Ảnh minh họa.
Theo số liệu của Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 vừa được Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) vừa công bố, trong giai đoạn 2017 – 2023 (trừ thời gian dịch bệnh Covid-19), di cư lao động tiếp tục là loại hình di cư chủ yếu của Việt Nam.
MỞ RỘNG THÊM NHIỀU THỊ TRƯỜNG MỚI
Với gần 860.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong 5 năm, tương đương với hơn 100.000 người được đưa đi hằng năm, đây là mức mà Việt Nam bắt đầu đạt được kể từ năm 2014, duy trì mỗi năm tăng thêm khoảng 10.000 người được đưa ra nước ngoài làm việc.
Trong các năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài giảm mạnh, chỉ đạt hơn 78.600 người vào năm 2020, và hơn 45.000 người vào năm 2021.
Tuy nhiên, sau khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa trở lại sau dịch bệnh từ ngày 15/3/2022, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng lên gần 142.800 người vào năm 2022, và đạt gần 160.000 người trong năm 2023, đánh dấu sự hồi phục mạnh mẽ của dòng di cư lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Nhìn chung, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài những năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Các thị trường tiếp nhận nhiều người lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng là Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong đó, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản là hai thị trường luân phiên tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất. Trong giai đoạn 2017 – 2023, Nhật Bản có 5 năm ở vị trí số 1 về tiếp nhận lao động Việt Nam, đó là các năm 2018, 2019, 2020, 2022, và 2023; Đài Loan (Trung Quốc) có 2 năm xếp vị trí đầu tiên (2017, 2021).
Người lao động Việt Nam chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo, như cơ khí, may mặc, giày da, lắp ráp điện tử (chiếm 80%); còn lại trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ (giúp việc gia đình, chăm sóc người già, người bệnh…). Họ được đánh giá nhanh nhẹn, thông minh, chăm chỉ, chịu khó.
Hiện nay, mức lương, thu nhập tại thị trường Hàn Quốc là cao nhất, khoảng 1.600 – 2.000 USD/người/tháng. Còn tại Nhật Bản, người lao động có thu nhập 1.200 – 1.500 USD/người/tháng. Ở Đài Loan (Trung Quốc), người lao động có thu nhập khoảng 800 – 1.200 USD/người/tháng, và một số quốc gia châu Âu có mức thu nhập tương tự.
Ở thị trường Trung Đông và Malaysia, nếu người lao động có tay nghề, thu nhập khoảng 600 - 1.000 USD/người/tháng, đối với lao động phổ thông, thì thu nhập từ 400 - 600 USD/người/tháng.
Bên cạnh các thị trường lao động truyền thống có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), thời gian qua, thị trường tiếp nhận lao động còn mở rộng ra các điểm đến mới như Australia, New Zealand, Đức, Hunggari, Hy Lạp.
Thống kê các điểm đến của người lao động Việt Nam trong năm 2023, cho thấy sự đa dạng của các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam, từ Đông Bắc Á truyền thống, đến một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, và một số quốc gia châu Âu (Hunggari, Rumani, Ba Lan).
Di cư du học cũng có mức tăng tương tự. Mặc dù đến nay chưa có số liệu chính xác nhưng con số ước tính hiện đạt trên 250.000 người, chủ yếu tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), Canada, Trung Quốc, Anh, Đức.
Dù không có số liệu chính thức, nhưng ước tính có đến 70 - 80% du học sinh đi học tự túc không về nước sau khi học xong, mà ở lại nước ngoài để làm việc với thu nhập cao, chế độ đãi ngộ tốt hơn.
NGHỆ AN DẪN ĐẦU VỀ SỐ LAO ĐỘNG RA NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC
Đóng góp vào việc thúc đẩy số lượng lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc có sự tham gia tích cực của các địa phương. Theo số liệu của Bộ Ngoại giao (57/63 địa phương có báo cáo), trong năm 2021, 20 địa phương có trên 500 lao động đi nước ngoài làm việc, 19 địa phương có từ 100 - 492 người lao động, và 18 địa phương có dưới 100 người lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài.
Kiếm tra việc tổ chức kỳ thi tiếng Hàn để tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc. Ảnh: MOLISA.
Nếu xét theo nơi đi là các vùng kinh tế của Việt Nam, thì có thể thấy dẫn đầu trong nhóm 20 địa phương nêu trên là vùng đồng bằng sông Hồng, gồm 7 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình và Hải Phòng, với hơn 32.600 người lao động.
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 5 tỉnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị ) có nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, với gần 25.600 người.
Trong đó, địa phương có số người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhiều nhất là Nghệ An. Đây cũng là tỉnh dẫn đầu số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023.
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 3 tỉnh trong số 20 địa phương có nhiều người lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng, gồm Bắc Giang, Phú Thọ và Thái Nguyên.
Vùng Tây Nguyên có Gia Lai và Đắk Lắk trong danh sách 20 địa phương dẫn đầu. Vùng Đông Nam Bộ chỉ có TP.HCM, và vùng đồng bằng sông Cửu Long có 2 tỉnh nằm trong danh sách này là Đồng Tháp và Vĩnh Long.
Ngoài Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng là những đô thị lớn có đông người nhập cư và có điều kiện thuận lợi để tham gia thị trường lao động quốc tế, phần lớn các địa phương còn lại là các tỉnh có nhiều lao động thất nghiệp trong độ tuổi thanh niên.
Mức thu nhập bình quân đầu người một tháng tại các địa phương này trong năm 2021 đều dưới mức trung bình của cả nước (4,205 triệu đồng). Đây cũng là các địa phương có tỷ suất di cư thuần trong nước âm, có nghĩa nhiều người xuất cư khỏi tỉnh hơn là người nhập cư.
Hồ sơ Di cư Việt Nam là công cụ chính sách quan trọng, góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật Việt Nam về di cư quốc tế trên các lĩnh vực như di cư lao động, du học, hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài, cho nhận con nuôi có yêu tố nước ngoài phòng, chống tội phạm mua bán người....
Qua đó, hướng đến xây dựng cơ chế quản lý di cư quốc tế, trên cơ sở phối hợp, chia sẻ thông tin hiệu quả giữa các Bộ, cơ quan hữu quan, có sự hợp tác chặt chẽ với các nước, các đối tác tham gia quá trình di cư, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư, và củng cố các mặt tích cực của di cư đối với phát triển bền vững.