Tập đoàn Sơn Hải có đơn đề nghị Công an vào cuộc làm rõ việc bị phá biển cam kết bảo hành 10 năm trên tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu. Ảnh: Minh Hoàn
Đơn vị xóa dòng chữ là Khu quản lý đường bộ II, thuộc Cục Quản lý đường bộ Việt Nam, và cho rằng đó là việc làm đúng luật.
Còn về phía Tập đoàn Sơn Hải, lại khẳng định việc gắn chữ bảo hành là đúng.
Tập đoàn Sơn Hải lý giải, ngày 25.10.2022 đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị được bảo hành 10 năm với đoạn cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, trong đó có nội dung “công khai cắm biển bảo hành 10 năm cho người dân tham gia giao thông được giám sát”.
Sau khi nhận được văn bản của Tập đoàn Sơn Hải, Bộ GTVT giao về các chủ đầu tư để ký hợp đồng. Trong đó, nội dung phụ lục hợp đồng nêu: Phụ lục hợp đồng này là cơ sở pháp lý để Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải thực hiện công khai nghĩa vụ bảo hành công trình.
Về thông tin này, cần sự xác nhận từ phía Bộ GTVT. Nếu đúng như lý giải của Tập đoàn Sơn Hải, thì phải xem xét lại việc xóa dòng chữ cam kết mà Khu quản lý đường bộ II đã thực hiện.
Theo Tập đoàn Sơn Hải, 9 biển bảo hành 10 năm được đơn vị tự bỏ kinh phí ra để đầu tư, nằm ngoài khối lượng, giá trị theo hồ sơ thiết kế mà chủ đầu tư đã thanh toán cho đơn vị. Do đó, khi nghiệm thu bàn giao cho chủ đầu tư không có 9 biển báo này, vậy nên hạng mục này không phải là tài sản của nhà nước.
Cũng có ý kiến cho rằng, Luật Giao thông đường bộ quy định không được gắn vào công trình báo hiệu đường bộ nội dung không liên quan tới ý nghĩa và mục đích của công trình báo hiệu đường bộ.
Ngoài ra, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019 về báo hiệu đường bộ, biển báo hiệu không quy định ghi thời gian bảo hành công trình. Còn Luật Xây dựng cũng không quy định việc phải gắn biển cam kết bảo hành trên công trình xây dựng.
Phía Tập đoàn Sơn Hải có ý kiến, biển bảo hành 10 năm của Tập đoàn Sơn Hải có thêm thông tin của dự án như tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu, tên dự án. Các biển đó không phải là biển báo hiệu giao thông của Nhà nước, do vậy không thể xem đây là biển báo giao thông.
Trước những tranh luận giữa các bên, cần có sự vào cuộc của Bộ GTVT, căn cứ vào các quy định của pháp luật để giải quyết phù hợp.
Tuy nhiên, cần nói thêm rằng, đúng ra khi phát hiện các biển có dòng chữ cam kết bảo hành 10 năm của Tập đoàn Sơn Hải, Khu quản lý đường bộ II phải có văn bản yêu cầu các bên làm rõ, có sự tham gia của các cơ quan quản lý và đại diện doanh nghiệp.
Việc xử lý xóa bỏ hay để nguyên dòng chữ cam kết căn cứ vào kết luận chính thức mới nghiêm túc và thuyết phục.
Theo Lê Thanh Phong Lao động
Link gốc:
Bộ GTVT cần trả lời về biển bảo hành của Tập đoàn Sơn Hải