Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng vừa công bố các tài liệu trình đại hội đồng cổ đông dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản. Trong đó, một nội dung đáng chú ý là HĐQT Vingroup đề xuất việc chào bán cổ phần riêng lẻ 250 triệu cổ phiếu với giá chào bán trên 100.000 đồng/cp, tương ứng giá trị huy động tối thiểu 25.000 tỷ đồng.
Đối tượng chào bán là các tổ chức nước ngoài và thời điểm chào bán dự kiến trong thời gian còn lại của năm 2019.
Số tiền huy động được dự kiến sẽ dùng 6.000 tỷ đồng để đầu tư cho các công ty con trong lĩnh vực công nghiệp - công nghệ là VinFast, Vinsmart và VinTech; 10.000 tỷ đồng trả nợ gốc và lãi; 9.000 tỷ đồng còn bổ sung vốn cho tập đoàn và các công ty con.
Vingroup sẽ huy động tối thiểu 25 ngàn tỷ đồng. |
Theo Vingroup, việc chào bán cổ phần là cần thiết nhằm giúp Vingroup có thêm nguồn vốn chủ sở hữu để đầu tư góp vốn vào công ty con; thanh toán các khoản nợ gốc, lãi các khoản vay đến hạn; bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh của tập đoàn và các công ty con; nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động và khả năng cạnh tranh của Vingroup và tạo cơ sở cho việc phát triển bền vững, an toàn và hiệu qua.
Kế hoạch cũng giúp “Vingroup thực hiện thành công chiến lược phát triển Vingroup và các công ty con”.
Như vậy, mục tiêu của kế hoạch huy động vốn của Vingroup khá rõ ràng. Nó cũng cho thấy tình hình tài chính cũng như những kế hoạch, đường hướng phát triển của tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng.
Vingroup hiện có tổng tài sản gần 290 ngàn tỷ đồng; quy mô vốn điều lệ gần 32 ngàn tỷ đồng; vốn hóa gần 380 ngàn tỷ đồng (16,2 tỷ USD); vốn chủ sở hữu 99 ngàn tỷ đồng (4,3 tỷ USD) và tổng nợ là 190 ngàn tỷ đồng (8,2 tỷ USD).
Kế hoạch cũng cho thấy, Vingroup sẽ tập trung đầu tư mạnh vào sản xuất ô tô; nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất các sản phẩm công nghệ. Mảng bất động sản không còn nằm ở vị trí ưu tiên số 1 như trong nhiều năm trước đó và đây là định hướng đúng như theo chiến lược mà Vingroup đã đề ra gần đây là: Vingroup đến năm 2028 sẽ trở thành một Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó Công nghệ chiếm tỷ trọng chính.
Chốt phiên giao dịch 12/3, cổ phiếu Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại ghi nhận một kỷ lục cao lịch sử mới: 118.600 đồng/cp, sát mức giá cao kỷ lục lịch sử 119.200 đồng/cp ghi nhận hôm 7/3.Trước đó, hồi tháng 8/2018, Vingroup cũng đã chào bán 84 triệu cổ phiếu ưu đãi cho Công ty Quản lý quỹ Hanwha của Hàn Quốc thu về 9,3 ngàn tỷ đồng (400 triệu USD). Trong khi công ty con Vinhomes - chuyên mảng bất động sản của Vingroup - hồi tháng 5/2018 cũng có đợt chào bán cổ phần thu về số tiền kỷ lục 1,35 tỷ USD.
Với mức giá này, ông Phạm Nhật Vượng lại một lần nữa giàu kỷ lục. Tổng tài sản đạt 228 ngàn tỷ đồng (tương đương 9,8 tỷ USD), cao hơn so với mức 7,8 tỷ USD Forbes ghi nhận trong danh sách tỷ phú USD 2019 vừa công bố. Vợ ông Phạm Nhật Vượng và cũng là phó chủ tịch Vingroup - bà Phạm Thu Hương ghi nhận khối tài sản lên tới 18,5 ngàn tỷ đồng.
Vingroup của ông Vượng gần đây tập trung mạnh vào mạnh sản xuất công nghiệp và công nghệ. Các doanh nghiệp của ông Vượng sang Hàn nghiên cứu công nghệ, chế robot và sang show ô tô ở Geneva.
Ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú giàu nhất Việt Nam. |
Đây là những bước đi tiếp theo thực hiện chiến lược của ông Phạm Nhật Vượng đưa Vingroup thành 1 doanh nghiệp công nghệ, công nghiệp và dịch vụ, thay vì chỉ tập trung vào bất động sản và dịch vụ như trước 2018.
Hồi cuối tháng 2, ông Phạm Nhật Vượng bất ngờ thôi làm chủ tịch Vinhomes - doanh nghiệp quản lý mảng bất động sản của Vingroup và có quy mô khoảng 14 tỷ USD, giao vào tay nữ tướng Nguyễn Diệu Linh, cho dù đây vẫn là mảng mang về doanh thu chính và là cỗ máy in tiền của tập đoàn.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), các cổ phiếu blue-chips quay đầu tăng mạnh kéo VN-Index vượt ngưỡng 1.000 điểm. Nhiều mã đã lên mức cao kỷ lục, trong đó có cổ phiếu Vingroup (VIC) của tỷ phú USD giàu số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng.
Cổ phiếu Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE) của ông Phạm Nhật Vượng cũng tăng mạnh, lên tương ứng là: 92.300 đồng/cp và 37.700 đồng/cp.
Nhiều mã cổ phiếu blue-chips khác cũng tăng giá như: Vietcombank (VCB), Techcombank của tỷ phú Hồ Hùng Anh, Vietibank (CTG), Sacombank (STB), GAS, ACB của nhà ông Trần Hùng Huy, BIDV, Petrolimex, Thế Giới Di Động...
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, xu hướng tăng điểm ngắn hạn của thị trường có thể gặp kháng cực mạnh hơn ở vùng điểm 1019-1025, và để tiến tới vùng điểm này thị trường có thế sẽ có một vài nhịp điều chỉnh đan xen.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/3, VN-Index tăng 16,72 điểm lên 1001,32 điểm; HNX-Index tăng 1,23 điểm lên 109,55 điểm. Upcom-Index tăng 0,53 điểm lên 56,57 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 260 triệu đơn vị, trị giá 5,7 ngàn tỷ đồng.
Tác giả bài viết: H. Tú
Nguồn tin: Vietnamnet.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn