Ông Lê Công Chất bên hồ hởi với thành quả ngọt ngào. Ảnh: Việt Khánh.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Nghi Văn (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) là đơn vị điển hình về trồng cam hữu cơ, ngoài ra còn được biết đến rộng rãi nhờ dòng sản phẩm cá lóc đầu nhím chất lượng cao.
Không chút đắn đo, ông Lê Công Chất, Giám đốc Hợp tác xã Nghi Văn, đi thẳng vào vấn đề: “Tôi tiếp nhận lại trang trại này từ năm 2019, trước đó đã qua nhiều đời chủ, một số từng áp dụng mô hình trồng trọt, chăn nuôi nhưng không mấy thành công. Không muốn giẫm vào vết xe đổ, tôi đã cất công tìm tòi và xây dựng hướng đi cho riêng mình.
Trên tổng diện tích hơn 10 ha, tôi dành hơn phân nửa để trồng cam theo hướng hữu cơ, quỹ đất còn lại triển khai nuôi bò và nuôi cá lóc đầu nhím. Mỗi loại hình đều chuyên biệt nhưng có thể bổ trợ cho nhau khá hoàn hảo, tạo lập được chuỗi liên kết tuần hoàn giúp tình hình kinh doanh ngày càng khởi sắc, bình quân hàng năm trang trại thu lãi nhiều tỷ đồng”.
Con cá lóc đầu nhím mang lại giá trị khác biệt cho Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Nghi Văn. Ảnh: Việt Khánh.
Nghe qua tưởng dễ nhưng để nuôi thành công con cá lóc đầu nhím là cả chặng đường dài ghập ghềnh, đầy rẫy chông gai. Đành rằng trang trại có mặt nước trải rộng, lại sở hữu nguồn nước tinh khiết chảy trực tiếp từ khe núi, nhưng tất cả chỉ là lý thuyết sáo rỗng nếu vận dụng đúng phương pháp.
Thực tế giai đoạn khởi đầu không mấy thuận lợi, trước khi “bén duyên” với con cá lóc đầu nhím, ông Chất từng trầy trật, thậm chí thất bại toàn tập khi áp dụng mô hình nuôi lươn, ốc cũng như một số loài cá khác: “Có xắn tay vào làm mới nắm rõ tường tận, những gì kinh qua giúp tôi đúc kết được vốn liếng kinh nghiệm quý báu. Cơ bản nuôi con cá lóc đầu nhím là phù hợp hơn cả, nguồn nước sạch, đảm bảo ấm về mùa đông, mát về mùa hạ là điều kiện lý tưởng để cá lóc sinh trưởng và phát triển”.
Áp dụng đúng phương pháp đã tạo ra dòng sản phẩm chất lượng cao. Ảnh: Việt Khánh.
Xác định đã khoác lên mình tấm áo nông nghiệp hữu cơ thì mọi quy trình, công đoạn đều phải tuân theo chuẩn mực, có như thế mới mong tạo dựng được thương hiệu vững bền. Nghĩ là làm, một mặt ông Chất đầu tư cải tạo, mở rộng ao đầm, mặt khác khâu nối với đơn vị cung cấp con giống, thức ăn uy tín hàng đầu để nhập về dòng sản phẩm ưng ý nhất.
“Tiền nào của đó thôi, đầu vào không đảm bảo thì đổ bao nhiêu công sức cũng vô nghĩa. Ban đầu tôi nuôi thử nghiệm 20 vạn con, qua theo dõi thấy cá phát triển nhanh, ổn định, tỷ lệ hao hụt không đáng kể. Đặc biệt, so sánh đơn thuần thì thịt con cá lóc đầu nhím nuôi ở đây thơm ngon hơn cả cá đồng ở vùng khác. Chất lượng sản phẩm đã được kiểm chứng, nguồn gốc xuất xứ chứng thực rõ ràng là những yếu tố cốt lõi của thành công, không đơn thuần dòng sản phẩm của chúng tôi được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưu tiên lựa chọn”, ông Chất tâm đắc.
Cá lóc đầu nhím của trang trại được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Ảnh: Việt Khánh.
Giám đốc Hợp tác xã Nghi Văn nhấn mạnh, nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Nghệ An đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, gian nan hơn cả là tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày một trầm trọng. May thay trang trại của ông Chất sở hữu dòng nước sinh ở trong động, mức độ nhiễm khuẩn gần như bằng không.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa cùng nhau hội tụ, ông Chất thừa thắng xông lên bằng cách mở rộng khu vực nuôi thành 1.200 m2, rải đều cho 6 hồ, ngoài ra còn xây thêm 2 bể ương giống để chủ động đầu vào.
Bàn về hiệu quả kinh tế, ông Chất khẳng định chắc nịch: “Điểm khác biệt khi nuôi cá lóc đầu nhím là độ an toàn cao, dù nuôi với số lượng lớn nhưng tỷ lệ hao đàn rất thấp. Giá cả thị trường lúc lên lúc xuống nhưng qua nhiều năm triển khai chưa bao giờ lỗ, bình quân trang trại thu lời hơn tỷ đồng/ năm. Chưa hết, độ đạm trong chất thải của cá lóc rất cao, có thể tận dụng bón hiệu quả cho cây cam. Nuôi cá lóc đầu nhím phát huy lợi thế “2 trong 1”, mô hình này đáng để nhân rộng”.