Thị trường lan đột biến gien: Ai đang 'thổi' giá?

Thứ ba - 18/08/2020 07:01
Một năm ra hoa một lần, mỗi lần trong thời gian ngắn nhưng hoa lan, đặc biệt là lan đột biến gen được giao dịch với giá có thể lên tới hàng chục tỷ đồng. Chuyên gia cho rằng, cần có sự kiểm soát từ cơ quan chức năng và thu thuế trong việc mua bán.
“Bông Juliet có thể được coi là bông có cuộc giao dịch khủng nhất, im tiếng nhất tại thủ đô Hà Nội với mức giá trên 80 tỷ đồng. Người ngoài cuộc không chơi lan làm sao tin được”. Đây là chia sẻ trên mạng của cộng đồng chơi hoa lan về cuộc giao dịch một giò phong lan và nhiều bình luận về bài viết này thể hiện sự ngạc nhiên… Ngược lại, nhiều bình luận khác đánh giá bông hoa rất đẹp, cánh hoa cân đối và đặc biệt hiếm gặp.

Gần đây, nhiều giao dịch hoa lan cũng được thực hiện với giá trị lớn trên cả nước với các loài “Bướm đại ngàn”, “Năm cánh trắng”, “Người đẹp không tên”… Giá trị giao dịch được nói là từ hàng trăm triệu đến vài tỷ đồng. Ngày 1/8 vừa qua, một kie (mầm từ cây mẹ có khả năng phát triển thành cây con) thuộc giống “Bướm đại ngàn” dài khoảng 10cm được đấu giá trong 12h liên tục và đã chốt giá ở mức 11,7 tỷ đồng.
 
B2020031104
 Bông hoa từ chậu Juliet được cho là đã được bán với giá hơn 80 tỷ đồng

Theo bà Phạm Thị Oanh (TP Hòa Bình), giá trị của lan đột biến cao là sự thật bởi hiếm gặp và không thể nuôi cấy. Theo lời bà Oanh,  cách đây 15 năm, bà cùng chồng là ông Nguyễn Văn Hiển đã tạo ra dòng lan đột biến Hiển Oanh (còn gọi “Năm cánh trắng HO”).

Bà Oanh nói từng bán dòng lan này với giá hơn 1 tỷ đồng/cây và đây là giá trị thực bởi: “Vĩnh viễn không thể nuôi cấy mô ra cây hoa lan Hiển Oanh, nếu có ra sẽ không thể chuẩn như lan rừng, lan đột biến, chất lượng hoa cũng không bằng”. Bà Oanh nói thêm, do giá trị cao, có người đã mạo nhận là chính chủ của dòng lan Hiển Oanh để rao bán trên mạng.

Anh Phạm Văn Dũng - chủ một nhà vườn tại Quảng Ninh nói, lan đột biến rất khó kiếm và vài năm trở lại đây là mục tiêu săn tìm của những người chơi có điều kiện về kinh tế đúng như câu “vua chơi lan, quan chơi trà”. Ngoài ra, một số người kinh doanh sẽ mua một cây đột biến có nhiều kie về để nuôi cấy ra nhiều cây mới rồi bán lại.

Tuy nhiên, anh Dũng cảnh báo nguy cơ thua lỗ cao nếu chơi lan nhằm mục đích sinh lời bởi giá trị thực của lan khó xác định và tùy thuộc vào xu hướng từng năm. “Tôi thấy như dòng “Năm cánh trắng Phú Thọ”, giá từ đầu năm trở lại đây giảm khoảng vài chục triệu đồng và có thể tiếp tục giảm nữa”, anh Dũng nói.

Thu thuế  sẽ tránh thổi giá

Anh Dương Văn Cường - một người trồng lan kinh doanh tại Hà Nội nhận định, giá trị của lan đột biến đang bị thổi phồng lên rất nhiều và không có ai kiểm định. Anh Cường nói: “Ngay từ tên gọi, có thể gọi theo vùng miền như loài “Năm cánh trắng Phú Thọ”, “Năm cánh trắng Hà Tĩnh” hoặc nhà vườn khi có cây khác lạ sẽ tự đặt tên rất kêu như “Tuyết Ngọc”, “Bướm đại ngàn”… để dễ bán.

Dù với tên gì, các loại này hoàn toàn có thể gây giống được nên khi thị trường bão hòa, những người mua cuối sẽ thua lỗ nặng bởi bây giờ giá đang bị nâng cao quá, gấp hàng chục lần giá trị thực. Chậu lan quý có giá vài trăm triệu là đúng nhưng bảo vài tỷ là khó chấp nhận được”.

Luật sư Trần Văn An - Trưởng đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang cho rằng, cần thu thuế  hoạt động mua bán hoa lan. Theo ông, bản chất của hoạt động chơi lan đột biến gồm hai dạng, thứ nhất là dạng người dân lên rừng bắt gặp lan rồi mang về trồng và bán sản phẩm; thứ hai là hoạt động chuyên nghiệp, trồng với mục đích thương mại, đăng tải hình ảnh trên mạng với giá nhất định và đã có giao dịch. “Nếu cơ quan chức năng không chứng minh được người bán lan trong các thương vụ tiền tỷ thuộc dạng kinh doanh, vẫn có thể áp dụng Luật Thuế thu nhập cá nhân với khoản thu nhập bất thường. Dưới góc độ pháp luật, việc thu thuế từ mua bán hoa lan là có cơ sở”, luật sư An nói.

Trưởng đoàn luật sư Bắc Giang cũng cho rằng, việc giao dịch, mua bán hoa lan hiện nay đang tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật. Trước hết, việc đăng tải lên mạng xã hội các nội dung thể hiện hoạt động mua bán lan không có thật; các giao dịch được dàn dựng hoặc quảng cáo gian dối về bản chất, nguồn gốc hoa lan là vi phạm Luật An ninh mạng. Trường hợp tạo lập các giao dịch mua bán lan đột biến ảo và phát tán trên mạng… với mục đích lừa đảo, rửa tiền, đa cấp sẽ bị xử lý theo các quy định tương ứng.

Để hoạt động mua bán hoa lan đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người dân, luật sư An cho rằng cơ quan chức năng cần kiểm soát tính xác thực của các video, bài viết phản ánh hoạt động liên quan hoa lan đột biến; kiểm soát việc mua bán nhằm thu thuế. “Thu thuế sẽ giúp loại bỏ các trường hợp tạo lập giao dịch ảo, thậm chí không nói thành có để phục vụ mục đích bất chính. Thu thuế cũng sẽ tạo ra môi trường chơi cây cảnh lành mạnh hơn, giúp người dân không phải mua lan với giá “ảo” như hiện nay”, luật sư Trần Văn An nói.

    Ông Nguyễn Hữu Vạn - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cho rằng lan, đặc biệt giống đột biến gen chắc chắn quý nhưng không thể có giá vài tỷ đồng. “Ngoài để chơi ra, không biết lan có giá trị gì khác khi cả năm chỉ ra hoa một lần, mỗi lần thời gian ngắn, mua giá ấy chắc chỉ có người rất nhiều tiền lại ham hoa lan. Bên cạnh đó, giá trị tài sản phải được nhiều người kiểm nghiệm nhưng thực tế, người bán phát giá theo chủ quan của họ, không ai xác định được. Quan điểm của Hội Sinh vật cảnh là lan quý thật, hiếm thật nhưng không phải quý tới mức tiền tỷ vì chỉ để ngắm, có tác dụng gì nữa đâu” - ông Vạn nói.

Theo Xuân Ân Tiền phong
https://www.tienphong.vn/phap-luat/thi-truong-lan-dot-bien-gien-ai-dang-thoi-gia-1707219.tpo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây