Thị trường chứng khoán khép lại phiên giao dịch cuối tuần (21/6) với diễn biến trái chiều của hai chỉ số. Trong khi VN-Index vẫn giữ được trạng thái tăng điểm trong toàn bộ thời gian phiên giao dịch thì HNX-Index lại mất điểm vào phiên chiều.
Kết phiên, VN-Index nhích nhẹ 0,02 điểm lên 959,2 điểm trong khi HNX-Index giảm 0,21 điểm tương ứng 0,2%.
Áp lực bán ra khá mạnh tuy nhiên vẫn có tới 323 mã tăng giá và 67 mã tăng trần trên quy mô toàn thị trường, nhỉnh hơn so với số lượng các mã giảm giá (303 mã giảm và 36 mã giảm sàn).
Phiên này, VNM tăng giá tốt đã đóng góp đáng kể cho VN-Index, giúp chỉ số tăng 1,14 điểm. SAB, MSN, CTG, GAS cũng góp phần hỗ trợ cho chỉ số. Chiều ngược lại, VIC lại lấy đi của VN-Index gần 1,5 điểm và tác động từ mức giảm của VCB là 0,55 điểm. VRE, PLX, BVH, HVN… cũng sụt giá và gây ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số chung.
Do đây là phiên giao dịch cuối cùng để các quỹ ETF cơ cấu lại danh mục, do đó thanh khoản trên thị trường được cải thiện đáng kể. Khối lượng giao dịch trên HSX được đẩy mạnh lên 206,13 triệu cổ phiếu tương ứng 5.445,1 tỷ đồng; con số này trên HNX là 21,66 triệu cổ phiếu tương ứng 317,86 tỷ đồng.
Cổ phiếu VIC của Vingroup phiên cuối tuần bị giảm 1.500 đồng tương ứng 1,3% còn 114.500 đồng/cổ phiếu. Trước đó, mã này có 2 phiên tăng vào 19/6 và 20/6.
Liên quan đến tập đoàn này, theo thông tin được Chủ tịch Vinfast - bà Lê Thị Thu Thuỷ chia sẻ tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Asean Bloomberg (Bloomberg Asean Business Summit) vừa diễn ra tại Bangkok trong ngày 21/6 thì hãng xe này hiện đang kinh doanh không có lợi nhuận, thậm chí là chịu lỗ với những sản phẩm đầu tiên mới ra mắt vừa qua.
Theo đó, việc Vinfast tung ra thị trường những chiếc xe hatchback với thương hiệu Fadil đang được bán với mức giá 393,9 triệu đồng (tương đương 16.950 USD) hiện nay đang không mang lãi về cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Vinfast cũng giới thiệu hai dòng xe khác với mức giá 990 triệu đồng (sedan) và 1,415 tỷ đồng (SUV).
Lãnh đạo Vinfast cũng cho biết, hãng xe này sẽ đi từ thị trường nội địa trong bối cảnh sở hữu xe của người dân tại thị trường Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ bằng 10% Thái Lan. Vinfast đánh giá, Việt Nam là thị trường có tiềm năng khổng lồ. Theo số liệu của VAMA, tiêu thụ ô tô tại Việt Nam đã tăng 16,3% so với cùng kỳ trong tháng 5 vừa qua.
Theo ghi nhận của VDSC, trong phiên này, ngành bất động sản đã đánh mất 1,97 điểm (0,21%) của VN-Index, còn lại các ngành như thực phẩm và đồ uống (2,33 điểm), điện nước (0,25 điểm) và bán lẻ (0,08 điểm) góp phần tích cực cho chỉ số VN-Index. Các ngành chính còn lại như ngân hàng, dịch vụ tài chính, dầu khí… không gây ảnh hưởng nhiều trong phiên cuối tuần.
Do ảnh hưởng từ hoạt động cơ cấu ETF, hôm qua khối ngoại bán ròng 351,2 tỷ đồng trên sàn HSX; áp lực bán tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu bị loại khỏi danh mục như STB (130,8 tỷ đồng), DPM (90,8 tỷ đồng), HNG (44,5 tỷ đồng)…
Trên sàn HNX, mua ròng nhẹ 227 triệu đồng, tập trung ở cổ phiếu PVS (1,2 tỷ đồng), DGC (745 triệu đồng). Trên sàn UPCoM cũng mua nhẹ 5,83 tỷ đồng, tập trung ở cổ phiếu ACV (6,4 tỷ đồng).
Sau ngày chốt danh mục quý 2 của các quỹ ETF, điểm số của VN-Index không biến động nhiều,
xu hướng đi ngang là chủ đạo trong thời gian tới. Các nhà đầu tư đang tập trung vào kết quả của cuộc họp cuối tháng 6 giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu của thế giới: Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tác giả bài viết: Mai Chi
Nguồn tin: Dân trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn