Chỉ cần up vài hình ảnh xe SH thật lên các trang mạng xã hội cùng với lời rao bán: “Đầy đủ màu cho khách yêu chọn lựa xe SH150i (Ý), chỉ cần 28 triệu đồng rinh một con về nhé. Nhận giấy chính chủ theo chứng minh và ship hàng toàn quốc từ 1 đến 3 ngày tùy xa hay gần.” là đã thu hút được rất nhiều bình luận của người có nhu cầu.
Những hình ảnh này trước đây nhiều nhan nhản không hề thiếu, chẳng cần đến mùa World Cup này. Thế nhưng, số lượng lại tăng đột biến sau mùa bóng năm nay. Thậm chí, nhiều đối tượng trộm cắp còn tạo ra những hội nhóm kiểu như vậy để tiêu thụ hàng.
Để giúp độc giả Dân Trí hiểu rõ về những chiếc xe trôi nổi này, PV đã liên hệ với một người quen làm trong nghề kinh doanh xe tay ga cao cấp lâu năm. Hẹn gặp được anh T.D.A. (Lĩnh Nam, Hà Nội) tại xu, anh cho biết: “SH không giấy tờ hiện giờ đang có giá chung là khoảng 30 triệu đồng. Nhưng rất ít người dám động vào mảng này. Vì ngay cả tôi làm mảng này các đối thủ trong nghề nắm được thông tin còn nhanh hơn các cơ quan chức năng.”
“Họ tố giác tới công an là không những mất nghề mà còn dính án. Tất cả xe này đều là xe nhảy. Ngay cả các cửa hàng cầm đồ cũng ít dám làm loại xe này chứ chưa nói tới các cửa hàng kinh doanh xe cũ”, anh A. cho biết.
Cũng theo anh A.: “Loại xe này muốn mua phải có nguồn, nhưng ảnh hưởng tới sau này, mua bán khó. Không những thế, vi phạm luật giao thông mà cảnh sát điều tra ra là xe trộm cắp thì mất trắng.”
“Xe kiểu này sau khi các đối tượng trộm cắp “nhảy” (ăn trộm - PV) được xe sẽ tháo đồ, gắn biển mới và rao bán. Với dòng SH nhập, đầu xe tháo ra có thể bán được 10 triệu đồng. Tiếp theo là các chi tiết “zin” (nguyên bản theo xe - PV) như: vành xe, cục lọc gió, ốp pô,…cũng có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng”, anh A. cho biết thêm.
Nhưng hiện nay, anh A. chia sẻ, dân trộm cắp còn có nhiều thủ đoạn tinh vi hơn, các đối tượng này sẽ chuyển xe về Hải Phòng hoặc Thái Nguyên để tiêu thụ hoặc đóng lại số khung, số máy và làm giả giấy tờ.
Những chiếc xe được làm lại giấy tờ và đóng số khung, số máy mới sẽ dễ tiêu thụ hơn, những khách hàng ham rẻ rất dễ dính phải. Anh A. cho biết: “Có những đầu mối làm sẵn các dịch vụ này, xe chỉ cần chuyển về là làm. Giấy tờ có giá khoảng 2 triệu đồng/bộ. Còn số khung số máy thì đắp thêm 1 miếng sắt là đóng lại được.”
“Nghề này rất mang tiếng vì có nhiều thủ đoạn. Xe sau khi được hóa kiếp thì có thể bán như giá thị trường. Tuy nhiên, để dễ tiêu thụ và đánh vào tâm lý khách thì họ sẽ bán rẻ đi nhiều hơn hoặc vẽ ra 1 lỗi nào đó tạm chấp nhận được để khách yên tâm”, anh A. nói.
Ngoài những chiêu trò hóa kiếp, trên mạng xã hội bây giờ còn tràn lan các hình thức lừa đảo khác. Những khách hàng nhẹ dạ cả tin sẽ sập bẫy rất dễ dàng chỉ vì lòng tham. Anh Lê Minh Khương (Nguyễn Chánh, Hà Nội) chuyên kinh doanh xe lướt cho biết: “Khách của tôi đến mua xe không ít người đã bị lừa với hình thức mua xe SH trên mạng với giá 10 - 30 triệu đồng. Làm trong nghề, tôi chỉ cần nghe qua đã đọc được chiêu trò của bọn chúng.”
“Các đối tượng lừa đảo sẽ bắt người mua chuyển cọc trước 5 - 10 triệu đồng với lí do là đặt cọc giữ xe. Tuy nhiên, tiền vừa về tài khoản là chúng đóng phim “mất tích” ngay lập tức”, anh Khương khẳng định.
Báo chí đã cảnh báo nhiều, nhưng sau mùa bóng, các hoạt động này lại trở lại mạnh mẽ. Người tiêu dùng có nhu cầu mua xe tay ga cao cấp cần hết sức cảnh giác. Người tiêu dùng đừng vì lòng tham mà tiếp tay cho các đối tượng phạm tội. Vì xe chất lượng vừa kém lại vừa rủi ro, đến lúc tiền thì mất mà tật thì mang.
Tác giả bài viết: Thế Hưng
Nguồn tin: Dân trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn