Tập đoàn Hoành Sơn với những thương vụ kín tiếng

Thứ tư - 13/12/2023 20:43
Tập đoàn Hoành Sơn nổi lên trên thương trường khi lần lượt mua nhiều doanh nghiệp quy mô tại Đồng Nai, Hà Nội…
D2023121402a
Đồ họa: Đan Nguyễn

Hoàn tất mua Cao su Sao Vàng

Là một doanh nghiệp tại Hà Tĩnh, được ông Phạm Hoàng Sơn thành lập năm 2001, Tập đoàn Hoành Sơn đã phát triển đa ngành từ vận tải, quản lý đội tàu biển, cho thuê tàu, các dịch vụ vận tải biển, cho đến giao thương và xây dựng, đầu tư… Hiện tại, tài sản của Tập đoàn lên tới 250 triệu USD, doanh thu hàng năm 180 triệu USD và có hơn 2.000 nhân viên. 

Hoành Sơn là một doanh nghiệp khá kín tiếng, ít thông tin. Doanh nghiệp này chỉ được biết đến nhiều hơn sau thương vụ mua Cảng Phước An thông qua góp vốn riêng lẻ và mới đây nhất khi chính thức mua thêm một doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

Cụ thể, từ ngày 29/11 đến ngày 1/12, Tập đoàn Hoành Sơn mua thêm hơn 7,2 triệu cổ phiếu CTCP Cao su Sao Vàng (mã SRC) để tăng sở hữu từ 24,54%, lên 50,22% vốn điều lệ và chính thức trở Công ty mẹ của Công ty Cao su Sao Vàng.

Được biết, mặc dù tới cuối năm 2023 mới chính thức nâng sở hữu lên quá bán tại Công ty Cao su Sao Vàng, nhưng ông Phạm Hoàng Sơn đã là Chủ tịch của Cao su Sao Vàng từ ngày 28/12/2019 tới nay.

Trước đó, từ năm 2016, Tập đoàn Hoành Sơn và Cao su Sao Vàng hợp tác thành lập Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn, cùng thực hiện Dự án Tổ hợp thương mại và nhà ở Sao Vàng - Hoành Sơn tại khu đất 231 - Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), diện tích 62.438 m2. Đồng thời, Hoành Sơn hỗ trợ kinh phí để Cao su Sao Vàng di dời nhà máy với số tiền 435 tỷ đồng. Song, việc di dời nhà máy sau đó đã bị dừng lại và dự án cũng dậm chân tại chỗ.

Quay trở lại với diễn biến cổ đông, sau khi Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giảm sở hữu từ 51% về 36% vốn điều lệ tại Công ty Cao su Sao Vàng, thì Tập đoàn Hoành Sơn lại liên tục nâng sở hữu. Trong đó, năm 2020, Hoành Sơn nâng sở hữu từ 0% lên 24,5% vốn điều lệ tại Công ty Cao su Sao Vàng và chính thức trở thành cổ đông lớn thứ hai sau Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Với việc ông Phạm Hoàng Sơn tiếp tục giữ chức Chủ tịch HĐQT, đồng thời Tập đoàn Hoành Sơn đã sở hữu quá bán tại Công ty Cao su Sao Vàng, đồng nghĩa mọi quyết định và điều hành đã về tay nhóm cổ đông Tập đoàn Hoành Sơn, mặc dù cổ đông nhà nước (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) vẫn còn sở hữu 36% vốn điều lệ.

Thực tế, Hoành Sơn là đơn vị đã triển khai nhiều dự án xây dựng lớn, nhưng doanh nghiệp này cũng gây chú ý với việc có nhiều dự án chậm triển khai, dang dở trong nhiều năm.

Âm thầm rút lui khỏi Cảng Phước An

Công ty Cảng Phước An được thành lập để thực hiện việc đầu tư khai thác cảng tổng hợp Phước An. Trong đó, cổ đông sáng lập ban đầu gồm Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) sở hữu 79,54%; Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp sở hữu 17,05%; các cổ đông khác sở hữu 3,41% vốn điều lệ.

Kể từ khi bắt đầu hoạt động (ngày 14/8/2008) tới năm 2016, Cảng Phước An liên tục phát hành riêng lẻ để pha loãng sở hữu nhà nước. Trong đó, năm 2016, phát hành 46 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Công ty TNHH MTV Hoành Sơn để tăng vốn điều lệ từ 440 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng; năm 2017, tiếp tục phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn từ 900 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng; năm 2021, phát hành 40 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ từ 1.100 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng. Năm 2022, Công ty chào bán riêng lẻ 50 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.

Đỉnh điểm lần tăng vốn là năm 2016, Cảng Phước An phát hành 46 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Công ty TNHH MTV Hoành Sơn, đơn vị này trở thành công ty mẹ của Cảng Phước An thay cho Petrovietnam, đồng thời ông Phạm Hoàng Sơn cũng đã được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty Cảng Phước An, chính thức điều hành Công ty.

Như vậy, dù Nhà nước không thu được một đồng nào từ thoái vốn, nhưng đã giảm sở hữu từ trên 51% về còn 14,71%. Ngược lại, nhóm tư nhân lại chi phối tại Cảng Phước An.

Song, thay vì tiếp tục triển khai dự án tới cùng, thì tháng 2/2019, Tập đoàn Hoành Sơn đã chuyển nhượng Cảng Phước An cho CTCP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc của ông Trần Tuấn Lộc. Đến tháng 11/2021, ông Phạm Hoành Sơn đã rời vị trí Chủ tịch HĐQT Cảng Phước An.

Sau khi ông Phạm Hoành Sơn và Tập đoàn Hoành Sơn rút lui khỏi Cảng Phước An để nhường chỗ cho Tuấn Lộc, Công ty Cảng Phước An đã bầu ông Nguyễn Thành Đạt trở thành Chủ tịch HĐQT từ ngày 25/11/2021.

Được biết, Dự án Cảng Phước An (Đồng Nai) với tổng diện tích lên tới 733,4 ha (183 ha khu cảng và 550,4 ha khu dịch vụ hậu cần cảng), tổng vốn đầu tư 17.571,36 tỷ đồng đã được triển khai từ năm 2009, nhưng đến nay chưa hoàn thành và vẫn bỏ ngỏ thời điểm khai thác chính thức.

Theo Báo Đầu tư


Link gốc: Tập đoàn Hoành Sơn với những thương vụ kín tiếng (baodautu.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây