Công ty Phúc Thành Hưng "nổi danh" khi dầm cầu trăm tấn gãy

Thứ tư - 05/07/2023 16:14
Công ty Đầu tư Phúc Thành Hưng - doanh nghiệp chỉ được dư luận quan tâm khi dự án 11.000 tỷ xảy ra sự cố gãy dầm cầu trăm tấn vừa qua tại Nghệ An. Thành lập trước vài tháng khởi công dự án, đến nay đã 2 năm rưỡi, tổ chức tín dụng vẫn chưa có dữ liệu tài chính công ty này...
 Lời Tòa soạn:

Các địa phương phải phối hợp chặt chẽ, mạnh tay loại bỏ nhà thầu yếu kém, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của ngành giao thông vận tải là tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ giải ngân các dự án của Bộ Giao thông vận tải cuối năm 2022. Trao đổi với PV Banduong.vn, nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An và luật sư Lương Văn Ban đều cho rằng cần phải làm rõ ngọn nguồn với bất cứ dự án nào để xảy ra sự cố, bởi đã có sự cố là có vấn đề. Đó là trách nhiệm với cộng đồng, nên thậm chí nếu vấn đề nghiêm trọng có thể phải thanh tra toàn bộ. 

Cách đây gần 2 năm, vào tháng 12/2021, Cầu Cái Đôi Vàm bắc qua sông Cái Đôi Vàm (Cà Mau, với vốn đầu tư hơn 70 tỷ đồng) đang trong giai đoạn hoàn thành thì bất ngờ xảy ra sự cố đã đặt ra câu hỏi về chất lượng công trình giao thông. Ngay sau sự cố trên xảy ra, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đã yêu cầu chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương khắc phục, thành lập Tổ điều tra để sớm làm rõ vụ việc. Tiếp đó, Sở TT-TT Cà Mau phối hợp Sở GTVT và Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông tỉnh Cà Mau tổ chức họp báo về sự cố.

Mặc dù sự cố rơi dầm cầu tại dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đã xảy ra một tháng trước, nhưng ngay sau khi dư luận được chứng kiến hình ảnh thực tế trên mạng xã hội, doanh nghiệp án là CTCP Đầu tư Phúc Thành Hưng và đơn vị thi công trực tiếp Gói thầu XL-02 là Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đã xác nhận sự việc. Hai doanh nghiệp cũng khẳng định sẽ tự chịu toàn bộ chi phí xử lý (khoảng gần 10% gói thầu) và phối hợp các bên kiểm tra lại những dầm chưa bị rơi, xác định trách nhiệm người có liên quan. 

Như vậy, chi phí gói thầu sẽ không bị đội lên so với ngân sách xét duyệt ban đầu; quá trinh thi công cầu sẽ được thêm một lần nữa kiểm duyệt. Tuy nhiên, sự việc trên khó xóa được hết những lo ngại của người dân về chất lượng cao tốc Bắc - Nam, từ đoạn qua tỉnh Nghệ An. Không những thế, mà uy tín chủ đầu tư, nhà đầu cũng khó tránh được bị ảnh hưởng, dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh với các đối thủ khác trong việc tham gia thầu ở các dự án công thời gian tới. Trong phạm vi bài viết này, Banduong.vn cập nhật thêm năng lực đơn vị dự án, nhà đầu tư, đơn vị thi công trực tiếp... để độc giả có cái nhìn khách quan hơn. 
 
D2023070514 1
Dư luận vẫn còn hoài nghi 4 dầm cầu bị rơi gãy không đơn giản chỉ là sự cố của công nhân trong quá trình thi công, mà chất lượng công trình còn nhiều vấn đề

Cập nhật mới nhất những "con số ít vui" ở Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt

 
Các sự cố về chất lượng công trình giao thông có thể xuất phát từ nguyên nhân trong quá trình thi công; việc quản lý chất lượng của các nhà thầu chưa tuân thủ theo đúng quy trình, tiêu chuẩn dự án. Nhiều công trình triển khai thiếu khoa học, thi công bề bộn. Vì vậy, muốn chất lượng công trình được nâng cao phải rà soát lại các khâu chính sách nhằm quản lý chất lượng theo hướng minh bạch; đơn vị nào làm sai, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, xác định rõ trách nhiệm của chủ thể tham gia bảo đảm chất lượng công trình, đặc biệt là khâu tư vấn giám sát.
PGS. TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng)
Đến nay nguyên nhân xác định sự cố sập dầm cầu hàng trăm tấn là do sơ suất của công nhân. Các đơn vị chịu trách nhiệm cho biết, tại thời điểm xảy ra sự việc, do thời tiết khu vực tỉnh Nghệ An nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao khoảng 40 độ, công nhân lái máy và người lao động làm việc ngoài trời với thời gian tương đối dài dẫn đến thiếu tập trung, gây sơ suất trong quá trình thao tác cẩu lắp phiến dầm.

Sự cố đã làm hỏng 4 thanh dầm buộc phải thay mới (giá trị mỗi thanh dầm 300 triệu đồng). Như vậy, ước thiệt hại sự cố trên khoảng 1,2 tỷ đồng, tương đường gần 10% giá trị gói thầu. Khối lượng thi công của dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đạt 300 - 400 tỷ đồng mỗi tháng, nhưng tiến độ chung vẫn chậm 3% so với hợp đồng và cam kết của nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng cho biết với Báo CAND, dự án đang chậm tiến độ và rất khó để về đích đúng thời hạn. Nguyên nhân có nhiều, trong đó giai đoạn đầu của dự án, mất khoảng 9 tháng để giải ngân các gói tín dụng nên dự án có thời gian thi công là 3 năm, nhưng trên thực tế chỉ có khoảng hơn 2 năm để thi công. Cùng với vướng mắc trong khâu GPMB, giá cả leo thang, nguồn vật liệu khan hiếm và thời tiết khắc nghiệt của miền Trung cũng ảnh hưởng không ít đến tiến độ của dự án. 

Trước đó, một trong những nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ là vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng chủ yếu tại các điểm cục bộ trên địa bàn huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Trong khi đó, đại diện chính quyền thì cho rằng, tại các điểm nghẽn này là do phát sinh, điều chỉnh trong quá trình thi công. Nhiều vị trí trên tuyến đến nay mới được các nhà thầu tiến hành khâu đầu tiên trong quá trình bóc phong hóa, bóc dỡ nền đất yếu. Thậm chí, có những vị trí dự án vẫn đang là đất nông nghiệp nguyên thổ, chưa có bất cứ hoạt động thi công nào.

Nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng: "Trong giai đoạn nền kinh tế còn khó khăn nhưng thời gian qua Chính phủ vẫn nhất quán chủ trương ưu tiên nguồn lực cho đầu tư công. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của các công trình giao thông đối với nền kinh tế xã hội và khẳng định trách nhiệm lớn của các cơ quan ban ngành cũng như doanh nghiệp được giao phó trách nhiệm.

Quan điểm của Chính phủ là đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn công nhưng phải tuyệt đối đảm bảo chất lượng, không để xảy ra tình trạng trục lợi, thâm hụt ngân sách. Do đó, với sự cố vừa qua tại Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ nguyên nhân gốc rễ, xác định vấn đề nằm ở đâu, chủ đầu tư hay nhà thầu thi công... Đó là trách nhiệm với cộng đồng, người dân cả nước và trước hết đối với người dân Nghệ An".


Bất ngờ về nguồn vốn tự có ở đơn vị dự án

Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt khởi công tháng 5/2021, kế hoạch hoàn thành tháng 5/2024, là 1 trong 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 1 triển khai theo hình thức BOT). Dự án dài 49,3km qua địa bàn Nghệ An - Hà Tĩnh, có tổng vốn đầu tư 11.157 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước hơn 6.067 tỷ đồng. Vốn nhà đầu tư hơn 5.090 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 1.023 tỷ đồng, chiếm 20% nguồn vốn BOT.  Tuy nhiên, kế hoạch vốn của nhà đầu tư sau đó không nhất quán!

Thực tế, một trong những nguyên nhân chậm tiến độ dự án là do các liên danh nhà đầu tư chậm trễ trong việc góp vốn. Trong khi đây là những doanh nghiệp xây dựng giao thông vận tải lớn, được giao những dự án trọng điểm quốc gia
. Được biết, Bộ Giao thông Vận tải đã ký kết hợp đồng số 02/HĐ-BGTVT ngày 13/5/2021 với nhà đầu tư (Liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty cổ phần tập đoàn Cienco4 - Công ty TNHH đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Vina2) và doanh nghiệp dự án (Công ty cổ phần đầu tư Phúc Thành Hưng) để triển khai đầu tư dự án.

Theo quy định hợp đồng dự án, nhà đầu tư có trách nhiệm ký kết hợp đồng vay vốn với bên cho vay hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác để huy động phần vốn vay (4.067 tỷ đồng) thực hiện dự án. Trong vòng 6 tháng kể từ ngày hợp đồng dự án được ký kết, trường hợp nhà đầu tư không ký kết được hợp đồng vay vốn đáp ứng yêu cầu về mức vốn vay, điều kiện giải ngân theo quy định để giải ngân vốn cho dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Đầu tháng 2/2022, dự án đã được ký hợp đồng tín dụng với hạn mức được cấp là 3.560 tỷ đồng. Phần vốn còn lại, nhà đầu tư sẽ tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp dự án để đảm bảo đủ vốn BOT là 5.090 tỷ đồng theo quy định hợp đồng (tức vốn nhà đầu tư lên 1.530 tỷ đồng).

Tháng 9/2022, trả lời báo chí, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng Nguyễn Quốc Việt cho biết, vốn chủ sở hữu, hiện nay các nhà đầu tư đã góp vốn hơn 1.038 tỷ đồng vượt số vốn 824,310 tỷ đồng cần phải góp theo kế hoạch năm 2022, đảm bảo đủ vốn đối ứng giải ngân vốn vay và vốn ngân sách.

Khi đó, Phúc Thành Hưng đã giải ngân 780,76 tỷ đồng bằng vốn chủ sở hữu và giá trị hồ sơ nghiệm thu thanh toán đợt 1 các gói thầu xây lắp. Trong khi đó, quá trình thi công dự án, giá các loại vật liệu chính như thép, xi-măng, cát, đá, nhựa đường, xăng dầu... tăng cao; thời tiết mưa nhiều, điều kiện địa chất, thủy văn phức tạp, việc cung ứng vật liệu cát, đất đắp nền đường không thuận lợi, gây nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư.

Nhưng tại báo cáo đầu năm 2023 cho thời điểm kết thúc 31/12/2022, cổ đông lớn Cienco4 Group -  chiếm 15% vốn tại Công ty Phúc Thành Hưng thì nguồn vốn lại tương đối lạ: Phúc Thành Hưng - đơn vị đứng dự án hơn 11.000 tỷ đồng lại được thành lập trước khi khởi công ty dự án khoảng 5 tháng (tính cả thời gian nghị quyết). Và theo nghị quyết cổ đông tháng 6/2022, vốn điều lệ của Phúc Thành Hưng sẽ nâng lên 1.530 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Tập đoàn Cienco4 sẽ nâng lên gần 300 tỷ đồng. Nhưng tại thời điểm 31/12/2022, phần vốn góp của Cienco 4 mới 154,6 tỷ đồng, giá trị phần còn thiếu sẽ được góp đủ trong năm 2023.
 
D2023070514 2

Đến quý I/2023, không thấy Tập đoàn Cienco 4 nói về khoản vốn góp còn nợ tại Phúc Thành Hưng đã được chuyển đi chưa. Cập nhật mới nhất thông tin đăng ký doanh nghiệp tháng 6/2023, vốn điều lệ của đơn vị dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt là 1.072 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/3/2023, Cienco 4 ghi nhận khoản hơn 24 tỷ đồng bên mua trả trước từ Công ty Phúc Thành Hưng. 
 
D2023070514 3
Ảnh chụp màn hình 2023-06-27 125108

Trên thực tế, tại Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, chủ đầu tư - nhà thầu thi công - đơn vị dự án "quanh quẩn là một". Đơn cử như, người đại diện pháp luật CTCP Đầu tư Phúc Thành Hưng là ông Phạm Đình Hạnh, Ngyễn Quốc Việt. Ông Phạm Đình Hạnh, Ngyễn Quốc Việt cũng là người đại diện pháp luật Công ty TNHH Hòa Hiệp. 

CTCP Đầu tư Phúc Thành Hưng có giao dịch đảm bảo hợp đồng số 01/2022/15059756/HĐTC/BOT-DCBV ngày 13/09/2022 với Ngân Hàng TMCP ĐT&PT Việt Nam Chi Nhánh Nghệ An. Tài sảm đảm bảo là toàn bộ các quyền tài sản của Bên bảo đảm phát sinh theo Hợp đồng BOT, (bao gồm nhưng không giới hạn quyền thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ và toàn bộ nguồn thu từ tất cả các trạm thu phí của Dự Án và các quyền tài sản khác phát sinh theo Hợp Đồng BOT); Tất cả máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hàng tiêu dùng, phương tiện vận tải hình thành trong tương lai, và (ii) các hàng hóa khác, động sản khác Bên bảo đảm đầu tư, phục vụ cho Dự Án mà thuộc quyền sở hữu của Bên bảo đảm...

 
D2023070514 4


Cập nhật đến ngày 21/6/2023, CTCP Đầu tư Phúc Thành Hưng có dư nợ tín dụng tại ngân hàng là 791 tỷ đồng. Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chinhánh tỉnh Nghệ An là 302,162 tỷ đồng; tại Ngân hàng TMCP Bắc Á - Chi nhánh Hà Thành hơn 155,5 tỷ đồng; tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ViệtNam - Chi nhánh Nam Nghệ An hơn 111 tỷ đồng; tại Ngân hàng TMCP Bắc Á - Chi nhánh Hà Tĩnh hơn 111 tỷ đồng. CTCP Đầu tư Phúc Thành Hưng cũng có dư nợ tín dụng tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Vinh lần lượt là 44,436 và 66,653 tỷ đồng.

Ngoài khoản vay trên, CTCP Đầu tư Phúc Thành Hưng phải gom tới 50 tài sản đảm bảo. Tính tới 21/6/2023, doanh nghiệp này có khoản cam kết ngoại bảng lên tới 266 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Nghệ An. 

Đáng chú ý, năm 2021, CTCP Đầu tư Phúc Thành Hưng không có dữ liệu để xếp hạng tín dụng do mới thành lập. Tuy nhiên, đến năm 2022, doanh nghiệp này vẫn không có báo cáo tài chính. Tổ chức tín dụng cho rằng, CTCP Đầu tư Phúc Thành Hưng đang có khoản vay rất lớn tại các tổ chức tín dụng nên phải thực hiện công bố thông tin để đánh giá xếp hạng tín dụng.
 
D2023070514 5
Trong quá trình thực hiện dự án nếu nhà thầu không thực hiện đúng các quy định về an toàn kỹ thuật, chất lượng công trình dẫn đến gây thiệt hại lớn cho Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, có các đề nghị, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức có liên quan về chất lượng công trình, tiến độ dự án thì Bộ giao thông vận tải có quyền thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm căn cứ khoản 11 Điều 2 Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ giao thông vận tải được quy định tại Nghị định 56/2022/NĐ-CP ngày 24/08/2022 Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ giao thông vận tải. Việc thanh tra được tiến hành theo quy định của Luật thanh tra năm 2022.
Luật sư Lương Văn Ban


Theo luật sư Lương Văn Ban, VP Luật sư Tinh hoa Việt,dự án Cao tốc Bắc Nam phía Đông là dự án trọng điểm quốc gia nên Quốc Hội đã quyết định cho phép Thủ tướng Chỉnh phủ, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023.

Để cụ thể hoá mục tiêu này ngay sau khi ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 44/2022/QH15 về chủ chương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 Nghị quyết đã giao Chính phủ triển khai, thực hiện Dự án được áp dụng cơ chế chỉ định thầu được quy định tại khoản 3 điều 3 Nghị quyết này.

Để đảm bảo áp dụng linh hoạt chính sách của nhà nước tiến độ, chất lượng dự án Bộ giao thông đã căn cứ năng lực của các nhà thầu trong lĩnh vực giao thông trong những năm gần đây để lập phương án chỉ định đầu trình Chính phủ thông qua. Các nhà thầu được lựa chọn phải đảm bảo có nguồn vốn đảm bảo thi công, đã từng thi công các công trình trọng điểm đạt chất lượng và đảm bảo tiến độ công trình.

Tuy nhiên, qua khảo sát của Bộ giao thông vận tải thì trong 10 năm, chỉ có hai nhà thầu từng thi công các gói thầu trên 3.000 tỷ đồng, có 05 nhà thầu thi công các gói thầu từ 1.600 tỷ đến 2.300 tỷ đồng và có 07 nhà thầu từng thi công các gói thầu từ 1.000 đến 1.500 tỷ đồng còn các nhà thầu còn lại chủ yếu thi công gói thầu dưới 1.000 tỷ đồng. Do đó, mục tiêu của Chính phủ không chia nhỏ gói thầu mà lại muốn có nhà thầu đủ năng lực tạo sự cạnh tranh giữa các nhà thầu thì sự lựa chọn là không nhiều, nhiều nhà thầu còn là sự liên danh của các nhà thầu để cùng thực hiện.

Đối với các nhà thầu đạt tiêu chuẩn sau khi được Chính phủ phê duyệt chấp thuận chỉ định thầu sẽ tiến hành ký hợp đồng thầu với các Ban quản lý dự án. Các nội dung thoả thuận khi thực hiện gói thầu được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, hợp đồng phải bao gồm các nội dung về giá trị gói thầu, khối lượng thi công công trình, chất lượng công trình phải đảm bảo, thời hạn thi công, bảo hành, giá trị gói thầu thi công,…

Trong trường hợp quá trình thi công gặp sự cố như việc gẫy dầm cầu Ban quản lý dự án có quyền kiểm tra quá trình thi công, đề nghị làm rõ nguyên nhân dẫn đến gãy dầm cầu, trường hợp có phát hiện không đảm bảo chất lượng đề nghị nhà thầu thi công thay mới hoặc khắc phục về chất lượng dự án để đảm bảo đúng chất lượng theo hợp đồng giữa nhà thầu và Ban quản lý dự án.

Trường hợp sau khi tiến hành kiểm tra đánh giá và đã có đề nghị nhà thầu khắc phục các lỗi kỹ thuật cũng như tiến độ dự án nếu nhà thầu không khắc phục Ban quản lý dự án báo cáo Bộ giao thông vận tải trình Chính phủ để xem xét chấm dứt hợp đồng thầu với nhà thầu, sau khi hợp đồng bị chấm dứt đối với khối lượng công trình còn lại Bộ giao thông vận tải báo cáo tiến độ với Chính phủ để xem xét chỉ định nhà thầu mới để tiếp tục thực hiện dự án đảm bảo tiến độ đề ra và chất lượng công trình.
Hồng Mến - Hải Yến
Theo Banduong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây