Ông Vũ Xuân Ánh, tổ dân phố 5, phường Nghĩa Trung (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) cho biết, trong một lần xem ti vi, ông biết được những thông tin về cây mắc ca trồng ở Tây Nguyên rất phù hợp, có thể mang lại thu nhập cao.
Từ đó, ông đã tìm hiểu và trồng loại cây này để tạo nguồn thu nhập. Mùa mưa năm 2011, ông lên tỉnh Đắk Lắk mua 200 cây mắc ca về trồng xen trong vườn điều và cà phê.
Thế nhưng, sau đó, 100 cây trồng trong vườn điều đã chết do thiếu ánh nắng. Còn lại 100 cây trồng xen trong vườn cà phê đã phát triển tốt.
"Lúc đó, giá cây giống mắc ca cao lắm, tới 100.000 đồng/cây, gấp 3 lần so với giống cây sầu riêng, nhưng tôi vẫn mua. Không ngờ sự quyết đoán đó lại mang đến thành công", ông Ánh chia sẻ.
Vườn mắc ca của ông phát triển tốt và sau ít năm đã cho thu hoạch. Những năm gần đây, trung bình mỗi cây mắc ca cho khoảng 25 kg hạt đã tách vỏ. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, ông Ánh thu về trên 100 triệu đồng từ 100 cây mắc ca.
Ông Ánh vui mừng vì vườn mắc ca cho thu nhập cao của gia đình ở tổ dân phố 5, phường Nghĩa Trung (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông).
Toàn bộ sản lượng hạt mắc ca sau khi thu hoạch, ông bán tại các công ty, đại lý thu mua nông sản tại Gia Nghĩa. Thời gian qua, đầu ra sản phẩm hạt mắc ca đều ổn định, giá cũng tốt.
Tính ra, mỗi cây mắc ca đã đem lại lợi nhuận cho ông từ 1-1,5 triệu đồng/năm. "Ở tuổi 67, vợ chồng tôi yên tâm vì đã có mắc ca nuôi, có thể an nhàn hưởng tuổi già", ông Ánh tâm sự.
Là một trong số những người đầu tiên trồng mắc ca ở TP Gia Nghĩa, ông Ánh rút ra được nhiều kinh nghiệm trồng mắc ca quý báu. Theo ông, cây mắc ca khá dễ chăm sóc, cần rất ít công lao động.
Vào khoảng tháng 8 - 10 dương lịch hằng năm, mắc ca ra hoa lứa đầu tiên. Thời điểm này, ở Gia Nghĩa có độ ẩm tốt, tiết trời lạnh, phù hợp với cây mắc ca, nên cây đậu quả với tỉ lệ khoảng 80%.
Đến tháng 12 dương lịch, mắc ca ra hoa lứa thứ 2. Đến tháng 4-6 dương lịch năm sau, mắc ca vào mùa thu hoạch lứa đầu tiên. Do đó, mắc ca hầu như cho quả quanh năm.
Mỗi năm vào mùa mưa, sau khi thu hoạch xong, bà con nên bón cho mỗi cây mắc ca khoảng 60 kg phân gà. Ngoài ra, cứ 2 năm một lần, bà con bón cho mỗi cây khoảng 3 kg vôi để khử khuẩn trong đất.
Thời điểm quả mắc ca bằng ngón tay cái là lúc trong ruột có nước để tạo nhân. Đây cũng là thời điểm cây mắc ca thường bị bọ xít muỗi chích hút nước trong quả.
Nếu bà con không chú ý diệt bọ xít muỗi, nhân mắc ca sẽ chuyển đen, kém chất lượng và không tiêu thụ được. Sau khi thu hoạch quả mắc ca, bà con cũng cần bảo quản tốt để bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Việc thu hoạch mắc ca cũng cần những kỹ thuật cơ bản. Dưới gốc cây mắc ca, bà con nên trải bạt như hái cà phê, rồi hái từng chùm quả. Thu hoạch mắc ca xong khoảng 1-2 tháng, bà con nên dùng kéo cắt tỉa những cành, chồi yếu để cây phát triển tốt hơn...
Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh Đắk Nông, ngoài Tuy Đức, một số địa bàn khác như Gia Nghĩa, Đắk Glong, Đắk R'lấp, Đắk Song đều có thể phát triển cây mắc ca.
Tuy nhiên, việc sản xuất mắc ca cần phải tuân thủ theo quy hoạch của ngành chức năng và áp dụng kỹ thuật đúng cách.
Theo Dân Việt
Link gốc: https://danviet.vn/trong-mac-ca-ra-nu-hoang-qua-kho-thu-bon-tien-nuoi-vo-chong-ong-nong-dan-dak-nong-luc-gia-20220607231652365.htm