Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong đó quy định: "Chi phí sản xuất kinh doanh bao gồm cả khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị".
Bên cạnh đó là các khoản chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác.
Tuy nhiên, dự thảo của Bộ Tài chính cũng quy định, tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 1 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của EVN.
Liên quan đến việc quản lý và sử dụng vốn, theo bản dự thảo Quy chế, EVN được quyền huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để đáp ứng nhu cầu vốn của EVN và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn huy động, hoàn trả đầy đủ cả gốc và lãi vay cho chủ nợ mà EVN đã cam kết.
Việc huy động vốn của EVN phải đảm bảo hệ số nợ phải trả (bao gồm cả các khoản bảo lãnh vay vốn đối với công ty con của EVN) trên vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của EVN tại thời điểm gần nhất với thời điểm huy động vốn không vượt quá 3 lần.
"EVN không được huy động vốn để đầu tư vào các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, bất động sản, tài chính" - bản dự thảo nêu rõ.
EVN có trách nhiệm quản lý sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn có hiệu quả. Phải báo cáo kịp thời cho chủ sở hữu, Bộ Tài chính về việc doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, không đảm bảo khả năng thanh toán, không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ do chủ sở hữu giao hoặc trường hợp sai phạm khác để thực hiện giám sát theo quy định.
Với những khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi, EVN có trách nhiệm xử lý bồi thường của cá nhân, tập thể có liên quan, số còn lại được bù đắp bằng khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi. Nếu còn thiếu thì hạch toán vào chi phí kinh doanh của EVN.
Nợ phải thu không có khả năng thu hồi sau khi xử lý như trên, EVN vẫn phải theo dõi và tổ chức thu hồi. Số tiền thu hồi được hạch toán vào thu nhập của EVN.
"Trường hợp quản lý nợ dẫn đến thất thoát vốn chủ sở hữu hoặc bán nợ mà dẫn tới EVN bị thua lỗ, mất vốn, hoặc mất khả năng thanh toán, dẫn đến tình trạng EVN phải giải thể, phá sản thì Hội đồng thành viên và người có liên quan trực tiếp đến việc phát sinh các khoản nợ này phải bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật và Điều lệ của EVN"- bản dự thảo Quy chế nêu rõ.
Mặc dù mới được đưa lên trang web của Bộ Tài chính chiều qua, nhưng bản dự thảo quy chế này cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý, tranh luận của người dân. Phần lớn ý kiến đề không đồng tình việc đưa các khoản chi phúc lợi như hiếu, hỷ vào chi phí sản xuất, kinh doanh của EVN. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, các chi phí hỗ trợ đi lại, nghỉ mát cũng có thể chấp nhận được vì đây cũng là quy định đã áp dụng ở nhiều doanh nghiệp khác, kể cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
Bản dự thảo Nghị định ban hành Quy chế quản lý tài chính của EVN được đăng tải trên website của Bộ Tài chính và lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, ban ngành như Kiểm toán Nhà nước; Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp...
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn