Tài sản các tỷ phú biến động như thế nào sau phiên giao dịch “đỏ lửa“

Thứ ba - 25/06/2024 06:51
Thị trường hôm qua kết phiên đỏ lửa khi mất gần 28 điểm vào cuối phiên. Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn giảm sâu, khiến tài sản các tỷ phú cũng "bốc hơi" hàng trăm tỷ đồng.
Hôm qua, thị trường rực lửa khi hàng loạt cổ phiếu bất ngờ bị bán tháo. Chốt phiên, VN-Index giảm 27,9 điểm, tương đương giảm 2,18% xuống 1.254,12 điểm.
 
D2024062503 2

Thanh khoản thị trường tăng so với phiên giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt gần 1,1 tỷ cổ phiếu, tương đương giá trị đạt hơn 28 ngàn tỷ đồng; HNX-Index đạt hơn 110 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 2,3 ngàn tỷ đồng.

Cổ phiếu bị bán tháo, giảm điểm mạnh khiến tài sản của các tỷ phú theo đó bốc hơi hàng trăm tỷ đồng. Đầu tiên phải kể đến là tỷ phú Trần Đình Long, cũng là đại gia giàu nhất sàn chứng khoán Việt, cũng là người sở hữu hơn 1,5 tỷ cổ phiếu HPG. Chỉ trong phiên hôm nay, cổ phiếu HPG đã mất đi 1,2% thị giá, tương đương 350 đồng/cp. Với mức giảm này, tài sản của ông chủ Hòa Phát thiệt hại gần 600 tỷ đồng.

Thiệt hại lớn thứ 2 trên sàn chứng khoán hôm nay là  tỷ phú Phạm Nhật Vượng, người sở hữu hơn 691 triệu cổ phiếu VIC. Trong phiên thị trường đỏ lửa hôm nay, VIC mất đi 1,32% thị giá, tương đương 550 đồng/cp. Với số lượng cổ phiếu đang nắm giữ, tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng bốc hơi gần 380 tỷ đồng.

Trong top 10 cổ phiếu có chỉ số vốn hóa lớn nhất thị trường, FPT là cổ phiếu có mức giảm sâu nhất khi mất đi 2.900 đồng/cp tương đương 2,63%. Với việc sở hữu 88 triệu cổ phiếu FPT, tài sản của ông Trương Gia Bình bốc hơi gần 260 tỷ đồng.

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo sở hữu hơn 47 triệu cổ phiếu VJC và 93 triệu cổ phiếu HDB, trong phiên giảm hôm qua, HDB giảm 3,46% tương đương 800 đồng/cp, VJC giảm 0,88% tương đương 900 đồng/cp, tổng cộng nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo thiệt hại gần 120 tỷ đồng.

Hôm qua nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục chuỗi ngày bán ròng liên tục. Tính chung trên toàn thị trường, khối ngoại bán ròng hơn 920 tỉ đồng. FPT chịu áp lực bán mạnh nhất của khối ngoại với hơn 590 tỷ đồng, NLG và SSI cũng bị "xả" 64 tỷ đồng và 58 tỷ đồng. Tại chiều mua, cổ phiếu TCB là tâm điểm mua ròng của khối ngoại với giá trị 57 tỷ đồng. Theo sau, POW và VNM là 2 mã tiếp theo được gom 56 và 46 tỷ đồng. Ngoài ra, SAB và MSN cũng được mua 41 và 31 tỷ đồng.

Chuyên gia của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội  SHS nhận định, đây là tuần khá quan trọng của thị trường khi kết thúc quý II cũng như 6 tháng đầu năm 2024. Xu hướng trung hạn, VN-Index duy trì biến động trong kênh 1.180 điểm - 1.200 điểm đến 1.300 điểm. Trong đó, 1.200 điểm là vùng giá cao nhất năm 2018, 1.300 điểm - 1.320 điểm là vùng giá cao nhất tháng 6, 8/2022. Điểm cân bằng của kênh tích lũy trung hạn là vùng 1.245 điểm - 1.255 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất năm 2023.

Trong ngắn hạn, với diễn biến hiện tại và khi thị trường đang trong giai đoạn chốt NAV quý II, cập nhật lại các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp. Nhà đầu tư ngắn hạn nếu tỉ trọng trên mức trung bình, hoặc đang có tỉ lệ dư nợ cao, danh mục mở rộng quá mức nên xem xét giảm tỉ trọng đối với các mã đã đạt kỳ vọng, các mã có xu hướng bắt đầu suy yếu, không giữ được đường giá trung bình 20 phiên và đang chịu áp lực bán đột biến, nếu có. Nhà đầu tư trung - dài hạn nắm giữ danh mục hiện tại, các vị thế xem xét gia tăng tỉ trọng mới, cần đánh giá cẩn trọng hơn dựa trên kết quả kinh doanh quý II và triển vọng cuối năm của các doanh nghiệp đầu ngành, khi quí II/2024 đang dần kết thúc

Theo Hương Trang thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn

Link gốc: Tài sản các tỷ phú biến động như thế nào sau phiên giao dịch “đỏ lửa“ | Chứng khoán | Chuyên trang Thị trường tài chính - Báo Kinh tế và Đô thị (kinhtedothi.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây