Giờ Trái Đất (Earth Hour) - sự kiện quốc tế hằng năm, do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wildlife Fund) tạo ra, nhằm khuyến khích các hộ gia đình và công ty tắt hết đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong một giờ đồng hồ vào lúc 8h30 đến 9h30 tối (giờ địa phương) ngày thứ bảy cuối cùng của tháng ba hàng năm.
Sự kiện bắt đầu từ năm 2007 ở Sydney với con số khiêm tốn là 2 triệu người tham gia. Nhờ các phương tiện truyền thông, số người năm 2008 tăng lên 50 triệu; năm 2009 là hơn 1 tỷ người, hơn 4.000 thành phố. Năm 2010 có 126 nước tham gia nhưng đến năm 2018, đã có hơn 7.000 thành phố khắp toàn cầu tham gia sự kiện này.
Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái Đất. Ảnh: EarthHour.
Không biết bạn ra sao nhưng tôi cảm thấy cực kỳ nhẹ nhõm khi nghĩ về Giờ Trái Đất. Khi những ngọn đèn sáng nhất, lấp lánh nhất, thành tố cơ bản tạo nên vẻ huyền ảo lung linh nhất của những toà nhà, cao ốc ở khắp hành tinh vụt tắt, từ Las Vegas - Mỹ đến Kim Tự Tháp - Ai Cập sẽ chìm vào bóng tối trong 1 giờ ngắn ngủi.
Dù những đốm lửa hay những ngọn nến nhỏ có được thắp lên trong 1 giờ đồng hồ này hay không, tôi vẫn không khỏi không xao xuyến vì cử chỉ tự nguyện đẹp đẽ này của nhân loại. Bởi nó là nỗ lực cuối cùng của loài người để gìn giữ một Trái Đất xanh. Bởi giờ đây, tất cả chúng ta đều bất lực...
Nghe thì có vẻ bi kịch nhưng nếu bạn tìm hiểu sẽ thấy 2-3 thập kỷ gần đây, những người yêu môi trường tuyệt vọng khi khắp nơi nơi, từ châu Phi đến châu Á, thiên nhiên đã và đang bị dày vò, khai thác triệt để.
Những mỏ quặng đồng, sắt, nhôm, tài nguyên khoáng sản của Ghana, Angola, Guine, Mozambique, Congo, Zimbawee, Nam Phi đã được các tổ chức quốc tế xác nhận là cạn kiệt. Những rừng rậm châu Á, châu Phi càng lúc càng thu hẹp, thưa thớt dần, đại dương ngập ngụa rác thải...
Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã nhìn thấy hình ảnh chú cá ngựa quấn đuôi quanh thanh ngoáy tai một cách tội nghiệp. Bức ảnh được nhiếp ảnh gia Justin Hoffman chụp khi anh đang đi lặn biển ở đảo Sumbawa của Indonesia, anh chia sẻ nó lên mạng xã hội và tấm ảnh được lan toả với mức độ chóng mặt.
Một trong những bức ảnh có sức lan truyền rộng khắp về vấn đề ô nhiễm môi trường. Ảnh: Justin Hoffman.
Thông điệp mà chúng ta nhận được là, đại dương, chiếm 71% diện tích Trái Đất cũng đang bất lực. Hoffman chia sẻ “Tôi đau lòng khi chụp bức ảnh này, tôi chỉ ước gì nó không tồn tại. Dưới đáy biển tôi nhìn thấy cặn bã, rác rưởi khắp nơi, chất thải công nghiệp và chất thải con người đầy rẫy trong lòng đại dương xanh."
Cũng có nhiều ý kiến phê phán Giờ Trái Đất là “lợi bất cập hại”, rằng Giờ Trái Đất chẳng giúp ích được gì nhiều, tắt hết đèn xài nến thì thải nhiều CO2 ra bầu khí quyển hơn hay việc xả rác lung tung sau sự kiện... Những ý kiến này không phải không có lý.
Tuy nhiên, Giờ Trái Đất không phải là cách chúng ta chống lại nguồn năng lượng điện mà là cách chúng ta tự nhắc nhở nhau: Khi mọi thứ quanh mình không còn thiếu thốn như mấy chục năm trước, trái lại còn có vẻ thừa thãi (như ánh sáng đèn điện, như xăng dầu gạo vải), không có nghĩa là chúng ta có thể cho phép mình quên đi Mẹ Trái Đất già cỗi đang hết mình tận hiến cho nhân loại.
Các tình nguyện viên tham gia sự kiện Giờ Trái Đất tại Nga. Ảnh: Kommersant Photo.
Loài người, sinh vật may mắn nhất hành tinh này có thể làm gì để giữ gìn hành tinh xanh: Tái sử dụng bình uống nước nhựa thay vì sử dụng chai nước suối và vất đi hàng loạt? Tắt điện khi không cần sử dụng đèn? Xài ít sản phẩm nhựa? Tiêu thụ ít xăng, dầu, nhớt? Đi xe bus thay vì lái ô tô, xe máy? Không dùng ống hút?
Câu trả lời như thế nào đi nữa đều là lựa chọn của mỗi cá nhân. Mục đích chính của Giờ Trái Đất không gì khác hơn là nâng cao ý thức giữ gìn Trái Đất xanh, sạch, đẹp.
Từ chục năm đổ lại, cùng với Giờ Trái Đất đã có một lối sống đang trở thành trào lưu của giới trẻ, trở thành chuẩn mực của những ai quan tâm và có trách nhiệm với môi trường. “Sống xanh" là sự lựa chọn tất yếu sau những gì chúng ta đã ứng xử với Mẹ Trái Đất.
"Sống xanh" là gì? Chẳng qua đó là cách sống giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên và gây ra ít tác động nhất với môi trường từ thói quen sinh hoạt của con người.
"Sống xanh" là gì? Chẳng qua đó là cách sống giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên của Trái đất và gây ra ít tác động nhất với môi trường từ thói quen sinh hoạt của con người.
Rõ ràng một người có tiền có thể bạt mạng khẳng định: Tôi thừa tiền cho một cuộc sống xa xỉ và tôi muốn tiêu dùng hoang phí tài nguyên của thế giới hôm nay thế nào kệ tôi, nhưng thế hệ tương lai của chính anh ta sẽ phải trả giá.
Mặt khác, hầu như tất cả các hàng hóa, dịch vụ trong cuộc sống mà chúng ta đang dùng đều không tính đến chi phí để xử lý các tác động tới môi trường từ quá trình sản xuất và tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ đó. Thế hệ con cháu ta sẽ phải trả các chi phí đó hoặc sẽ đến lúc không thể mua được các tài nguyên của Trái Đất vì chúng đã cạn kiệt, ví dụ như nước sạch, hay dầu mỏ và khoáng sản.
Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc thay đổi cách sống của mình tại gia đình. Ví dụ, tắt điện khi không sử dụng, lựa chọn nhà sản xuất thân thiện với môi trường khi mua hàng, thay thế hóa chất bằng các sản phẩm tự nhiên, nấu đủ ăn, dùng các thiết bị điện đúng cách, giảm việc sử dụng năng lượng, hóa chất, bảo vệ nguồn nước, hạn chế rác thải, cải thiện sức khỏe.
Và cho dù lựa chọn như thế nào, thì trong Giờ Trái Đất, hy vọng bạn sẽ cùng tôi tham gia. Dẫu biết một giờ ngắn ngủi cũng không thể làm Trái Đất xanh hơn hay bớt ô nhiễm hơn nhưng ít ra một giờ đó chúng ta có thể nắm tay nhau nhìn ngắm bầu trời đêm huyền ảo, để Mẹ Trái Đất nghỉ ngơi trong giây lát, để con trẻ nhìn lên những vì sao lấp lánh và mơ ước những điều tốt lành. Biết đâu, khi lũ trẻ cảm nhận được vẻ đẹp của bầu trời đêm tinh khôi trọn vẹn, chúng sẽ yêu Trái Đất này hơn thế hệ chúng ta.
Con người đã nhận rất nhiều từ Mẹ Trái Đất, bây giờ chính là lúc chúng ta phải trao đi, gửi lại. Ảnh: Eco Kids.
Mà không chỉ trẻ con, ngay cả người lớn chúng ta cũng cần được nhắc nhở: Xưa nay chúng ta toàn “nhận” từ Mẹ Trái Đất, bây giờ là lúc chúng ta cần phải “trao” đi, “gửi” lại. Và hãy công bằng sòng phẳng nhìn nhận với nhau: Thứ chúng ta cần phải gửi lại cho Mẹ Trái Đất không gì khác hơn là lòng biết ơn và tâm lành lặn để giữ hành tinh đẹp đẽ này bền lâu hơn.
Tác giả bài viết: Lâm Vân An
Nguồn tin: Khám phá
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn