Nguyện vọng của CCB vùng dự án mỏ sắt Thạch Khê

Thứ hai - 17/07/2023 10:32
Mỏ sắt Thạch Khê được phát hiện từ năm 1960 và được đánh giá lớn nhất Đông Nam Á, có trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Mỏ sắt nằm trên địa bàn 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà gồm: Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị, Thạch Lạc. Tổng diện tích đất sử dụng của Dự án là 4.821ha.
D2023071703 1
Quang cảnh mỏ sắt Thạch Khê năm 2009.

Mỏ sắt Thạch Khê được phát hiện từ năm 1960 và được đánh giá lớn nhất Đông Nam Á, có trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Mỏ sắt nằm trên địa bàn 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà gồm: Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị, Thạch Lạc. Tổng diện tích đất sử dụng của Dự án là 4.821ha.

Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư khoảng 14.500 tỷ đồng. Lễ khởi công được tổ chức vào tháng 9-2009, kỳ vọng Dự án sẽ giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Thế nhưng sau 2 năm đi vào khai thác, mỏ sắt Thạch Khê phải đóng cửa do thiếu vốn và một số vấn đề liên quan khác. Từ cuối năm 2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có báo cáo gửi Trung ương đề xuất tạm dừng Dự án với nhiều lý do như: Công nghệ, kỹ thuật khai thác chưa phù hợp với đặc thù địa chất mỏ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động lớn đến môi trường; phương thức khai thác và vận chuyển quặng khó khả thi, hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn; thị trường tiêu thụ quặng sắt chưa chắc chắn…

Mới đây, trên cổng Thông tin của Chính phủ có đăng tải: Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa đề xuất tái khởi động Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê. Doanh nghiệp này cũng khẳng định có đủ giải pháp để xử lý môi trường và khai thác Dự án hiệu quả… Trong khi, phía tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục kiến nghị chấm dứt hoạt động Mỏ sắt Thạch Khê.
 
D2023071703 2
Đại diện Hội CCB tỉnh và huyện Thạch Hà trao đổi với CCB xã Thạch Khê.
 
Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, việc chấm dứt Dự án là có cơ sở pháp lý và phù hợp thực tiễn, đảm bảo được vấn đề môi trường, nhất là môi trường ven biển, không đặt ra mối đe dọa, rủi ro về môi trường nữa. Từ đó, tạo tiền đề vững chắc để Hà Tĩnh tập trung nguồn lực và cơ sở hạ tầng cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: Dự án được khởi động từ năm 2008, đến nay gần 14 năm đã gây ra những hệ lụy, tác động lớn đến đời sống, sản xuất của người dân và sự phát triển của địa phương. Dự án có nguy cơ gây ra sự suy giảm, thậm chí cạn kiệt nước ngầm, gây xâm nhập mặn, hoang mạc hóa, sạt lở đất ở phạm vi rộng (T.P Hà Tĩnh cách mỏ sắt chưa đến 6km). Dù tỉnh Hà Tĩnh nhiều lần đề xuất với các Bộ, ngành dừng Dự án nhưng vẫn chưa được xem xét. Cử tri Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ cho biết hướng xử lý tổ hợp Dự án này. Với những đề xuất của tỉnh Hà Tĩnh và Tập đoàn TKV, hiện đang chờ Chính phủ trình Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo

Phóng viên Báo CCB Việt Nam về trực tiếp địa bàn 5 xã bị ảnh hưởng, trao đổi với một số hội viên CCB để ghi lại tâm tư, nguyện vọng của CCB và bà con nhân dân bị ảnh hưởng của vùng Dự án.
 
D2023071703 3
CCB Phạm Công Bạng, xã Đỉnh Bàn.
 
1- CCB Phạm Công Bạng, 76 tuổi, thương binh hạng 2/4, thôn Văn Sơn, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh: Chúng tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có chủ trương cho khai thác Mỏ sắt Thạch Khê, ngoài việc thu về cho ngân sách Nhà nước thì hy vọng sẽ thay đổi cuộc sống của người dân vùng Mỏ. Nhưng thực tế hiện nay là hoàn toàn ngược lại, sau khi dừng khai thác mỏ người dân cũng phải dài cổ chờ đợi, khó khăn chồng chất khó khăn, chính quyền và người dân đã kiên nhẫn chờ đợi hơn 10 năm nay, đi không nỡ, ở không xong; đất đai thì ngày càng mai một, nguồn nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đảng viên, hội viên Chi hội CCB chúng tôi rất mong Chính phủ có phương án kết luận sớm về mỏ sắt Thạch Khê: Khai thác hay dừng khai thác? Theo chúng tôi cho dừng khai thác mỏ sắt để nhân dân các xã ổn định xây dựng cuộc sống.
 
D2023071703 4
CCB Phạm Văn Trị, xã Thạch Khê.
 
2- CCB, thương binh Phạm Văn Trị, 75 tuổi thôn Nam Khê, xã Thạch Khê: Năm 1960 bắt đầu thăm dò để khai thác mỏ sắt, nếu một người sinh ra ở làng này vào năm đó thì giờ cũng đã hơn 60 tuổi, trong khi mỏ sắt vẫn chưa thể khai thác. Sau khi trở về địa phương, tôi tham gia công tác trong UBND xã nhiều năm, được tiếp xúc nhiều với các đoàn chuyên gia, làm việc với nhiều đời Tổng giám đốc, được nghe nói nhiều về lợi nhuận khi khai thác mỏ sắt. Tuy nhiên đã 60 năm trôi qua, nhất là khoảng thời gian sau 10 năm khai thác thử nghiệm, cuộc sống của người dân trong vùng Dự án đối mặt với muôn vàn khó khăn, rất mong Đảng, Chính phủ có kết luận sớm để người dân ổn định cuộc sống…”.

3- CCB Nguyễn Trung Tính, 72 tuổi, thôn Nam Hải, xã Thạch Hải: “Từ khi Dự án mỏ sắt đưa vào khai thác chưa thấy mang lại lợi ích mà chỉ chồng chất thêm nỗi lo. Nước bị ô nhiễm sắt nghiêm trọng, bệnh tật diễn biến phức tạp, cuộc sống bị đình trệ, thiếu thốn đủ bề kéo dài gần 10 năm nay, người dân giờ chỉ mong dừng Dự án. Người dân Thạch Hải không có điều kiện và cơ hội để đẩy mạnh du lịch, thiệt hại nhiều về thu nhập, các mô hình nuôi trồng, chế biến không được phát triển làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Nhiều thế hệ phải sống chen chúc nhau trong một ngôi nhà vì không được cơi nới, không thực hiện tái định cư… CCB chúng tôi cũng đã hết kiên nhẫn chịu đựng, đề nghị Đảng và Chính phủ cho dừng khai thác mỏ sắt…”.

Ngày 3-7, TKV có buổi làm việc với tỉnh Hà Tĩnh để bàn về giải pháp thực hiện phương án trung gian là khai thác với độ sâu âm 145m so với mực nước biển để báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị. Trong khi đó phía Hà Tĩnh vẫn kiên quyết đề nghị dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê do nhiều hệ lụy.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cho biết: “Hiện tại Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê chưa đảm bảo nghiên cứu các yếu tố khoa học kỹ thuật, đánh giá tác động môi trường nên chưa cần thiết khai thác, có thể chờ cho thế hệ sau sẽ khai thác… Bí thư Tỉnh ủy cũng chia sẻ với TKV về những khó khăn tồn tại, kéo dài; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để TKV tham gia vào việc khai thác du lịch, dịch vụ ở địa phương; tham gia khảo sát các dự án khác về khai thác than, khai thác quặng trên địa bàn…”.

Lê Anh Thi
Theo Cựu chiến binh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây