Dự án đường cứu hộ cứu nạn giai đoạn 1 Hương Đô – Khe Mây (huyện Hương Khê – Hà Tĩnh) được bắt đầu thi công từ năm 2017. Tuy nhiên, vì nguồn vốn khó khăn nên năm 2017 các đơn vị thi công mới chỉ hoàn thành được phần nền đường. Đến đầu năm 2018 thì công tác làm các hạng mục tiếp theo mới được khởi động trở lại.
Phần thi công của Công ty cổ phần xây dựng Sông Ba xuất hiện nhiều vết nứt lớn, nhỏ.
Tổng vốn xây lắp cho công trình này là 21 tỷ đồng. Gồm 2 tuyến đường, tuyến chính dài 1,5km; tuyến nhánh dài 1,7 km và 200m mương thoát nước.
Thi công công trình này gồm 3 nhà thầu là Công ty cổ phần xây dựng Vinaco (trụ sở tại thành phố Vinh – Nghệ An) thi công gói 6,8 tỷ đồng, hiện đang làm mương thoát nước tại xóm 1, xã Hương Đô.
Công ty cổ phần xây dựng Long Khánh (trụ sở tại huyện Hương Khê - Hà Tĩnh), thi công gói hơn 7 tỷ đồng, hiện đang thực hiện đổ bê tông mặt đường tại xóm 6. Công ty cổ phần xây dựng Sông Ba (trụ sở tại huyện Hương Khê – Hà Tĩnh) thi công gói 7 tỷ đồng.
Phần thi công của Công ty cổ phần xây dựng Sông Ba đã hoàn thành. Công trình do Công ty cổ phần xây lắp xử lý nền móng Hà Tĩnh (trụ sở tại thành phố Hà Tĩnh) giám sát; UBND huyện Hương Khê làm chủ đầu tư.
Công ty cổ phần xây dựng Long Khánh đang sử dụng bê tông của nhà máy bê tông Hưng Nghiệp.
Theo quan sát của PV tại công trình, công tác thi công của các đơn vị còn nhiều bất cập và có dấu hiệu của rút ruột công trình. Trên toàn công trình không có biển cảnh báo để đảm bảo an toàn giao thông cho người tham gia giao thông.
Tại điểm thi công thuộc xóm 1 của Công ty cổ phần xây dựng Vinaco, đơn vị đang thực hiện đổ bê tông 200m mương thoát nước, vật liệu xây dựng đổ tràn lan gây cản trở giao thông. Việc đổ đáy mương bê tông khi không được vệ sinh kỹ để bê tông lẫn tạp chất. Đồng thời, tại điểm đổ, không có bảng cấp phối, không có sự giám sát,
Những điều này khiến người dân nghi ngờ về chất lượng bê tông của công trìn, ngoài ra chưa kể những nguy hiểm đe dọa đến tính mạng của người dân khi đi qua khu vực đang thi công không có bảng, biển cảnh báo.
Nhiều đoạn nền đường chưa đúng theo yêu cầu.
Tại phần thi công ở xóm 6, của Công ty cổ phần xây dựng Long Khánh, Công ty đang tiến hành đổ mặt đường bằng bê tông tươi của nhà máy bê tông Hưng Nghiệp (trụ sở tại Thành phố Hà Tĩnh). Tuy nhiên, mặt đường có nhiểu điểm chưa đạt theo yêu cầu, đơn vị thi công đã sử dụng đá đổ bê tông sai với thiết kế. Đồng thời, phần thi công của đơn vị này chỗ đã hoàn thành có khoảng 100m chất lượng kém và thẩm mỹ xấu, nhiều điểm đã bị nứt.
Lý giải về vấn đề này, đại diện của đơn vị Công ty giám sát cho rằng: “Khoảng 100m có chất lượng xấu đó là do tổ thợ thi công ẩu, đơn vị thi công đã thay bằng tổ thợ mới. Còn việc sử dụng đá trộn bê tông là 2.4 thay vì đá 1.2 thì sẽ khắc phục. Còn phần nền đường khi thi công đến những điểm yếu sẽ cho lu lèn đạt rồi mới cho thi công tiếp”.
Xe bê tông sau khi đổ xong vô tư xả thải vào phần đất của dân.
Phần thi công của Công ty cổ phần xây dựng Sông Ba đã hoàn thành khoảng hơn 1 tháng. Đây là phần đường được đổ hoàn toàn bằng bê tông tươi. Tuy nhiên, theo bà L. một người dân xóm 6, xã Hương Đô – Hương Khê cho biết: “Họ mới đổ xong được hơn 1 tháng nhưng đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn, nhiều chỗ đơn vị thi công đã hòa xi măng để quét lên mặt nhằm che những vết nứt nhưng không khắc phục được".
"Chúng tôi thực sự thấy lo lắng khi một công trình được Nhà nước được đầu tư hàng chục tỷ đồng mà chất lượng kém như vậy, dù chưa có phương tiện lưu thông", bà L. cho biết thêm.
Qua thực tế, chúng tôi thấy điều người dân phản ánh là hoàn toàn có cơ sở. Phần thi công của đơn vị này xuất hiện rất nhiều những đường nứt lớn nhỏ, dù mới thi công được hơn 1 tháng.
Một người dân khác cho biết: "Chúng tôi không thể không băn khoăn về chất lượng của công trình. Vì tuyến đường này là đường dân sinh của thôn, họ vừa đổ xong, vừa cấm đường không cho đi lại để bảo dưỡng mặt đường, nhưng không hiểu sao mà lại xuống cấp nhanh như vậy?”.
Phần đá bê tông sử dụng sai thiết kế.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Thế - kỹ thuật Ban quản lý dự án huyện Hương Khê cho biết: “Hiện, công trình vẫn đang trong quá trình thi công, chưa bàn giao. Phần thi công của Công ty Sông Ba chúng tôi sẽ mời đơn vị giám định chất lượng của Sở Xây dựng Hà Tĩnh vào kiểm tra, nếu chất lượng không đạt sẽ bắt nhà thầu đào lên làm lại. Còn nếu chất lượng đạt thì nhà thầu cũng phải khắc phục. Phần thi công của Công ty Long Khánh tôi sẽ kiểm tra lại giám sát. Nếu họ sử dụng sai đá, nhà thầu sẽ phải đào lên để đổ lại. Phần bảng biển cảnh báo của công trình tôi xin ghi nhận và yêu cầu khắc phục ngay”.
Như vậy, việc một số đoạn đường vừa làm xong đã xuống cấp khiến người dân bức xúc, liệu rằng có hay không việc đoạn sau làm xong đoạn trước đã hỏng? Vấn đề này cần có sự vào cuộc của các ngành chức năng có thẩm quyền nhằm trả lại con đường với giá trị thực đúng của nó.