Năm 2019, toàn tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục phấn đấu thực hiện các giải pháp hạn chế TNGT, giảm thiểu ít nhất là 5% trên cả 3 tiêu chí.
Theo đó, trong nhiều năm qua, tình hình tai nạn giao thông diễn ra khá là phức tạp. Trước vấn đề trên, Ban ATGT tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp đảm bảo ATGT. Trong đó, trọng tâm là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn trong chấp hành các quy định khi tham gia giao thông, bảo đảm TTATGT….
Cán bộ Phòng CSGT tuyên truyền an toàn giao thông cho các em học sinh |
Ban ATGT đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp với 19 cơ quan, đơn vị liên quan và các trường Đại học, Cao đẳng về tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ATGT năm 2019. Ban ATGT các huyện, thành phố, thị xã tổ chức tuyên truyền tại địa phương thông qua các hình thức như pa no, áp phích, hệ thống loa phát thanh phường, xã, thị trấn. Bên cạnh đó, riêng Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp cơ quan thông tấn báo chí cung cấp 18 tin bài về tình hình TTATGT trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ cho hơn 1.500 học sinh, giáo viên trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh tuy có những chuyển biến tích cực nhưng chưa thực sự ổn định. Chỉ tính riêng trong quý I năm 2019 đã xảy ra 37 vụ TNGT, làm chết 34 người, bị thương 23 người. So với cùng kỳ năm 2018 không tăng (giảm) số vụ, giảm 04 người chết (-11%), tăng 9 người bị thương (+64%). Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 37 vụ, làm chết 34 người, bị thương 23 người. Do ý thức chấp hành quy tắc giao thông của người tham gia giao thông còn hạn chế, một số hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông như: xe mô tô, xe máy chở quá số người, không đội mũ bảo hiểm; vi phạm tốc độ; say rượu, bia khi điều khiển phương tiện; chuyển làn đường, đi từ đường phụ ra đường chính không quan sát…
CSGT tuyên truyền pháp luật giao thông cho học sinh |
Trước tình hình trên, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT tại các tuyến, địa bàn trọng điểm. Qua đó, trong quý I năm 2019, lực lượng chức năng đã phát hiện lập biên bản, xử lý 17491 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt 13,7 tỷ đồng. Gửi thông báo xử phạt qua hệ thống giám sát tự động 6.840 trường hợp. Tước giấy phép lái xe 1268 trường hợp, tạm giữ 1542 phương tiện (1149 mô tô, 257 ô tô, 136 phương tiện khác); đăng ký mới 1338 xe ô tô, 10250 mô tô, 1306 xe máy điện.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, Thượng tá Trần Xuân Sinh - Phó trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Hà Tĩnh cho biết: Đơn vị sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về TTATGT cho mọi tầng lớp nhân dân; tăng cường tần suất, hiệu quả hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, phát hiện xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các đối tượng và lỗi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông... Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm hoạt động trên các tuyến đường. Chú trọng đến công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, quản lý, giám sát đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, không để xảy ra tình trạng vi phạm quy trình công tác, quy chế làm việc…
“Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2019, lực lượng Phòng CSGT Hà Tĩnh tăng cường xử lí vi phạm, lập biên bản 14.116 trường hợp vi phạm, tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn 1.961 trường hợp, nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 17 tỷ đồng” – ông Sinh chia sẻ thêm.
Các xe vi phạm được đưa về trụ sở Phòng CSGT để xử lý theo quy định |
Với sự phát triển của đời sống xã hội, nhất là gia tăng lưu lượng phương tiện tham gia giao thông nên các vi phạm về TTATGT vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Thời gian tới, các lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nắm bắt sâu sát, cụ thể tình hình, diễn biến của trật tự an toàn giao thông để có sự chỉ đạo quyết liệt, triệt để. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về TTATGT; tổ chức nhiều đợt tuần tra lưu động và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, phối hợp giải tỏa vi phạm hành lang ATGT trên các tuyến đường nhằm hạn chế và giảm thiểu tối đa nguy cơ các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Tác giả bài viết: NAM PHONG
Nguồn tin: pháp luật giao thông
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn