu ngã ba trong cuộc đời, nhưng khó ai một lần đi qua mà có thể quên được Ngã ba Đồng Lộc.
Ngã ba Đồng Lộc ngày ấy…
Ngày ấy - trong những năm tháng chống đế quốc Mỹ xâm lược, Ngã ba Đồng Lộc trở thành địa bàn trọng yếu, là giao điểm của mọi con đường từ Bắc vào Nam. Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng đó, kẻ thù đã liên tục đánh phá Đồng Lộc, nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân, dân ta với chiến trường miền Nam ruột thịt. Từ tháng 4 đến tháng 10-1968, đế quốc Mỹ đã ném bom Ngã ba Đồng Lộc trên 1.860 lần, gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể rốc két và đạn 20mm. Bình quân mỗi tháng chúng đánh 28 ngày, ngày đánh nhiều nhất 103 lần với trên 800 quả bom các loại. Ước tính, mỗi mét vuông ở mảnh đất này phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn. Kẻ địch muốn biến nơi đây thành điểm chết, hoang tàn không cho người và xe qua lại...
Trước sự đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ, tất cả lực lượng của ta đã được dồn sức cho Đồng Lộc để giải tỏa điểm chốt, giữ vững mạch máu giao thông. Trong suốt 300 ngày đêm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, hơn 16.000 người thuộc các lực lượng đã đối mặt, bám trụ chiến đấu kiên cường để nối mạch, thông đường. Tại chiến trường Đồng Lộc, trong tháng 5-1968, các lực lượng của ta đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ; trong tháng 7-1968, ta đã phá 1.780 quả bom, góp 974.240 ngày công để thông tuyến, làm đường mới... Cuộc chiến đấu trên mặt trận giao thông vận tải ngày càng quyết liệt, mọi âm mưu và thủ đoạn của địch đều bị thất bại. Nhân dân ta, với quyết tâm sắt đá “đường chưa thông không tiếc xương tiếc máu” và tinh thần “địch phá một, ta làm mười”, đã ngày đêm chịu mọi gian khổ, hy sinh bảo toàn cho những tuyến xe thông, kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam.
Đồng Lộc đã trở thành đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân. Nơi đây, hàng trăm, hàng ngàn người con đã ngã xuống vì Tổ quốc thân yêu, trong đó có sự hy sinh oanh liệt của 10 Nữ thanh niên xung phong. Các chị ra đi khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi. Sự hi sinh của 10 cô gái đã trở thành khúc tráng ca bất tử của tuổi trẻ trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Địa danh Ngã ba Đồng Lộc cũng gắn liền với tên tuổi của các Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, như anh hùng La Thị Tám, Nguyễn Trí Ân, Nguyễn Tiến Tuẩn, Vương Đình Nhỏ, Uông Xuân Lý, liệt sỹ Võ Triều Chung, Nguyễn Xuân Lứ… Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, nhưng những hình ảnh và cống hiến của các anh chị trên chiến trường Đồng Lộc năm xưa vẫn luôn khắc sâu và nhắc nhở chúng ta tự hào về một thời hào hùng của quê hương, dân tộc.
Và bây giờ...
Hôm nay, khi đến thăm Ngã ba Đồng Lộc, chúng ta lại càng tự hào và yêu thêm mảnh đất được xem là “chảo lửa, túi bom” này. Bởi nơi đây đã bừng lên sức sống mới với diện mạo mới.
Để tỏ lòng biết ơn, tri ân và tưởng nhớ đến sự hy sinh anh dũng của các lực lượng, trong đó có 10 Nữ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, Đảng, Nhà nước, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh, cùng sự chung tay của nhiều tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đã đầu tư xây dựng Ngã ba Đồng Lộc thành một quần thể di tích gồm nhiều hạng mục. Ngoài Khu mộ của 10 cô gái anh hùng còn có Nhà bia tưởng niệm Thanh niên xung phong toàn quốc, Nhà trưng bày truyền thống, Tượng đài chiến thắng, Bức phù điêu, Tháp chuông, Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc, Đồi La Thị Tám… Bởi vậy, đến Ngã ba Đồng Lộc hôm nay, chúng ta không chỉ thắp nén tâm nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ mà còn được nghe tiếng chuông ngân vang lời tri ân, thấy hình ảnh vút cao của tượng đài chiến thắng giữa bạt ngàn thông xanh, thấy những con đường rộng uốn quanh các ngọn đồi, như vòng tay ôm ấp các công trình tưởng niệm…
Với diện mạo mới, Ngã ba Đồng Lộc đã được xếp hạng Khu di tích cấp Quốc gia vào năm 1989 và năm 2013 được Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt trong hệ thống các di tích trên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc và tưởng niệm 10 Nữ thanh niên xung phong, các cấp, các ngành đang tập trung chỉnh trang, nâng cấp các hạng mục công trình để xứng tầm với Khu di tích Quốc gia đặc biệt. Hàng năm, mảnh đất linh thiêng này đã đón tiếp hàng trăm ngàn lượt người tới thắp hương, thăm viếng. Ngã ba Đồng Lộc - ngã ba huyền thoại thực sự trở thành một điểm hành hương tâm linh, một không gian tưởng niệm linh thiêng của du khách thập phương, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho thế hệ trẻ.
50 năm đã trôi qua, Ngã ba Đồng Lộc đã và đang hồi sinh, đổi mới từng ngày. Mỗi lần viếng thăm Ngã ba Đồng Lộc là thêm một lần gợi nhắc chúng ta - những người đang sống, chiến đấu và học tập hôm nay hãy dành những tình cảm thiêng liêng nhất, hãy cống hiến những việc làm có ý nghĩa nhất để tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới những chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc và hãy cùng nhau thi đua, lập nhiều thành tích xuất sắc để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Nguồn tin: Tạp chí Cộng sản
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn