Trạm thu phí gây nhiều bức xúc

Thứ ba - 06/06/2017 21:50
Việc người dân chặn đầu cầu Bến Thủy 1 gây cản trở giao thông là sai. Tuy nhiên, cần bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người dân và chủ đầu tư khi thu phí BOT

Khoảng 9 giờ ngày 5-12, hơn 60 người cùng hơn 30 ô tô đã đậu xếp hàng dài phía đầu cầu Bến Thủy 1 (thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) để phản đối việc đặt trạm thu phí tại cầu Bến Thủy 1.

Không có đối tượng xấu xúi giục

Sau khoảng 1 giờ đứng ở đầu cầu, 20 người mang theo các băng rôn đi bộ qua cầu vào khu vực trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 để yêu cầu làm rõ việc thu phí và đặt trạm thu phí.

Không đồng tình với việc trả lời của ông Võ Nghệ Sỹ, Giám đốc Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh, nhiều người vẫn “bao vây” trạm thu phí cầu Bến Thủy 1. Đến gần 12 giờ cùng ngày, người dân mới đi về.

“Nhà tôi ở huyện Nghi Xuân, hằng ngày đi ô tô sang TP Vinh, tỉnh Nghệ An làm việc. Tôi không hề đi trên đường tránh TP Vinh và Quốc lộ (QL) 1 do Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) làm chủ đầu tư nhưng vẫn phải trả tiền phí BOT khi qua cầu Bến Thủy 1. Thật quá vô lý!” - một người dân bức xúc.

Việc người dân dàn hàng ngang trên cầu Bến Thủy 1 để phản đối việc thu phí đã kéo dài liên tiếp 3 ngày qua khiến giao thông qua đây bị ùn tắc cục bộ. Trung tá Nguyễn Quang Thành - Trưởng Công an huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - cho biết nguyên nhân do người dân bức xúc vì không đi trên đường BOT nhưng hằng ngày qua cầu vẫn phải đóng phí. Trung tá Thành khẳng định không hề có chuyện họ bị các đối tượng xấu đứng đằng sau kích động, xúi giục. Khi nhận được thông tin, công an huyện đã có mặt tuyên truyền, vận động người dân ra về, không được cản trở giao thông.

Kiến nghị dời trạm thu phí

Trạm thu phí Bến Thủy 1 nằm ngay phía Bắc cầu thuộc địa phận TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Trạm đi vào hoạt động từ năm 2005. Đến tháng 11-2012, khi cầu Bến Thủy 2 hoàn thành (cách cầu Bến Thủy 1 khoảng 500 m), thêm một trạm thu phí nữa được lập ra tại khu vực này. Hai trạm thu phí trên do Cienco 4 xây dựng nhằm thu hồi vốn BOT tuyến đường tránh TP Vinh; dự án nâng cấp, mở rộng QL 1 đoạn Nam cầu Bến Thủy đến đường tránh TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh; dự án cầu vượt QL 46 với đường sắt Bắc - Nam; tiểu dự án cầu vượt QL 8B (cũ) với QL 1; dự án cầu đường bộ Yên Xuân. Tổng mức đầu tư cho các dự án này khoảng hơn 4.200 tỉ đồng.

Người dân đã chặn cầu Bến Thủy 1 liên tiếp nhiều ngày Ảnh: HẢI VŨ

Do trạm thu phí nằm ngay chân cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2 (hai cầu này được đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách) nên tất cả phương tiện lưu thông qua đây đều phải mua vé. Cụ thể, phương tiện giao thông của người dân các huyện Đức Thọ, Hương Sơn, Vũ Quang, Can Lộc, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đi ra TP Vinh, thị xã Cửa Lò (Nghệ An), các tỉnh phía Bắc và ngược lại không đi trên tuyến đường, cầu do Cienco 4 đầu tư xây dựng vẫn phải đóng phí.

Do những bất cập trên, tháng 8-2016, chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản đề nghị Cienco 4 dời trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2 về vị trí phù hợp với việc thu phí các dự án BOT.

Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, nếu người dân không sử dụng dịch vụ mà bắt họ phải đóng phí là quá vô lý, phản cảm. Do đó, ông Liên đề nghị cơ quan quản lý và chủ đầu tư cần xem xét xóa bỏ 1 trong 2 trạm thu phí BOT này.

Không có sự lựa chọn

Theo Kiểm toán Nhà nước, tính đến tháng 7-2016, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã huy động được hơn 212.000 tỉ đồng cho các dự án giao thông thực hiện theo hình thức BOT. Tuy nhiên, không ít dự án được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo nên người dân không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải mua vé qua trạm thu phí.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy chỉ tính trên các tuyến QL, có tới 32/88 trạm thu phí không bảo đảm khoảng cách tối thiểu 70 km.

Trong điều kiện ngân sách nhà nước cũng như các nguồn lực đầu tư hạ tầng còn hạn hẹp thì việc thực hiện đầu tư các dự án BOT là rất cần thiết. Song vấn đề đặt ra là cần có cách thức lựa chọn công trình, quản lý, tăng cường tính minh bạch, từ đó không chỉ nâng cao hiệu quả đầu tư mà còn bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư với người dân, doanh nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa công bố số liệu cho thấy hiện cả nước có 96 trạm thu phí BOT, quy hoạch đến năm 2020 tăng lên 102 trạm và đến năm 2030 sẽ là 121 trạm. Tuy nhiên, thời gian qua, việc đầu tư, xây dựng và khai thác các công trình BOT đã gây ra nhiều bức xức trong nhân dân.

Trước ý kiến về việc nhà nước mua các trạm thu phí BOT để giúp người dân đi lại thuận lợi hơn, tại buổi tọa đàm về minh bạch thu phí dự án BOT giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng đặt vấn đề này hiện nay là hơi sớm. Nhưng về mặt chủ trương, bộ đã kiến nghị Chính phủ khi bình quân đầu người tương đương với các nước trong khu vực (tức là đạt từ 10.000-15.000 USD/người/năm) thì mới tính đến việc nhà nước mua lại trạm BOT.

Trong khi đó, ông Vũ Khắc Liêm - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính - cho rằng ngân sách nhà nước đang rất khó khăn nên Chính phủ có chủ trương thu hút mọi nguồn lực của xã hội để xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ theo các hình thức, trong đó có hình thức BOT. “Nếu chúng ta đặt ra vấn đề nhà nước mua lại các trạm BOT trong bối cảnh hiện nay thì ngân sách nhà nước sẽ càng khó khăn thêm và nợ công càng tăng cao”.

Theo ông Bùi Danh Liên, dù nhà nước chưa thể mua lại trạm BOT nhưng trong thẩm quyền của mình, Bộ GTVT và Bộ Tài chính có thể xem xét để giảm mức phí qua trạm bằng cách kéo dài thời gian thu để giảm bớt gánh nặng cho dân và doanh nghiệp vận tải.

Mức phí không phù hợp

Hiện nay, giá vé tại trạm thu phí Bến Thủy đối với xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe khách công cộng là 40.000 đồng/lượt; xe từ 12-30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn là 55.000 đồng/lượt khi lưu thông qua trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2. Các loại xe còn lại có mức phí bằng các trạm thu phí BOT khác trên QL 1.

Trước đó, vào tháng 12-2015, tỉnh Nghệ An đã có văn bản gửi Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Cienco 4 đề nghị kiểm tra, xem xét điều chỉnh giảm mức phí đối với phương tiện giao thông của người dân sinh sống 2 bên cầu Bến Thủy thuộc TP Vinh (Nghệ An) và huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vì mức thu phí của trạm thu phí Bến Thủy là cao, không phù hợp với thu nhập của người dân.

 
Theo
Nld.com.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây