Ông Sáng chỉ tay về vị trí chiếc cầu, nơi mà gần 2 năm nay việc đi lại của người dân qua đây bị cắt đứt hoàn toàn.
Theo phản ánh của người dân, cách đây gần 2 năm trước, vào chiều tối ngày 25/7/2020, một chiếc sà lan chở hàng trăm khối cát từ Thanh Chương (Nghệ An) di chuyển theo sông Lam qua cống Trung Lương vào sông nhà Lê để tập kết tại huyện Can Lộc.
Khi di chuyển đến cầu Bãi Thẹn (cầu nối thôn Gia Thịnh, xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ với QL8A, thuộc tổ dân phố Thuận Tiến, phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh) thì bất ngờ đâm trúng trụ cầu. Cú va chạm cực mạnh khiến trụ cầu bị xô lệch, mặt cầu bị cong nghiêng, có nguy cơ đổ sập xuống sông bất cứ lúc nào.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Công an huyện Đức Thọ đã phối hợp với Công an thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) khẩn trương gắn biển cảnh báo nguy hiểm, làm barie chặn 2 đầu cầu, ngăn cấm người và phương tiện qua lại trên cầu lẫn dưới sông để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Mặc dù không phải là tuyến đường trục chính vào xã, nhưng mỗi ngày có hàng ngàn lượt người và phương tiện xe máy, xe đạp, xe bò từ thôn Gia Thịnh và làng mộc Thái Yên (xã Thanh Bình Thịnh) lưu thông qua đây, nhập vào QL8A để đi học, làm việc, vận chuyển hàng hoá và kinh doanh buôn bán.
Từ ngày cầu Bãi Thẹn bị tháo dỡ, việc lưu thông của người dân trong vùng qua đây bị cắt đứt hoàn toàn.
Từ bên này cầu, muốn sang QL8A (ở bên kia cầu) chỉ còn 2 cách là đi thuyền qua sông hoặc phải đi vòng mất 3km. Cũng kể từ đó, giao thương bị ảnh hưởng nặng nề.
Cầu Bãi Thẹn sau khi bị tàu chở cát đâm trúng khiến trụ cầu bị xô lệch, có nguy cơ đổ sập xuống sông bất cứ lúc nào
Anh Hùng, một người dân xã Thanh Bình Thịnh (Đức Thọ) hiện làm nghề thợ mộc ngay cạnh cầu Bãi Thẹn thuộc Tổ dân phố Thuận Tiến, phường Đức Thuận (thị xã Hồng Lĩnh) cho biết, trước giờ người dân Thái Yên, Đức Thịnh (cũ) thường đi qua cầu này.
Từ khi cây cầu bị tháo dỡ, lưu thông trở nên gián đoạn, những hộ kinh doanh buôn bán tại khu vực này (khu vực Bãi Thẹn) bị thất thu khoảng 50%. Bản thân anh Hùng cũng gặp nhiều khó khăn khi nhận hoặc giao trả hàng hoá với làng mộc Thái Yên bởi phải đi vòng thêm 3km nên chi phí vận chuyển tăng lên.
Ông Sáng (SN 1962, quê thôn Gia Thịnh, chủ quán cháo lòng Sáng Liên) kể, trước đây là cầu gỗ, do các gia đình trong xóm chặt cây của HTX để làm. Sau đó có dự án nạo vét sông nên được đền bằng 1 cây cầu xi măng có chiều dài gần 30m, rộng khoảng 2m. Có cầu đi lại thuận tiện, lượng người qua lại đông nên năm 1995 ông sang mua đất ở đây (cạnh cầu Bãi Thẹn phía thị xã Hồng Lĩnh - PV) để mở quán chào lòng mưu sinh.
Cũng theo ông Sáng, quán của ông chủ yếu phục vụ người dân Thái Yên và Đức Thịnh (ở bên kia cầu, nay là xã Thanh Bình Thịnh). Khi còn cầu thì quán rất đông, ngoài vợ chồng thì phải huy động thêm mấy người con gái (đã lấy chồng) về hỗ trợ. Từ khi cầu gãy, do phải đi vòng xa nên khách vắng hẳn.
“Cầu gãy, khách ít, con cái phải kiếm việc khác để làm. Năm 2021, quán hầu như đóng cửa, một phần do dịch, nhưng nguyên nhân chính là không có khách”, ông Sáng buồn rầu nói.
Chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng đã gắn biển cảnh báo nguy hiểm, làm barie chặn 2 đầu cầu, ngăn cấm người và phương tiện qua lại trên cầu lẫn dưới sông để đảm bảo an toàn.
“Người trong vùng họ biết không còn cầu nữa nên sẽ đi theo đường khác. Nhiều người đi xa, sau nhiều năm mới trở về quê nên thường bị nhầm, chạy xe vào gần đến bờ sông thì mới biết để quay lại”, ông Sáng nói thêm.
Bà Hiền (SN 1965, trú thôn Gia Thịnh) cho hay: “Có cầu, dịch vụ thương mại khu vực Bãi Thẹn khá phát triển, người dân chúng tôi cũng thuận tiện đi lại để mua sắm đồ dùng hàng ngày và lao động sản xuất.
Cả thôn Gia Thịnh còn 16 mẫu ruộng ở bên kia cầu, nhà tôi cũng có 3,5 sào. Trước đây chỉ đi mất 3km, nhưng giờ phải đi vòng thêm 3km nữa nên tôi nhường cho cậu làm. Do cách trở, đi lại khó khăn nên một số hộ thì cho mượn, những hộ già cả, neo người thì đành chấp nhận bỏ ruộng”.
Sau khi tháo dỡ cầu, người dân không thể qua lại, gây ảnh hưởng giao thương, đình trệ sản xuất, nhiều hộ dân phải nhường hoặc bỏ ruộng do đi vòng xa.
“Mất cầu, bên này (người dân Thanh Bình Thịnh) thì vất vả về đi lại, bên kia (khu vực Bãi Thẹn) thì thiệt hại về kinh tế. Xã, huyện kêu nhiều lắm rồi, họ cũng hứa hẹn rất nhiều lần rồi nhưng chưa thấy làm”, bà Hiền nói.
Trao đổi với PV Infonet, ông Đoàn Ngọc Hường, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình Thịnh (huyện Đức Thọ) cho biết, đây là chiếc cầu chung của xã, nối thôn Gia Thịnh (xã Thanh Bình Thịnh) với tổ dân phố Thuận Tiến, phường Đức Thuận (thị xã Hồng Lĩnh).
“Sau khi cầu bị sập, quá trình tiếp xúc đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, địa phương đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa có động tĩnh gì cả. Nhiều lần lãnh đạo huyện Đức Thọ và thị xã Hồng Lĩnh đã phối hợp để xin dự án nhưng cũng chưa được”, ông Hường thông tin.
Một số hộ dân dùng thuyền tôn để qua sông, số còn lại phải đi vòng thêm 3km
“Cầu sập gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến việc đi lại và sản xuất của người dân. Việc xây dựng cầu mới là phục vụ nhu cầu khẩn cấp, bởi người dân thôn Gia Thịnh và làng mộc Thái Yên chủ yếu là đi qua con đường này”, Chủ tịch Hường khẳng định.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Thanh Bình Thịnh, vì liên quan đến đường sông và cấp độ cầu nên phải tầm cấp tỉnh trở lên mới làm được. Với chi phí khoảng 30 tỷ đồng thì địa phương và huyện không thể kham nổi, chỉ kiến nghị lên cấp trên mà thôi.
Link gốc: https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/nhip-song/ha-tinh-cau-sap-nhieu-nam-khong-sua-nguoi-dan-bo-ruong-do-di-vong-xa-412970.html