Chồng bí mật gửi ngân hàng nhiều tiền nhưng không may qua đời, vợ có được hưởng?

Thứ tư - 02/10/2024 05:55
Khi người chồng không may qua đời đột ngột, để lại một khoản tiền lớn gửi ngân hàng mà vợ không hề hay biết thì vợ có thể làm thủ tục để nhận được số tiền này không?
Đây là tình huống giả tưởng được nhiều người đặt câu hỏi. 

Trả lời thắc mắc trên, các chuyên gia tư vấn, khi người chồng gửi tiền vào ngân hàng thì lúc này sẽ là người đứng tên sổ tiết kiệm hoặc đứng tên số tài khoản ngân hàng. Theo quy định hiện hành, khi người đứng tên trên sổ tiết kiệm hay số tài khoản chết thì số tiền này sẽ được xem là di sản thừa kế và phân chia theo luật định.

Phân tích cụ thể, luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư TP Hà Nội - cho biết, vấn đề này liên quan đến thừa kế, tài sản chung và quyền lợi của các thành viên gia đình khi người thân qua đời mà không để lại di chúc rõ ràng.

Theo Điều 612 của Bộ luật dân sự 2015 quy định về di sản thừa kế như sau: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác".
 
d2024100202
Người vợ có thể lấy lại số tiền mà người chồng không may qua đời đã bí mật gửi tiết kiệm. (Ảnh minh họa)

Trong trường hợp này, khi người chồng chết mà có lập di chúc thì số tiền đó sẽ được chia theo di nguyện của người chồng ghi trong di chúc. Trong trường hợp người chồng chết mà không để lại di chúc hoặc có để lại di chúc nhưng di chúc có một phần hoặc toàn bộ nội dung vô hiệu theo quy định của pháp luật thì số tiền này sẽ được xem là di sản thừa kế và phân chia theo luật định.

Theo khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, người vợ thuộc hàng thừa kế thứ nhất cùng cha mẹ chồng và con cái và di sản thừa kế đó sẽ được chia đều cho mọi người thuộc hàng thừa kế này. Vì vậy người vợ vẫn có thể được hưởng khoản tiền mà chồng bí mật gửi ngân hàng khi qua đời thông qua việc phân chia di sản thừa kế.

“Để được hưởng khoản tiền này, người vợ cần liên hệ với ngân hàng nơi mở tài khoản, xuất trình các giấy tờ chứng minh mình là vợ hợp pháp của người đã chết, sau đó đề nghị kiểm tra xem chồng mình có mở tài khoản ở đây không. Nếu có, xin cung cấp thông tin về số tài khoản, chi nhánh mở tài khoản nhằm xác minh thông tin”, luật sư Trần Tuấn Anh cho biết.

Sau khi có thông tin từ ngân hàng, để được chia thừa kế số tiền trong ngân hàng, người vợ cần thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế tại các văn phòng công chứng đối với toàn bộ số tiền đang có trong tài khoản.

Việc di sản được chia theo quy định của pháp luật dẫn đến có nhiều đồng thừa kế khác nhau nên những người thừa kế cũng có quyền hưởng di sản là số tiền gửi ngân hàng của người chồng. Vì vậy, cần phải lập thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, trong đó có phần di sản là số tiền trong ngân hàng, và thỏa thuận phân chia di sản cần phải được công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng theo quy định của Luật Công chứng.

Khi đó, tiền gửi tiết kiệm của người chồng là tài sản có trong thời kỳ hôn nhân được coi là tài sản chung của vợ - chồng sẽ là yếu tố cần cân nhắc khi thỏa thuận phân chia di sản.

Sau khi hoàn tất thủ tục phân chia di sản, người vợ hoặc một trong những người thuộc hàng thừa kế có tên trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có thể mang giấy tờ quay lại ngân hàng để rút toàn bộ số tiền và tiến hành phân chia theo văn bản thỏa thuận đã ký kết.

Ngoài ra, luật sư cho biết thêm, cuộc sống hôn nhân và gia đình luôn có nhiều góc khuất, câu chuyện chồng giấu vợ bí mật gửi tiền vào ngân hàng không phải trường hợp hiếm. Có nhiều lý do dẫn đến việc này. Có thể người chồng muốn tạo cho người vợ một điều bất ngờ trong tương lai bằng số tiền gửi tiết kiệm riêng. Hoặc để chuẩn bị cho một kế hoạch tài chính nào đó chưa sẵn sàng công khai.
 
Công Hiếu
Nguồn VTC News
Link gốc : Chồng bí mật gửi ngân hàng nhiều tiền nhưng không may qua đời, vợ có được hưởng? (vtcnews.vn)
 Từ khóa: Ngân hàng, vợ, chồng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây