Kiến nghị mở rộng đối tượng được thụ hưởng nhà ở xã hội

Thứ tư - 14/05/2025 09:09
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) kiến nghị mở rộng đối tượng, nới điều kiện tiếp cận và rút gọn thủ tục để phát triển nhà ở xã hội hiệu quả hơn.
Theo Chủ tịch HoREA, Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội trình Quốc hội kỳ này đã có nhiều điểm đổi mới tích cực so với các bản trước. Trong đó, việc bổ sung nội dung giao Quỹ Nhà ở quốc gia thực hiện đầu tư xây dựng, tạo lập nhà ở xã hội cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê, thuê mua là điểm đột phá, mở rộng phạm vi hỗ trợ nhà ở cho lực lượng lao động có thu nhập trung bình và ổn định.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ, Dự thảo cần điều chỉnh bổ sung tại Điều 2 về "đối tượng áp dụng".

Cụ thể, nên liệt kê đầy đủ các nhóm được thụ hưởng nhà ở xã hội, bao gồm cả “cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê”. Đề xuất này nhằm tương thích với nội dung đã nêu tại khoản 3 Điều 4 của chính Dự thảo.

Việc bổ sung nhóm cán bộ, công chức, viên chức vào đối tượng được hỗ trợ về nhà ở là bước đi hợp lý, tạo cơ sở để sau này Chính phủ ban hành các hướng dẫn cụ thể nhằm triển khai các chương trình nhà ở cho nhóm đối tượng này tương tự như các cơ chế đã áp dụng đối với lực lượng vũ trang nhân dân trong Luật Nhà ở hiện hành.
 
d2025051406
 HoREA kiến nghị mở rộng đối tượng được thụ hưởng nhà ở xã hội. Ảnh BĐS.

Ông Châu kiến nghị, cần công nhận nhà trọ cho thuê dài hạn (thuê theo tháng, theo năm) là một loại hình nhà ở xã hội do cá nhân, hộ gia đình đầu tư.

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 200.000 chủ nhà trọ với hơn 1,5 triệu phòng phục vụ công nhân, lao động thuê ở dài hạn. Riêng tại TP HCM, có hơn 60.000 người kinh doanh phòng trọ, cung ứng khoảng 560.000 phòng trọ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 1,4 triệu người.

Nếu được thừa nhận là một loại hình nhà ở xã hội, các chủ nhà trọ có thể tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi từ Quỹ Nhà ở quốc gia, qua đó cải tạo chất lượng nhà trọ, nâng cấp điều kiện sống cho người lao động và giảm gánh nặng ngân sách nhà nước trong việc đầu tư trực tiếp.

Bên cạnh hình thức thuê và thuê mua, cần bổ sung thêm hình thức “mua” vào chức năng đầu tư của Quỹ Nhà ở quốc gia tại khoản 3 Điều 4 Dự thảo Nghị quyết. Lý do là nguồn vốn của Quỹ không chỉ từ ngân sách mà còn gồm cả các khoản đóng góp, hỗ trợ, bán tài sản công… không thuộc ngân sách, nên có thể linh hoạt triển khai các hình thức hỗ trợ phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Thực tế, Luật Nhà ở đã cho phép người thuộc lực lượng vũ trang được “mua, thuê mua, thuê” nhà ở từ vốn đầu tư công hoặc vốn ngoài ngân sách. Do đó, cán bộ, công chức, viên chức cũng nên có quyền tiếp cận tương tự, tùy theo khả năng tài chính, nhằm đa dạng hóa mô hình tiếp cận nhà ở xã hội và khuyến khích ổn định lâu dài nơi ở.

Một vấn đề được HoREA đặc biệt nhấn mạnh là thủ tục nghiệm thu công trình. “Chủ đầu tư phải được trao quyền tự nghiệm thu, chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cơ quan chuyên môn chỉ nên vào cuộc khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền”, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.

Theo hiệp hội, quy trình kiểm tra nghiệm thu hiện nay còn nặng tính hình thức, dễ phát sinh nhũng nhiễu, làm kéo dài thời gian đưa nhà ở xã hội vào sử dụng và đội chi phí.

Liên quan đến giá bán, HoREA đề nghị sửa quy định hiện hành vốn chỉ cho phép chủ đầu tư trả lại phần chênh lệch nếu giá quyết toán thấp hơn giá hợp đồng, nhưng lại không cho thu thêm nếu giá cao hơn.

“Đây là bất hợp lý. Cần công bằng. Nếu kiểm toán xác định giá cao hơn, chủ đầu tư nên được quyền thu thêm phần chênh lệch - trừ khi họ chủ động không thu để hỗ trợ người dân”, ông Châu cho hay.

HoREA cũng đề xuất giảm tiền đặt cọc thuê nhà từ mức tối đa 12 tháng (như Luật Nhà ở 2023 quy định) xuống còn tối đa 3 tháng. Điều này nhằm giảm áp lực tài chính cho công nhân, người thu nhập thấp - nhóm đang cần hỗ trợ thực sự.

Đặc biệt, HoREA kiến nghị bố trí ngân sách trung hạn để cấp bù lãi suất và tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng tham gia cho vay mua, thuê nhà ở xã hội. Theo tính toán của hiệp hội, nếu được vay lãi suất 4,8%/năm trong 25 năm, người mua nhà ở xã hội trị giá 2 tỷ đồng chỉ phải trả khoảng 11,7 triệu đồng/tháng mức phù hợp với thu nhập bình quân của công nhân đô thị.

Về lâu dài, HoREA cũng đề xuất sửa quy định trong Nghị định 100/2024 để Ngân hàng Chính sách xã hội sớm được cho vay trực tiếp đối với chủ đầu tư nhà ở xã hội, thay vì chờ đến sau năm 2030 như hiện hành.
 
d2025051406a
 Người dân từng xếp hàng ngày đêm để nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội tại Hà Nội tháng 5/2023. Ảnh Đông Bắc.

Đề xuất cho vay không thế chấp với nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

 Điều 3 của dự thảo quy định về thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia đáng chú ý. Theo đó, quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước do Chính phủ thành lập từ nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn vốn hợp pháp khác.

Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia được đầu tư trực tiếp để tạo lập quỹ nhà ở xã hội, quản lý quỹ nhà ở xã hội; hỗ trợ lãi suất cho vay không yêu cầu thế chấp; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội theo điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ được cơ quan có thẩm quyền quy định.

Chính phủ quy định chi tiết về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia.

Bộ Xây dựng cho biết, mục tiêu của chính sách này nhằm tăng cường nguồn vốn bền vững, dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội.

Hiện nay, trên cả nước có 42 Quỹ đang hoạt động, gồm 40 Quỹ Đầu tư phát triển, 1 Công ty 100% nhà nước (HFIC), 1 Quỹ phát triển đất nhận ủy thác quản lý Quỹ Đầu tư phát triển (Quảng Bình).

Mô hình hoạt động theo hình thức độc lập gồm Hội đồng quản lý, Ban Kiểm soát và bộ máy điều hành, đối với Công ty tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC) hoạt động theo mô hình doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Một số quỹ đầu tư phát triển địa phương cũng đang triển khai đầu tư xây dựng, cho vay phát triển nhà ở xã hội như: Quỹ phát triển nhà ở TP HCM (hoạt động từ năm 2005) đến nay đã giải ngân cho hơn 5.500 đối tượng có thu nhập thấp vay với số tiền khoảng 2.800 tỷ đồng và có 4 Quỹ có hoạt động đầu tư trực tiếp nhà ở xã hội: Lào Cai, Thái Bình, Hà Tĩnh, Đắk Lắk với tổng mức đầu tư 743 tỷ đồng và cung cấp 1.345 căn hộ nhà ở xã hội...

Tuy nhiên, các quỹ này đều đang gặp khó khăn trong hoạt động do không được cấp bổ sung vốn, dẫn đến khó có thể cung cấp vốn ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội dài hạn, bền vững.

Bên cạnh đó, hiện nay một số dự án nhà ở xã hội còn vướng mắc trong việc bố trí kinh phí để giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; hỗ trợ với các dự án nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua; hỗ trợ lãi suất cho vay không yêu cầu thế chấp.

Do đó, cần thiết phải thành lập “Quỹ phát triển Nhà ở xã hội Quốc gia” từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước và nguồn vốn hợp pháp khác để giải quyết các vướng mắc nêu trên và có nguồn vốn bền vững, dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội.
Theo  doanhnhanvn.vn

Link gốc: Kiến nghị mở rộng đối tượng được thụ hưởng nhà ở xã hội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây