Hà Tĩnh: Tích nước để kiểm định, Thủy điện Hố Hô vẫn còn nhiều việc phải làm

Thứ ba - 06/06/2017 21:51
Sau 2 năm kể từ khi xảy ra các sự cố trong trận lũ lịch sử năm 2010, đến nay, công tác sửa chữa đập và các hạng mục liên quan đến an toàn Đập thủy điện Hố Hô đã hoàn thành. Với việc UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa cho phép chủ đầu tư tích nước hồ lên cao trình +65m phục vụ thử tải, kiểm tra, đánh giá chất lượng sửa chữa cửa van, cơ khí thủy công, tua-bin, nhất là vấn đề thấm thân đập.
Nhà máy Thủy điện Hố Hô đang nắm trong tay cơ hội để chạy thử có tải trước khi trình Bộ chủ quản cấp phép hoạt động. Song, đồng thời với quá trình tích nước, chủ đầu tư dự án còn phải hoàn thiện không ít việc...

Hú vía Hố Hô!

Báo cáo của chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Hố Hô là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Điện miền Bắc 1 (Công ty NEDI1) cho thấy, đến thời điểm này, đơn vị đã hoàn thành gia cố vai phải và vai trái đập; khoan phụt gia cố thân đập và khoan phụt xử lý chống thấm hai vai đập và lỗ rò cục bộ; cung cấp thiết bị cơ điện cho Nhà máy; khắc phục sửa chữa 2 máy biến áp 9.000kVA-6,3/38,5kV; cung cấp tủ đóng cắt; thi công đường dây xuất tuyến và lắp đặt thiết bị điện Trạm biến nâng áp 35kV; sửa chữa máy biến áp 400kVA-35/0,4kV; khắc phục hệ thống quan trắc; hệ thống thông tin liên lạc; khơi thông dòng chảy, gia cố kè bờ sông dọc đường vào Nhà máy thủy điện…

2 năm qua, chủ đầu tư phải chi nhiều chục tỷ đồng để khắc phục các sự cố mất an toàn đập kể từ trận lũ lịch sử năm 2010

Về thiết bị cơ khí thủy công, chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Hố Hô đã hoàn thành bảo dưỡng cầu trục, lắp đặt thiết bị đóng mở cửa nhận nước, sửa chữa van cung và thay thế các thiết bị kém chất lượng. Trạm biến áp OPY được di chuyển đến vị trí mới đảm bảo an toàn trong mọi tình huống mưa lũ, hệ thống đóng cắt, bảo vệ được thay bằng tủ hợp bộ.

Liên quan đến công tác bồi thường, GPMB lòng hồ, hiện chủ đầu tư dự án đã hoàn thành bồi thường, hỗ trợ đối với đất lâm nghiệp do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A quản lý và toàn bộ phần đất của các hộ dân đến mốc 68; đang tập trung xử lý phần đất do UBND xã Hương Liên quản lý và phần đất của các hộ dân từ mốc 68 đến mốc 72 (phần diện tích này đã được Trung tâm Kỹ thuật địa chính và Công nghệ thông tin - Sở TN&MT Hà Tĩnh đo đạc).

Theo ông Nguyễn Phi Hoằng - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh, qua kiểm tra, theo dõi cũng như dựa trên kết quả thực hiện khắc phục bão lụt của chủ đầu tư, báo cáo của đơn vị tư vấn kiểm định độc lập là Văn phòng Tư vấn Thẩm định thiết kế và Giám định Chất lượng công trình (Trường Đại học Thủy lợi), Sở Công thương nhận thấy, công trình Thủy điện Hố Hô đảm bảo điều kiện để tích nước đến cao trình +65 để thử tải, kiểm tra, đánh giá chất lượng sửa chữa cửa van, cơ khí thủy công và tua - bin…

Tuy nhiên, theo báo cáo của đơn vị tư vấn thì chủ đầu tư còn phải bố trí vốn để thi công lưới ngăn gỗ, rác phòng vệ đập; khoan phụt bịt toàn bộ các khe nhiệt bằng vữa xi măng M200; sửa chữa và lắp đặt mới các thiết bị quan trắc đập; thi công tường bê tông số 3, số 4 và khối đắp gia tải vai bờ trái đập; thi công gia cố hố chống khoét sâu hố xói sau đập tràn; sửa chữa đường vào Nhà máy, kè bờ sông hạ lưu; tháo, kiểm tra, vệ sinh, bảo dưỡng, lắp đặt cửa vận hành và cửa sữa chữa (sau khi Nhà máy vận hành đi vào phát điện.

Cũng theo lãnh đạo Sở Công thương Hà Tĩnh, thực hiện các quy định về quản lý vận hành hồ đập, nhà máy thủy điện, đến tháng 10/2012, tuy Công ty CP Đầu tư và Phát triển Điện miền Bắc 1 đã thành lập BCH PCLB, phương án PCLB vùng hạ du, phương án bảo vệ đập (do UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt), nhưng lại chưa xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền của Hà Tĩnh phê duyệt phương án PCLB đảm bảo an toàn đập, phương án cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi hành lang bảo vệ hồ chứa, phương án phòng cháy chữa cháy…

Nhà máy Thủy điện Hố Hô có công suất thiết kế 14MW, với tổng mức đầu tư 392 tỷ đồng, đưa vào sử dụng tháng 4/2010. Hồ chứa thủy điện Hố Hô có dung tích 38 triệu m3 nước, cao trình đập 72 m...Trận lũ lịch sử tháng 10/2010, công trình thủy điện Hố Hô gặp sự cố về vận hành cống xả lũ làm mực nước hồ vượt trên đỉnh đập lúc cao nhất khoảng 1,5m, có nguy cơ gây vỡ đập; nhiều hạng mục công trình, nhất là hệ thống điện bị hư hỏng nặng...

Được biết, để được tích nước đến cao trình cho phép như đã nói trên, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Điện miền Bắc 1 phải có cam kết bằng văn bản đảm bảo an toàn tuyệt đối đối với người, tài sản vùng hạ du và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra sự cố liên quan đến quá trình tích nước.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu chủ đầu tư xây dựng kế hoạch tiến độ và các nội dung công việc cụ thể khi tích nước, đồng thời lập các phương án và chuẩn bị các điều kiện để kịp thời ứng phó với những sự cố có thể xảy ra; nếu xảy ra bất kỳ sự cố nào mất an toàn thì Công ty TEDI1 phải ngừng ngay việc tích nước, chịu trách nhiệm khắc phục sự cố kịp thời và bồi hoàn toàn bộ thiệt hại do sự cố gây ra cho người và tài sản vùng hạ du.

Công ty TEDI1 cũng phải phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND huyện Hương Khê, UBND các xã trong vùng bị ảnh hưởng thông báo rộng rãi, công khai cho nhân dân biết về quá trình tích nước. Đặc biệt, lãnh đạo Công ty, cán bộ kỹ thuật và các bộ phận kiểm tra, giám sát có liên quan và lực lượng trực ứng cứu phải tổ chức trực liên tục tại hiện trường 24/24h để kiểm tra, theo dõi và xử lý những phát sinh trong quá trình tích nước, kiểm định, đánh giá chất lượng công trình...

Theo Báo Hà Tĩnh

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây