Tàu cá nằm bờ chờ… ngư dân

Thứ tư - 07/06/2017 14:12
Nhiều con tàu sau khi đóng mới tiêu tốn hàng tỉ đồng nhưng đành phải nằm bờ vì chủ tàu không tìm được ngư dân để ra khơi


Chưa năm nào các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ lại khan hiếm lao động nghề biển gay gắt như năm nay, nhất là ngư dân đánh bắt xa bờ. Nhiều chủ tàu phải đến các tỉnh, thành khác tìm bạn chài đi cùng.

Trầy trật tìm người đi biển

Sau chuyến đi biển, ông Lương Công Xuyên (chủ tàu PY-90144-TS; ngụ phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) liên tục gọi điện thoại cho bạn tàu (ngư dân đi khai thác cá trên tàu) để chuẩn bị ra khơi. Phần lớn các cuộc gọi đều không liên lạc được.

Tàu cá nằm bờ ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình do thiếu lao động Ảnh: MINH TUẤN

“Hôm chia tiền chuyến biển, tôi đã sợ nên phần anh em được hưởng của chuyến biển, tôi đã cho anh em mượn trước mỗi người 3 triệu đồng. Thế nhưng rồi vẫn vậy đó. Đang mùa đánh bắt cá ngừ đại dương mà như vầy không biết phải làm sao” - ông Xuyên than thở.

Sau hơn 20 ngày tìm kiếm, đến sáng 27-2, ông Xuyên mới có được 6 người chưa một lần đi biển từ các huyện thuần nông Tây Hòa và Phú Hòa (Phú Yên) để đi bạn. Trước khi ra khơi, ông Xuyên còn phải vay mượn 18 triệu đồng để 6 lao động này tạm ứng trước gửi về gia đình.

Ông Phan Thuẫn - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa - cho biết hàng loạt tàu cá của nghiệp đoàn này đang nằm bờ vì không có lao động ra khơi. Chỉ trong vòng 1 tháng đã có 5 tàu cá trong nghiệp đoàn bị bán vì đang vào vụ nhưng không có người đi biển.

Do thiếu lao động nên nhiều tàu câu cá ngừ đại dương theo cách câu vàng (câu truyền thống) cần nhiều lao động đều phải chuyển sang câu đèn (câu tay) ít lao động hơn, dù phải chấp nhận chất lượng không bằng và bán giá thấp hơn.

“Tàu cá nào không cho mượn tiền trước thì xem như chẳng có bạn để ra khơi. Nhiều tàu đã cho bạn mượn tiền rồi thì họ biến mất, tắt các thiết bị liên lạc, lên Tây Nguyên làm thuê nên chủ tàu đã không có bạn đi biển” - ông Thuẫn kể chính mình cũng bị như vậy.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Quảng Bình.

Ông Lê Giáp (ngụ thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) là chủ 2 tàu cá làm nghề dịch vụ thu mua, trong đó tàu đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ có công suất 820 CV vừa mới hạ thủy. “Bữa nay lao động khan hiếm hơn nên tôi phải chấp nhận thiếu vài ba người. Phải tìm ở những nơi khác chứ trong làng thì không đủ” - ông Giáp nói.

Theo ông Giáp, do nhiều tàu dự án ra đời, cần nhiều lao động, trong khi lực lượng kế cận làm nghề biển ngày càng ít. Thay vì các lao động cần chủ tàu như trước đây thì hiện ngược lại, chủ tàu cần lao động.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình - nhận định tình trạng thiếu lao động đã lên đến mức đáng báo động khi toàn xã chỉ mới có 1/3 số tàu cá ra khơi, còn lại vẫn lao đao tìm lao động. Cùng chung cảnh ngộ, nhiều tàu cá của ngư dân xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch hay xã Cảnh Dương, Quảng Phu của huyện Quảng Trạch vẫn chưa thể ra khơi. Nhiều chủ tàu phải tăng tỉ lệ ăn chia hoặc trả luôn lương cứng, thậm chí phải tuyển những người làm nghề nông để ra khơi.

Trong khi đó, ở Quảng Ngãi, rất nhiều chủ tàu “lặn lội” về các làng chài ở Khánh Hòa, Phú Yên, Hà Tĩnh tìm người đi biển để rồi lâm vào cảnh… “tiền mất tật mang”.

Chủ tàu Nguyễn Văn Quang (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vì thiếu bạn chài nên vào Khánh Hòa tìm thợ lặn đi cùng. Được người quen giới thiệu, ông gặp 2 thanh niên, họ hứa hẹn ăn Tết xong cùng ra Quảng Ngãi đi biển. Đến ngày, họ bắt xe ra Quảng Ngãi, ông nhờ người quen đưa trước cho mỗi người 5 triệu đồng. Xe chạy được một đoạn, cả hai xin xuống đi vệ sinh rồi không trở lại. Ông Võ Văn Lựu, một chủ tàu khác ở Bình Châu, kể nhiều chủ tàu vì không tin tưởng vào các thuyền viên ở xa nên “đặt cọc” thuyền viên địa phương.

“Nhưng có nhiều người nhận một lúc 5-6 chủ tàu, ai cũng đưa tiền trước cho họ. Thậm chí, có người đưa 15-20 triệu đồng ứng trước. Đến khi đi biển thì xảy ra cảnh giành giật thuyền viên” - ông Lựu nói.

Cơ giới hóa để giảm sức lao động

Ông Đỗ Trung Hiệp, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Khai thác các công trình thủy sản tỉnh Khánh Hòa, khẳng định với khoảng 10.000 tàu cá, tỉnh này phải cần ít nhất 50.000 lao động. Tuy nhiên, hiện trên 70% tàu cá nơi đây bị thiếu lao động. “Chỉ riêng cảng Hòn Rớ (TP Nha Trang) đã có trên 100 tàu câu cá ngừ đại dương nằm bờ rồi. Đang vào vụ mà thiếu lao động thế này thì rõ ràng việc khai thác bị ảnh hưởng” - ông Hiệp khẳng định.

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn - cho biết toàn xã có hơn 400 tàu cá đánh bắt xa bờ với gần 2.000 thuyền viên. Phần lớn chủ tàu cá đang thiếu lao động đi biển. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như hoạt động nghề biển giờ khó khăn lại tiềm ẩn rất nhiều hiểm họa, rủi ro khiến thuyền viên không còn mặn mà với nghề. Nhiều gia đình thuyền viên không muốn cho con theo nghề biển mà đi học để có nghề nghiệp ổn định trên bờ.

Ông Trần Ngọc Nhạn, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên, thừa nhận tình trạng thiếu lao động đi biển không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng khai thác hải sản mà ít nhiều ảnh hưởng đến công tác bảo vệ chủ quyền trên biển bởi lâu nay, mỗi tàu cá ra khơi vốn được xem là “cột mốc” khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, về lâu dài, tình trạng thiếu lao động đi biển sẽ còn diễn ra và có thể gay gắt hơn. Người vùng biển không còn sinh con đông như trước. Một bộ phận không nhỏ con em của ngư dân có điều kiện đều ly ngư. “Giải pháp được đưa ra là mở các khóa đào tạo nghề biển cho lao động nông nhàn nhằm thu hút một lượng lao động lớn từ miền quê ra biển. Cùng với đó sẽ đẩy mạnh cơ giới hóa trên mỗi tàu cá để giảm sức lao động trên biển” - ông Phương thông tin.

Lo vỡ nợ

Ngư dân Võ Văn An - chủ tàu cá QB 93694 TS chuyên đánh bắt xa bờ ở xã Quang Phú, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình - nhiều ngày qua như ngồi trên đố́ng lửa bởi tàu cá có công suất 740 CV vừa mua lại đang phải nằm bờ trong khi còn nợ ngân hàng khoản tiền lớn.

“Tàu mới mua lại rất nhiều tiền, số tiền đều phải vay mượn từ anh em, bạn bè rồi cả vay ngân hàng nữa nhưng cứ nằm bờ vì kiếm mãi không đủ người đi bạn. Lãi ngân hàng thì tới nơi khiến tôi cũng như nhiều chủ tàu khác lo lắng” - ông An nói.

Theo Người lao động

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây