Ảnh minh họa |
Một người trong số họ tiết lộ: "Bình quân em chỉ được 100.000 USD/tháng thôi!".
Từ quan sát của mình, ông Huỳnh Kim Tước cho biết thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang rất sôi động và có nhiều dấu hiệu rất tích cực. Cụ thể, những chỉ số của Facebook cho thấy Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 7 đến 8 trên bảng tổng sắp và nếu trừ đi số ngày lễ, tết, chỉ số này còn có thể tăng hơn.
“Mặt bằng chung, Việt Nam không thể tham gia được vào các nước G7, nhưng nếu là Internet và Online thì chúng ta có thể đi tắt đón đầu và nhảy cóc. Nước ngoài họ cũng nhận xét là như vậy, nhưng hiện tại Việt Nam vẫn chưa tận dụng được cơ hội đó”, ông Tước nói.
Đại diện của Facebook cho rằng Việt Nam đang ở thời kỳ “thiên thời địa lợi” với dân số vàng. Bởi lẽ, giới 8X, 9X đủ trẻ để tiếp nhận và cũng đủ già để cảm nhận được những sự chuyển biến của Internet, đó là điều tốt. Tuy nhiên, ông cũng đánh giá những người trẻ này đang sử dụng nó nhiều khi tiêu cực.
“Hai nhà đồng sáng lập ra Google từng là hacker. Thời đi học, họ đã hack hệ thống server trường. Đơn giản, họ có tài năng nhưng chưa có sân khấu để diễn. Việt Nam cũng đang trong trạng thái đó”, ông Huỳnh Kim Tước cho biết.
Trong buổi tọa đàm, ông cũng kể một câu chuyện mà theo ông là nửa buồn, nửa vui về thế hệ trẻ Việt Nam trong thời đại công nghệ thông tin bùng phát.
Ông cho biết trong một lần trò chuyện với một bạn trẻ Việt Nam hoạt động sôi nổi trên Facebook, ông đã hỏi vui một câu về thu nhập một tháng của cậu.
“Không nhiều bằng tháng trước”, bạn này nói, “bình quân em chỉ được 100.000 USD/tháng thôi”.
“Anh chàng này mới chỉ 19 tuổi”, ông Tước cười nói. Đó là niềm vui với ông, bởi tính toán trên nền dữ liệu ông thu thập được, hiện có khoảng 50 triệu phú đô la như cậu chàng trên, và trong tương lai, số này sẽ tăng gấp đôi, đạt 100 người.
Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ, vui đó rồi lại buồn đó bởi không ai trong số những người trẻ trên muốn công khai danh tính, muốn chia sẻ câu chuyện, truyền cảm hứng cho cộng đồng.
“Họ không hề ngại về vấn đề nộp thuế. Cậu bạn 19 tuổi kia chỉ bảo, đăng ký rồi thì sẽ có chuyện gì xảy ra, em không muốn mỗi tuần đều có người đến nhà hỏi thăm em. Cái đó không rõ ràng, nhưng nó tồn tại, các em đã mơ hồ nhận ra cái gì đó, khiến bản thân e sợ”, đại diện Facebook phân tích.
Một câu chuyện khác ông Tước dẫn ra là việc Singapore trong tuần vừa qua đã đầu tư thêm 2 tỷ USD để nâng cấp hệ thống quản lý hỗ trợ các bạn trẻ làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và thương mại điện tử.
“Họ đầu tư tức là họ mang giải pháp kinh doanh để giải quyết khó khăn. Việt Nam mình thì dùng giải pháp chính sách với thông tư này, nghị định kia. Đấy là sự khác biệt!”, đại diện Facebook Huỳnh Kim Tước nói.
Đức Minh
Theo Tri thức trẻ
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn