Đặc tính của chồn hương là thức vào ban đêm và ngủ vào ban ngày, do vậy mỗi ngày anh Thành chỉ cho chồn hương ăn một lần vào 5 giờ chiều.
Chi phí thức ăn từ 2.000- 3.000 đồng/ngày. Sau khi phối giống thành công khoảng 2 tháng chồn bắt đầu sinh sản. Mỗi năm chồn hương đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 4-5 con.
Theo anh Thành, để nuôi chồn thành công trước hết phải chọn giống nuôi thuần tại các trang trại gần địa bàn mình để chồn hương nhanh thích nghi.
Chồn hương là loại động vật có sức đề kháng tốt, nên rất ít khi mắc bệnh, chủ yếu là phòng bệnh cầu trùng, tụ huyết trùng. Khi thấy chồn hương có triệu chứng bệnh, lập tức tách chuồng và dùng thuốc thú y thông thường điều trị là khỏi.
"Đút túi" hàng trăm triệu mỗi năm
Hiện tại, đối với chồn hương nuôi thương phẩm, trọng lượng đạt từ 3-5kg/con, anh Thành bán với giá 4 -5 triệu đồng/con; con chồn giống, sau khi sinh từ 2 - 2,5 tháng sẽ xuất bán với giá 12 triệu/cặp.
Theo anh Hoàng Quốc Thành, ở thôn Nam Hải, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh), thức ăn của chồn hương dễ tìm, giá thành rẻ. Khi nuôi con động vẩt hoang dã này, người nuôi cần đăng ký các thủ tục với cơ quan chức năng địa phương. Ảnh: PV
Để nuôi chồn hương mang lại hiệu quả, anh Thành chú trọng đến kỹ thuật chăm sóc, vệ sinh chuồng trại hàng ngày và kỹ thuật làm chuồng.
Hệ thống chuồng được anh Thành xây dựng cao ráo, bao quanh bằng lưới sắt cách mặt đất 0,5 m rộng 0,8m và cao 0,6m, trong mỗi chuồng chia làm 2 tầng, tầng trên để chồn ngủ còn tầng dưới làm nơi cho chồn ăn và leo trèo.
Theo anh Thành, chồn hương có nguồn gốc động vật hoang dã, động vật rừng, tuy được thuần hóa, nuôi dưỡng nhưng vẫn giữ bản tính hoang dã, nếu nuôi chung, chúng sẽ cắn nhau.
Khi nuôi con động vật hoang dã này phải chia ra mỗi con một ô chuồng, chia nhiều khu nuôi dành cho chồn sinh sản, chồn hậu bị và chồn con.
"Hiện nay, duy trì đàn khoảng 100 con. Năm 2023, bắt đầu xuất bán những lứa chồn đầu tiên với 20 con chồn thương phẩm và 10 con giống, thu về khoảng 150 triệu đồng. Đầu năm 2024, đã bán 30 con chồn thương phẩm và 20 con chồn giống thu về gần 300 triệu đồng.
Nuôi chồn hương sinh sản không tốn về diện tích và không gây ảnh hưởng môi trường. Ảnh: PV
Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô trang trại nuôi chồn hương, có ý tưởng sẽ kêu gọi một số người thân, bạn bè để tham gia nuôi chồn hương, hướng đến thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã, tạo dựng thương hiệu cũng như liên kết, hỗ trợ trong tiêu thụ chồn giống và chồn thịt", anh Thành cho hay.
Thịt chồn hương chế biến được nhiều món ăn đặc sản ngon. Ảnh: PV
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Bùi Đình Lâm - Chủ tịch UBND xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: "Mô hình nuôi chồn hương sinh sản của anh Hoàng Quốc Thành là mô hình mới, bước đầu cho thấy mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, xã sẽ rà soát, nắm bắt nhu cầu của người dân, động viên người dân mạnh dạn phát triển các mô hình phát triển kinh tế mới có tính khả thi".
"Tuyên truyền, vận động phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế đang làm ăn có hiệu quả trên địa bàn như mô hình nuôi chồn hương sinh sản. Đồng thời, khuyến khích người dân tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế", ông Bùi Đình Lâm - Chủ tịch UBND xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) nói.