Ký ức lịch sử: Trận đánh cuối cùng thống nhất đất nước

Thứ ba - 30/04/2019 05:53
Cùng chiến đấu với tôi có rất nhiều đồng đội đã hy sinh. Ngay khi còn đang chiến đấu, tôi đã nuôi ý định, khi cuộc chiến kết thúc tôi sẽ trở lại làm một điều gì đó để tri ân họ. Và tôi đã làm như dự định. - Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu.

Nhân kỷ niệm 42 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã dành cho Báo CAND cuộc trao đổi đầy ý nghĩa. 

Là một “vị tướng trận mạc”, những kí ức của ông ăm ắp sự kiện, phản ánh những góc nhìn chân thực về cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc trong thế kỷ XX. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Ký ức lịch sử: Trận đánh cuối cùng thống nhất đất nước

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu. 

PV: Thưa Thượng tướng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chúng ta đã tiến hành rất nhiều chiến dịch; có thể kể đến 4 chiến dịch trong hành trình đến với ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Đó là Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào 1971, Chiến dịch Quảng Trị 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4 năm 1975. Là người đã tham gia cả 4 chiến dịch này, ông có thể chia sẻ với độc giả về những ký ức trận mạc?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Trong cuộc đời binh nghiệp 52 năm, tôi có rất nhiều ký ức chiến trường. Ký ức đầu tiên trong tôi là những ngày đầu mặc trên mình bộ quân phục màu xanh áo lính. Từ khi biết đến hình ảnh anh giải phóng quân với chiếc mũ tai mèo, tôi đã luôn mong ước mình sẽ trở thành anh giải phóng quân. Và mong ước đó được thực hiện khi đồng chí Trung úy Đại đội trưởng Phạm Đình Xuân về nhận và đưa những thanh niên của huyện Hải Hậu (Nam Định) chúng tôi tham gia quân đội. 

Chúng tôi đi bộ lên thành phố Nam Định, rồi lên tàu hỏa vào Vinh, nhập ngũ Trung đoàn 812, Sư 324, đóng quân ở Nghi Ân, Nghi Lộc, Nghệ An. Ngày ấy chúng tôi còn trẻ, lần đầu tiên xa nhà, xa gia đình nên nhiều kỷ niệm mãi mãi còn khắc sâu. Những thanh niên quê Hải Hậu khi đó đều cảm thấy ấn tượng, thậm chí thần tượng người Đại đội trưởng Phạm Đình Xuân oai phong, quyết đoán. Hiện nay ông vẫn còn sống. 

Vui nhất là cách đây 3 năm chúng tôi đã đón ông về Hải Long - Hải Hậu hội ngộ với chúng tôi, những tân binh của ông năm nào. Ông rất vui khi có những giây phút đoàn viên hiếm hoi như thế. Ông và chúng tôi cũng không khỏi bùi ngùi nhớ đến những anh em, đồng đội nằm lại ở chiến trường. Sau đó tôi đã đón ông ra Hà Nội, đưa ông đi thăm Thủ đô. Chỉ tiếc sức khỏe của ông năm nay đã kém vì ông gần tuổi 90, quê ở Bình Định.

Trong cuộc đời cầm súng, tôi đã tham gia 4 chiến dịch lớn như anh vừa đề cập. Trong bốn chiến dịch ấy tôi giữ các cương vị chỉ huy khác nhau: Trung đội trưởng, đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng. Tôi có những người bạn chiến đấu cùng quê, cùng nhập ngũ một ngày rất thân thiết. Có người đã hy sinh, an nghỉ vĩnh hằng trong lòng đất như đồng chí Huyền, đồng chí Tiềm, đồng chí Kiệm, đồng chí Uyên, đồng chí Liên và rất nhiều đồng chí khác… Nhưng cũng còn những người hiện nay vẫn gặp gỡ và thường xuyên chia sẻ, ôn lại những câu chuyện chiến đấu năm xưa như Trung tướng Hoàng Kỳ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng - nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Nguyễn Đình Hưng - Luật sư, Nguyễn Trung Thông - nghỉ hưu tại quê; Phạm Trung Bính - nguyên Giám đốc Sở Lương thực tỉnh Hà Nam Ninh... Những người bạn, người chiến sĩ cùng nhập ngũ ở cái tuổi 17, 18 năm xưa nay đã đều ở tuổi 70.

Trong những địa danh mà tôi từng sống và chiến đấu thì chiến trường Bình Trị Thiên, đặc biệt Quảng Trị là nơi mà tôi gắn bó nhiều nhất. Những chuyện chiến đấu của tôi thì nhiều cuốn sách, bài báo, phim tư liệu đã nói, xin không kể lại nữa. Tôi chỉ kể một kỷ niệm mà còn ít người biết đến, đó là thời kì Trung đoàn 27 B5 của chúng tôi làm nhiệm vụ chiến đấu, sát cánh cùng đồng bào các dân tộc ở Quảng Trị, đặc biệt có đồng bào Vân Kiều. 

Chúng tôi khác với một số đơn vị chủ lực ở chỗ: Họ đánh xong là rút, nhưng chúng tôi đánh xong phải giữ chiến trường. Phải thực hiện đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ… bằng tập kích, phục kích với các loại vũ khí được trang bị. Làm sao đó để ngày nào cũng có tiếng nổ, làm cho địch biết quân giải phóng lúc nào cũng có lực lượng; phải giữ được chiến trường cả bốn mùa. Để thực hiện được chiến thuật ấy, chúng tôi phải phối hợp với bộ đội địa phương, nắm chắc địch và phải bám chắc dân.

Tôi tham gia tất cả 67 trận đánh. Có nhiều trận đã được báo chí ngày ấy tường thuật. Có một trận làm tôi nhớ mãi, ấy là trận tiêu diệt cụm bộ binh cơ giới Mỹ ở Sáp Đá Mài -Tân Kim - Cam Lộ - Quảng Trị đêm 4 rạng ngày 5 - 4 - 1970. Sau Mậu Thân 1968, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn. Về phía địch, bị thất bại các chiến thuật như chiến thuật Kỵ binh bay, Tia chớp nhiệt đới, Anh cả đỏ, Thiết xa vận và bị quân giải phóng chọc thủng hàng rào điện tử McNamara, Mỹ bắt đầu thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, tung chiến thuật Trâu Rừng, dùng bộ binh cơ giới kết hợp với hỏa lực mạnh, trong đó có pháo đài bay B52, pháo hạm để làm chỗ dựa cho quân ngụy đánh chiếm sâu vào vùng giải phóng.

Đại đội 2, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 mà tôi làm Đại đội trưởng được lệnh tiêu diệt cụm bộ binh cơ giới ấy. Sau 4 đêm luồn sâu bám sát, chúng tôi đã nắm vững quy luật hoạt động của địch. Theo hiệp đồng tác chiến, đồng chí Khoát xạ thủ B41 đi mũi do tôi trực tiếp chỉ huy và đồng chí Duy chính trị viên bắn 3 quả tiêu diệt chiếc xe chỉ huy làm mệnh lệnh nổ súng. Đồng loạt các mũi của đồng chí Cư đại đội phó, đồng chí Nhiệm chính trị viên phó đại đội bắn cháy tiếp 8 chiếc. Sau 30 phút, chúng tôi diệt toàn bộ 16 chiếc xe, làm chủ trận địa. Chiều hôm đó, địch đã điều trực thăng và các cụm xe còn lại để giải quyết hậu quả rồi rút toàn bộ về Đông Hà. Kết thúc trận đó, chúng tôi được khen thưởng và mặt trận B5 biểu dương vì đã góp phần đánh bại chiến thuật Trâu Rừng của Tướng Abram, tôi được bổ nhiệm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 chủ công của Trung đoàn 27 – B5.

PV: Thưa Thượng tướng, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chúng tôi biết ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B Quân đoàn 1, Binh đoàn Quyết Thắng nằm trong đội hình một trong năm cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, ông có những kỷ niệm đặc biệt nào về chiến dịch này?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Tôi có rất nhiều kỷ niệm về chiến dịch lịch sử ấy. Bắt đầu là cuộc hành quân thần tốc. Từ Tam Điệp - Ninh Bình, Trung đoàn 27 của chúng tôi hành quân thần tốc 1.700km vào Đồng Xoài. Chiều 29-4-1975. Đội hình của Trung đoàn 27 vào tới Búng thì quân địch từ Bến Cát - Bình Dương bị đánh tan, chúng rút về tử thủ trước cửa ngõ Sài Gòn. Trong quá trình chiến đấu, chúng tôi phải liên lạc với cơ sở. Mật khẩu của mặt trận là: Hỏi “Hồ Chí Minh”, đáp “Muôn năm”. Mũi tiến công của tôi đi theo bản đồ tác chiến. Dọc đường hành quân chúng tôi bắt được khá nhiều tù binh ở Tân Uyên, Bình Chuẩn, Bình Cơ, Bình Lũy Đường 16… Chúng tôi yêu cầu họ lên xe dẫn đường cho quân giải phóng. 

Tối 29-4-1975, chúng tôi cùng với tổ trinh sát về tới Búng thì nhìn thấy bên kia khu nghĩa địa là ngôi làng, nên quyết định đi qua nghĩa địa vào làng. Tôi, anh Thư, anh Giáp và một tổ trinh sát bám vào hàng cây bên đường đi về phía quận lỵ. Khi đến gần nghĩa địa của khu vực Búng, chúng tôi thấy một ngôi nhà lụp xụp, trong nhà le lói ngọn đèn dầu. Tôi nói 3 trinh sát vào bắt liên lạc. "Cộc, cộc, cộc!" - Sau tiếng gõ cửa của trinh sát, tôi thấy trong nhà có tiếng bước chân, cùng với ánh đèn sáng dần ra phía cửa:

- Ai đấy? -Tiếng một bà má vừa như thăm dò, vừa có vẻ thờ ơ.

“Chúng tôi là quân giải phóng, là Bộ đội Cụ Hồ” - Một chiến sĩ trinh sát trả lời. Nghe mấy tiếng Bộ đội Cụ Hồ, má mạnh dạn ra mở cửa, giơ cao ngọn đèn, nhìn kỹ người chiến sĩ.

Nhận ra ám hiệu - miếng vải đỏ trên ngực - giọng má bỗng trở nên nghiêm trang và xúc động:

- Hồ Chí Minh.

Phấn khởi tìm được cơ sở, đồng chí trinh sát như reo lên khi đáp lại mật khẩu chiến dịch:

- Muôn năm!

Nhận ra bộ đội giải phóng, má cầm tay từng người giục:

- Các con vào đi! Vào đi. Má không ngờ các con về sớm thế.

Ký ức lịch sử: Trận đánh cuối cùng thống nhất đất nước

Má Sáu Ngẫu (đeo kính) chỉ đường trên bản đồ cho quân Giải phóng (Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu – thứ hai từ phải sang). 

Tôi, anh Trịnh Văn Thư và Sáu Châu, huyện đội phó vào nhà. Tôi nhìn một lượt căn nhà lợp tôn, một chiếc bàn gỗ đã cũ, hai chiếc giường đơn sơ. Gia tài cũng không có gì. Đợi chúng tôi ngồi xuống, má nói: “Bây giờ các con cần má giúp những gì?”.

Tôi nói tóm tắt nhiệm vụ của đơn vị và đề nghị má:

- Chúng con chưa nắm chắc địch và địa hình ở quận lỵ Lái Thiêu. Con nhờ má bày cho!

Tôi đưa cho má xem tấm bản đồ quân sự. Nhìn qua má bảo:

- Má không rành bản đồ này. Đợi má chút xíu.

Lát sau, má trở ra, mở bọc giấy báo, cẩn thận trải tờ giấy đã ố vàng lên mặt bàn. Mọi cặp mắt đổ dồn vào những nét vẽ chằng chịt, lòng hứng khởi tràn đầy. Giọng má hơi chùng xuống: Đây là bản đồ Đô thành Sài Gòn. Anh Tư Ca (Tư Ca tên thật là Đinh Quang Kỳ, quê Đức Thủy, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ông theo đoàn quân Nam tiến vào miền Nam từ năm 1945) giữ từ năm 1961.

- Thưa má, bây giờ chú Tư Ca ở đâu ạ?

- Anh Tư Ca là chồng má. Hồi nớ ảnh và anh em du kích xã đã định diệt quân địch ở quận lỵ. Chuyện lộ, ảnh bị bắt giam ở nhà tù Phú Lợi. Sau khi ra tù, ảnh tiếp tục hoạt động làm tuyên giáo phụ trách tờ báo của tỉnh Thủ Dầu Một. Năm 1968, trong chuyến đi công tác, ảnh lọt vào ổ phục kích của địch. Ảnh bị địch bắn vào chân. Chúng xông lại thu đài bán dẫn và lột nhẫn của ảnh. Ảnh mắng vào mặt tụi nó. Bọn địch xả súng bắn chết ảnh. Riêng bản đồ của ảnh má vẫn giữ được. Và cứ mỗi lần có sự thay đổi về phạm vi, lực lượng... má lại vẽ bổ sung trên toàn tuyến phòng thủ từ chi khu Lái Thiêu vào Sài Gòn. Má thuộc nằm lòng mà.

Bên cạnh nét mực đã mờ là những đường chì nhìn còn vụng về nhưng tỉ mỉ, chính xác. Mười bốn năm trời âm thầm, cần mẫn thay chồng, thay các chiến sĩ du kích Lái Thiêu đã hy sinh và đang bị cầm tù, má nắm tình hình địch và ghi vào bản đồ với tất cả niềm tin chiến thắng.

Má xoay tấm bản đồ về phía tôi, cặp kính lão trễ xuống tận cánh mũi, má nói:

- Ngày hôm qua, chúng điều một tiểu đoàn bảo an từ Sài Gòn ra và hai khẩu pháo 175 từ Bình Dương về tăng cường cho Lái Thiêu. Trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương có gần 2.000 tên.

Ký ức lịch sử: Trận đánh cuối cùng thống nhất đất nước

Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu (người thứ nhất bên trái) hạ quyết tâm tiêu diệt cụm bộ binh cơ giới Mỹ tại Sáp Đá Mài, Tân Kim, Cam Lộ, Quảng Trị (tháng 4-1970).

Ngoài ra còn một số tàn quân từ các nơi chạy về...

Vừa nói má vừa chỉ vào những ký hiệu đánh dấu các vị trí mới của địch trên bản đồ. Tôi và mọi người theo dõi một cách chăm chú. Má nói tiếp:

- Toàn bộ quân địch ở quận lỵ Lái Thiêu là vậy, tấm bản đồ này má trao lại cho mấy con.

Cầm tấm bản đồ trên tay, chúng tôi vô cùng cảm động. Chúng tôi chào má và nhanh chóng lên đường. Má xin được trực tiếp dẫn đường cho đơn vị.

Thấy má đã già yếu, tôi nói:

- Cảm ơn má! Chúng con sẽ quét sạch địch ở Lái Thiêu, mở đường cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để trả thù cho má, trả thù cho bà con cô bác ở Lái Thiêu. Ngày mai, con sẽ trở lại thăm má.

Biết chúng tôi không để cho má cùng đi, má hướng về phía sau nhà gọi:

- Phước, Đức đâu? Vào má bảo.

Thì ra, trong lúc trao đổi với chúng tôi, má đã giao cho các em làm nhiệm vụ cảnh giới. Ngay lúc đó, Hai Mỹ (Bí thư huyện đoàn huyện Lái Thiêu) đến. Má nói với Hai Mỹ:

- Má xin dẫn đường, nhưng mấy anh không chịu. Các con thay má làm nhiệm vụ dẫn đường cho đơn vị. Các con phải gắng mà hoàn thành.

Tôi nói:

- Sáu Châu, Hai Mỹ dẫn chúng con là được rồi, còn em Phước (17 tuổi), em Đức (13 tuổi) còn nhỏ để em ở nhà giúp má.

Sáu Châu và Hai Mỹ cùng chúng tôi nhanh chóng về nơi tập kết.

Sáng hôm sau, Tiểu đoàn 3 bắt đầu tấn công. Nghe theo lời má Sáu Ngẫu, chúng tôi dùng loa kêu gọi 2.000 lính ở trại Huỳnh Văn Lương đầu hàng. Chúng tôi tấn công qua Lái Thiêu, bắn cháy 2 xe và thu 2 pháo 175 (Vua chiến trường). Đến cầu Vĩnh Bình phát hiện ra các ổ tử thủ, chúng tôi hạ lệnh cho 12 ly7 và 37 ly chúc nòng bắn. Chiếc xe tăng của Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc bị trúng đạn, hỏng. Hoàng Thọ Mạc nhảy ra khỏi xe tiếp tục chỉ huy tổ B40, B41 chiến đấu và anh đã anh dũng hy sinh. 

Tôi quyết định đưa Hoàng Thọ Mạc lên xe để tiếp tục tiến công. Chúng tôi vượt qua cầu, tiến thắng vào Bộ Tư lệnh Thiết Giáp địch, chiếm luôn 13 căn cứ của lục quân công xưởng ở Gò Vấp gồm có Trung tâm Truyền tin, Trung tâm tiếp huyết, Trung tâm chỉnh hình, công xưởng, căn cứ 30, Tổng y cộng hòa… Lúc đó khoảng 10 giờ. Rồi chúng tôi cùng với các đơn vị tiến công tiêu diệt tiếp các mục tiêu còn lại.

Ký ức lịch sử: Trận đánh cuối cùng thống nhất đất nước

Sài Gòn ngày giải phóng. Ảnh: tư liệu

Khi vào Tổng y viện cộng hòa, tôi gặp chuẩn tướng Phạm Hà Thanh, Cục trưởng Cục Quân y quân đội Sài Gòn. Ông ta khai quê ở Nam Định, học cùng trường ở Pháp với ông Triệu ở Bệnh viên Quân y 108.

Tôi yêu cầu ông để lại toàn bộ bộ máy bệnh viện để cùng với quân giải phóng điều trị cho thương binh quân giải phóng, và bác sĩ của quân giải phóng sẽ chịu trách nhiệm tình hình ở đây.

Những ký ức ấy cứ theo tôi trong suốt chặng đường 52 năm qua, bởi đó là những ngày cùng đồng đội vượt qua biết bao gian khó, thiếu thốn nhưng luôn một lòng quyết tâm, hướng tới ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

PV: Thưa Thượng tướng, sau chiến tranh, chắc ông đã nhiều dịp trở lại chiến trường xưa thăm hỏi, tri ân đồng bào, đồng chí. Ông có thể chia sẽ những kỉ niệm, những việc làm cụ thể?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Cùng chiến đấu với tôi có rất nhiều đồng đội đã hy sinh. Ngay khi còn đang chiến đấu, tôi đã nuôi ý định, khi cuộc chiến kết thúc tôi sẽ trở lại làm một điều gì đó để tri ân họ. Và tôi đã làm như dự định. Việc đầu tiên là vận động các đồng đội, cùng với các tổ chức và nhân dân đi tìm và quy tập những người đồng đội đã hy sinh mà tôi biết họ nằm ở những vị trí nào.

Công việc thứ hai tôi làm là viết sách nói về những chiến công và những hy sinh của đồng đội. Tôi đã viết 9 cuốn sách để tổng kết những công việc mình đã làm, chủ yếu là viết về khoa học quân sự, đúc rút những kinh nghiệm trong chiến tranh, trong phòng chống bão lũ thiên tai… Ngoài ra có cuốn tôi kể cho các nhà văn, nhà báo viết, như các cuốn Một thời Quảng Trị, Bến sông tuổi thơ, Vị Tướng có duyên với con số 7, Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội, Vị tướng với tấm lòng tri ân, Những bước chân không mỏi của người Anh hùng…

Công việc thứ ba là tôi vận động các địa phương, những nhà hảo tâm, doanh nhân  xây dựng những công trình hoài niệm, tri ân, như: Công trình Tượng đài hoài niệm Quảng Trị để tri ân báo đáp Anh hùng liệt sĩ cả nước; 7 công trình khác cũng trên đất Quảng Trị: Cụm văn hóa tâm linh, trong đó có Cây Đa giếng Đìa ở Gia Bình - Gio An - Gio Linh; Đài Tưởng niệm và Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ tại Cao điểm 82 thuộc xã Gio An, nơi Trung đoàn 812 Sư đoàn 324 của chúng tôi đã đánh bại một tiểu đoàn của quân địch ở khu vực này, nơi này đã  là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Huy Thục sáng tác bài hát Tiếng đàn ta lư, trong đó có câu ”Tin thắng trận từ Gio An vọng tới…”; Cụm văn hóa tâm linh gồm đền và chùa Gio An. Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ. Chùa thờ Phật, giúp các vong hồn Anh hùng liệt sĩ siêu thoát. Rồi công trình bia tưởng niệm ở Bia và đền thờ Cao điểm 31 (Phúc Sa), công trình bia tưởng niệm ở Ngô Xá Đông. Tôi cùng với gia đình xây mộ cho má Sáu Ngẫu ở Lái Thiêu (Bình Dương), người đã cung cấp tấm bản đồ cho chúng tôi tấn công tiêu diệt địch giải phóng Sài Gòn trong ngày 30 - 4 - 1975…

Hiện nay chúng tôi đã khởi công  khu tưởng niệm ghi danh 2.352 liệt sĩ của Trung đoàn 27 – B5 tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, Quảng Trị.

Sau công trình này, chúng tôi sẽ làm công trình bia ghi danh trận đánh mở màn chiến dịch Quảng Trị 1972 ở cao điểm 322, 288 và 544 Phu Lơ và 1 bia sở chỉ huy trung đoàn cánh đông, do đồng chí Cao Uy chỉ huy, cũng ở Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị.

PV: Vâng, trong chiến tranh, ông là một vị chỉ huy mưu lược, dũng cảm; trong hòa bình, ông là một vị tướng đã làm những việc rất hữu ích. Chúc ông khỏe mạnh để tiếp tục với “Những bước chân không mỏi của người Anh hùng” như tên một cuốn sách đã viết về ông.

Nguồn Cand

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây