“Về Hà Tĩnh người ơi…”

Thứ hai - 28/05/2018 17:03
Câu hát ấy của nhạc sỹ Xuân Thuỷ cứ vang lên tha thiết trong tôi khi nghĩ về những tiềm năng du lịch của Hà Tĩnh. Những bãi biển hiền hoà, thơ mộng, những huyền tích gắn liền với nhân vật lịch sử, những giá trị văn hoá phi vật thể được tạo nên từ đời sống lao động… đã và đang cùng tấu lên bản hoà ca về một vùng đất tuy nghèo khó mà luôn vận động, sáng tạo, tuy gian khổ mà đậm nghĩa, đậm tình… Để trong những hoạt động đầu tư, du lịch luôn là lĩnh vực được ưu ái lựa chọn.

 

Những tiềm năng “biết nói”.

Tại hội thảo khoa học về phát triển du lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh nhấn mạnh: “Phát triển du lịch phải đảm bảo hiệu quả bền vững, đảm bảo giữ gìn môi trường tự nhiên và xã hội. Khai thác các tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch và các yếu tố khác để phát triển du lịch toàn diện, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa số lượng. Hội nghị sẽ là dịp để chúng ta cùng nhìn nhận và đưa ra các giải pháp nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế để đưa ngành Du lịch Hà Tĩnh phát triển”.

Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định du lịch nghỉ dưỡng biển là một trong những sản phẩm du lịch chủ lực của khu vực Bắc Trung bộ.

Trong đó, Hà Tĩnh sở hữu 137km bờ biển, với vùng lãnh hải rộng khoảng 20 ngàn km2, phải khẳng định rằng Hà Tĩnh có lợi thế để phát triển du lịch biển đảo, với vị trí địa lí là điểm giữa của cầu nối tuyến Bắc – Nam và cửa ngõ phía Đông của trục Đông – Tây.

Theo Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch thì vùng Hà Tĩnh có 6 cửa biển (Cửa Hội, Cửa Cương Gián, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu, Cửa Xích Lỗ) và từ thời Lý – Trần đã có 5 thương cảng: Hội Thống, Cửa Sót, Nhượng Bạn, Hải Khẩu, Xích Lỗ. Nhiều tài liệu lịch sử và khảo cổ học đã chứng minh có một số cảng biển Hà Tĩnh từng rất sầm uất, như cảng Cửa Sót, Hội Thống, hoặc cảng vùng Kỳ Anh

Sử sách còn chép lại rằng, đến thế kỷ XIX hoạt động giao lưu, buôn bán ở vùng Nghệ Tĩnh khá sôi động, tỉnh Hà Tĩnh có đến 14 chợ, 15 quán và 31 cầu đò. Nhiều nhà khảo cổ học đã khẳng định từng có một nền văn hóa cảng thị ở Hà Tĩnh.

Trên nền tảng nền kinh tế cảng thị đã tạo ra nhiều giá trị vật chất, tinh thần đặc sắc và các làng nghề như gốm Cổ Đạm, bán buôn Giang Đình. Hơn nữa, văn hóa cảng thị Hà Tĩnh còn ghi dấu sự giao thoa của các nền văn hóa khác nhau: Việt – Chăm (cửa Nhượng), Việt – Hoa (Phù Thạch) và cả Việt – Nhật (Triều Khẩu)…”.


Một góc Ngã Ba Đồng Lộc.

Hiện nay Hà Tĩnh đang tập trung phát triển Khu kinh tế Vũng Áng và cụm cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương. Đó chính là sự tiếp mạch dòng chảy lịch sử, khẳng định sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong thời kỳ đổi mới. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp những tiềm năng du lịch của tỉnh có cơ hội được đánh thức.

Hàng loạt những bãi biển đẹp chạy từ Nghi Xuân đến Kỳ Anh như: Xuân Thành, Thạch Hải, Thiên Cầm, Kỳ Ninh, Mũi Đao dồi dào về nguồn lợi hải sản đã tạo điểm nhấn cho du lịch Hà Tĩnh.

Trong đó, bãi biển Thiên Cầm đã được Chính phủ phê duyệt là 1 trong 46 khu du lịch quốc gia. Bên cạnh đó, bờ biển Hà Tĩnh còn ẩn chứa tài nguyên du lịch nhân văn để kết hợp hài hòa giữa du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh.

Từ Hội Thống vào đến Hoành Sơn Quan là hàng trăm di tích lịch sử, văn hoá với đầy đủ các loại hình như đình, chùa, đền thờ, nhà thờ, am miếu, trong đó có 01 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 73 di tích cấp quốc gia và 339 di tích cấp tỉnh. Đây cũng chính là điều kiện thu hút đầu tư nhằm hiện đại hoá hạ tầng, nâng tầm giá trị các khu điểm du lịch.

Hà Tĩnh, như trong thơ ca nhạc hoạ là vùng đất nắng lửa mưa chan nhưng từ trong gian khó, người Hà Tĩnh bao đời nay cũng đã biết sống hài hoà với thiên nhiên, tạo nên những giá trị văn hoá phi vật thể đậm đà bản sắc.

Đó là những lễ hội lớn gắn với các di tích cấp quốc gia như lễ hội Sỹ - Nông - Công - Thương ở Xuân Thành (Nghi Xuân), lễ hội đền Chiêu Trưng, lễ hội chùa Chân Tiên ở Cửa Sót (Lộc Hà), lễ hội Cầu Ngư ở Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), lễ hội đền Chế Thắng phu nhân ở Kỳ Ninh (Kỳ Anh)…

Gắn với những lễ hội này là các loại hình dân ca, dân vũ với hát sắc bùa, hò chèo cạn, ví, giặm, đi cà kheo… phản ánh tín ngưỡng dân gian của cư dân ven biển.

Điểm đặc biệt khiến các nhà đầu tư lưu tâm và quyết định đầu tư phát triển du lịch Hà Tĩnh là hệ thống truyền thuyết, dã sử, những sáng tác văn học nổi tiếng gắn với các danh thắng, di tích vùng ven biển.

Những truyền thuyết, huyền thoại về các Vua Hùng ở Ngàn Hống, dấu chân Tiên ở Thịnh Lộc, truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung hiện còn dấu tích ở khu Quỳnh Viên trên núi Long Ngâm Cửa Sót, câu chuyện về cha con Hồ Quý Ly bị bắt giữ ở Thiên Cầm, những chuyến chinh phạt, tuần du phương Nam của các triều vua như Trần Duệ Tông và cung phi Nguyễn Thị Bích Châu (di tích Đền thờ Chế Thắng phu nhân), 10 bài thơ nổi tiếng của Hoàng đế Lê Thánh Tông… cũng là một dạng tài nguyên hết sức hấp dẫn, nếu biết khai thác, phát huy sẽ tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với du khách.

Khai thác tiềm năng du lịch sẵn có đang là một trong những mục tiêu của tỉnh trong những năm qua. Bước đầu, tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các địa phương vùng ven biển, nhất là về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, từng bước kết nối du lịch biển với các trung tâm du lịch của tỉnh, của vùng và các tỉnh của Lào và khu vực Đông Bắc Thái Lan...

Hệ thống tỉnh lộ như: tỉnh lộ 4 (từ thị trấn Cẩm Xuyên đi Thiên Cầm), tỉnh lộ 22 (từ thị trấn Nghi Xuân đi Xuân Thành), tỉnh lộ 9 (từ TP Hà Tĩnh đi Lộc Hà), tỉnh lộ 19/5 (từ Thạch Hải đi Thiên Cầm), các tuyến đường nối QL1A với Thạch Khê… và đặc biệt là tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng, tuyến giao thông chiến lược quan trọng của tỉnh đang được đầu tư xây dựng thực sự sẽ mang lại sự khởi sắc cho nền kinh tế - xã hội của tỉnh nhà nói chung, của ngành kinh tế du lịch nói riêng.


Khu du lịch sinh thái Hồ Trại Tiểu.

Hiện tại, bên cạnh các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án đầu tư hạ tầng có quy mô lớn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Xuân Thành - Nghi Xuân, Thiên Cầm – Cẩm Xuyên và vùng Nam Kỳ Anh.

Năm 2017, có một số sản phẩm du lịch mới như Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Vinpear Cửa Sót; Sân Golf, Trường đua chó giải trí – khu du lịch biển Xuân Thành; Du thuyền Giang Đình cổ độ; Khu du lịch sinh thái Hải Thượng được đưa vào khai thác đã góp phần làm cho diện mạo không gian du lịch của tỉnh nhà được cải thiện đang kể, không ngừng thu hút khách trong nước và quốc tế đến tham quan nghỉ dưỡng.

Mặc dù đã có nhiều bước tiến trong thời gian gần đây nhưng nhìn chung, du lịch biển Hà Tĩnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, yêu cầu; chưa khắc phục được tính mùa vụ, đầu tư còn manh mún, dàn trải, dịch vụ còn tự phát, đơn điệu, thiếu tính chuyên nghiệp, thu nhập thấp…

“Chắp cánh” cho những vùng biển Hà Tĩnh.

Trên cơ sở xác định tầm quan trọng và vị thế của kinh tế biển, phấn đấu đến năm 2020 là một trong 5 đột phá về kinh tế như mục tiêu chiến lược biển quốc gia đề ra, Hà Tĩnh đang tập trung phát triển du lịch biển với nhiều nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Trước hết là rà soát lại kế hoạch chung và quy hoạch chi tiết các khu du lịch biển trên địa bàn để điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp với quy hoạch chung của quốc gia. Trong đó, ưu tiên trước hết cho Khu du lịch Thiên Cầm, Xuân Thành, Nam Kỳ Anh… Huy động mọi nguồn lực đầu tư nâng cấp Khu du lịch Thiên Cầm sớm trở thành khu du lịch quốc gia.

Triển khai mở rộng không gian đô thị nhằm xây dựng một số đô thị du lịch biển. Tập trung các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch theo hướng đồng bộ và có trọng tâm, trọng điểm.

Phát triển các khu du lịch biển tại Kỳ Anh nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng ngày càng cao cùng với sự phát triển của Khu kinh tế Vũng Áng. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động du lịch.

Tiếp đó là triển khai chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch mới, nâng cấp các điểm và sản phẩm du lịch hiện có nhằm đa dạng hoá các loại hình du lịch biển trên cơ sở khai thác các giá trị sinh thái biển.

Tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng và bền vững như: Tham quan các làng chài, làng nghề mang bản sắc vùng ven biển và tận dụng khai thác loại hình du lịch sinh thái kết hợp văn hoá tâm linh; nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có như du lịch tắm biển nghỉ dưỡng; du lịch thương mại, công vụ và hội nghị, hội thảo; du lịch vui chơi giải trí, tham quan các di tích văn hoá lịch sử, danh thắng…


Bình minh trên biển Cửa Sót (Lộc Hà).

Mở rộng kết nối các điểm du lịch biển Hà Tĩnh với hành trình “Con đường di sản Miền Trung”, tuyến du lịch xuyên Việt và đặc biệt là khai thác tối đa tuyến hành lang Đông – Tây…

Tích cực, chủ động khai thác nguồn khách truyền thống tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; tiếp cận và khai thác nguồn khách du lịch tiềm năng tại TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng... Chủ động khai thác nguồn khách quốc tế truyền thống như Lào, Thái Lan, Trung Quốc, các nước thuộc khối ASEAN…

Nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban quản lý khu, điểm du lịch, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, cứu hộ cứu nạn, quản lí giá cả hàng hóa, dịch vụ, không ngừng cải thiện môi trường du lịch.

Ưu tiên công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực, vừa đáp ứng xu hướng chuyên nghiệp hóa vừa đảm bảo yêu cầu phát triển du lịch cộng đồng.

Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch để thu hút khách và thu hút đầu tư vào các khu du lịch biển. Trước mắt cần tập trung vào 2 khu du lịch biển Thiên Cầm và biển Xuân Thành; ưu tiên các dự án đầu tư có quy mô lớn, các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ vui chơi giải trí, mua sắm hàng hoá...

Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, ban hành và thực hiện tốt các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào các khu du lịch biển. Tập trung tuyên truyền, giáo dục ý thức của nhân dân trong việc khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn lợi từ biển; nâng cao trách nhiệm và ý thức cộng đồng trong công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, hướng tới phát triển bền vững biển.

Hỗ trợ và quan tâm công tác xoá đói, giảm nghèo cho cộng đồng dân cư ven biển, sử dụng các nguồn lợi từ biển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ biển và hải đảo…

Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Xuân Thập - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Với những chính sách khuyến khích phát triển du lịch, nhiều nội dung đột phá và các nhóm chính sách bao gồm: Chính sách về hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào, xây dựng nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, hỗ trợ lãi suất, phát triển mô hình nhà lưu trú tại gia (homestay); hỗ trợ các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; chính sách về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực… là điều kiện để Hà Tĩnh khai thác tiềm năng sẵn có, phát triển ngành du lịch một cách tương xứng”.

Những vùng biển thơ mộng với những tiềm năng du lịch phong phú đã và đang được đánh thức bằng những bước đi thận trọng, vững chắc của tỉnh, bằng niềm tin của các nhà đầu tư và tình yêu mến của du khách. Tin rằng, với những chính sách thu hút đầu tư mới, thời gian tới, du lịch biển Hà Tĩnh sẽ được đầu tư mạnh mẽ hơn, tạo dấu ấn đậm sâu hơn trên bản đồ du lịch của cả nước.

Uyên Uyên - Ảnh: Thanh Hải

Nguồn tin: Báo Xây dựng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây