Với họ, dù ở bất cứ hoàn cảnh, tình huống nào, mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn sẵn sàng vì nhiệm vụ, dũng cảm, hết mình, đồng lòng mang đến sự bình yên và an toàn cho nhân dân.
Một buổi tập luyện cứu nạn, cứu hộ trên sông của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Nghệ An.
Một ngày theo chân đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông Công an tỉnh Nghệ An tham gia bài huấn luyện trên sông nước đoạn sông chảy qua cầu Bến Thuỷ (TP Vinh), chúng tôi mới nhận thấy hết sự gian nan, vất vả của những người lính trẻ làm nghề cứu nạn, cứu hộ trên sông. Theo nội dung bài huấn luyện: nhận được tin báo có người bị đuối nước, ngay lập tức Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông Công an Nghệ An tổ chức lực lượng, phương tiện triển khai đội hình. Giữa cái nắng như đổ lửa, những chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ dũng cảm lao ra giữa dòng nước tiếp cận khu vực người gặp nạn để tìm kiếm, cứu người. Các tình huống diễn tập đều được lực lượng tham gia thực hiện một cách bài bản, thuần thục, dứt khoát.
Thực tế, những người lính cứu nạn, cứu hộ làm việc trên sông cần phải có sức khoẻ và kỹ thuật tốt. Với phương châm “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường vơi đổ máu”, cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ PCCC &CNCH nơi đây không ngừng luyện tập. Các đồng chí phải thực hiện tại nhiều đoạn sông, nhánh sông khác nhau nhằm làm quen với dòng chảy, địa hình với những bài tập luyện chuyên sâu để ứng phó tốt nhất các tình huống có thể xảy ra trong thực tế… Họ phải vượt qua được những bài kiểm tra về thể lực, kỹ thuật bơi, lặn, cứu người… để có thể sẵn sàng tham gia chiến đấu.
Chia sẻ với phóng viên, Đại uý Lê Quốc Phúc, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông cho hay: Là người lính cứu nạn, cứu hộ trên cạn đã khó, dưới nước càng khó khăn bội phần, nhất là gặp phải thời tiết xấu, cán bộ chiến sĩ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm. Đó là khi gặp phải dòng nước chảy xiết, khi tiếp cận với người bị nạn thì nạn nhân vùng vẫy, không chịu hợp tác. Do đó, các chiến sĩ phải chuẩn bị tâm lý và một kỹ năng chiến thuật hợp lý để cứu người bị nạn lên bờ. Trong câu chuyện với Đại uý Lê Quốc Phúc, chúng tôi càng hiểu rõ hơn sự nỗ lực của các anh khi trực tiếp tham gia các vụ tìm kiếm nạn nhân trong các vụ tai nạn đuối nước. Mà sự nỗ lực ấy, nhiều lúc diễn ra gấp gáp, bởi phía sau là những giọt nước mắt mong ngóng, gửi gắm của người nhà nạn nhân.
Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông Công an Nghệ An đã tiếp nhận tin báo và trực tiếp tham gia gần 20 vụ CNCH, lặn tìm được nhiều thi thể, trong đó cứu sống được 3 nạn nhân, trục vớt được 16 thi thể nạn nhân. Điển hình vào một đêm cuối tháng 6/2023, nhận được tin báo của nhân dân có một nam thanh niên, 23 tuổi, trú tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh nhảy cầu Bến Thuỷ. Ngay trong đêm, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông nhanh chóng triển khai lực lượng, phương tiện, tiếp cận nạn nhân. Sau nhiều giờ vật lộn trên sông Lam, lực lượng chức năng đã kịp thời cứu sống nạn nhân.
Sông nước luôn tiềm ẩn vô vàn rủi ro và bất trắc, đòi hỏi mỗi chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ phải ứng biến kịp thời trong mọi tình huống. Bởi vậy, những người lính CNCH trên sông không chỉ miệt mài, nỗ lực tập luyện trên thao trường sông nước, hay trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ mà còn thường xuyên phối hợp với nhiều lực lượng, các cơ quan, đơn vị, tổ chức diễn tập các tình huống, song song với công tác tập huấn các kỹ năng thoát nạn, thực hành các bước sơ, cấp cứu ban đầu.
Thượng tá Nguyễn Đình Hạnh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC &CNCH Công an Nghệ An cho biết: Cán bộ, chiến sĩ làm công tác cứu nạn, cứu hộ trên sông luôn đối mặt với nhiều hiểm nguy. Khi có các vụ việc xảy ra, lãnh đạo chỉ huy luôn có mặt kịp thời chỉ đạo cũng như động viên khích lệ nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, nhất là với những chiến sĩ trẻ.
Dẫu còn đó không ít khó khăn, hiểm nguy, nhưng vượt lên tất cả, những người Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông Công an Nghệ An vẫn luôn không ngừng tận tụy, hết mình để mang lại bình yên và an toàn cho nhân dân. Bởi họ hiểu rằng, những việc làm, nỗ lực của mình không chỉ là cứu người, mà hơn hết đó là hy vọng, niềm tin của thân nhân những người bị nạn, góp phần xoa dịu những đau thương mất mát… và đó cũng chính là động lực để các anh ngày càng gắn bó và yêu nghề hơn.