Theo thông lệ, mỗi khi giá xăng dầu tăng, các doanh nghiệp vận tải lại “rục rịch” “té nước theo mưa”, đòi tăng giá cước với lý do… bù lỗ. Tuy nhiên, trong tháng qua, dù giá xăng dầu đã được điều chỉnh, giảm hai lần, nhưng cước vận tải vẫn không “động đậy”á. Các chuyên gia kinh tế nhận định, từ trước đến nay, giá cước vận tải giống như mũi tên, chỉ có đi lên chứ chưa bao giờ giảm xuống theo xăng.
Người dân gặp nhiều khó khăn vì giá cước vận tải tăng
Lý giải cho sự bất hợp lý này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá thế giới. Thời gian vừa qua, xăng dầu đã tăng giá 2 đợt và cũng giảm 2 đợt. Tuy nhiên, nếu so sánh mức tương quan giữa tăng và giảm thì vẫn còn nhiều chênh lệch. Cụ thể, mức giảm 1.100 đồng/lít chẳng thấm là bao so với tăng 3.000 đồng/lít. Các doanh nghiệp vận tải vì thế vẫn phải chịu nhiều sức ép.
Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao mỗi khi giá xăng tăng, doanh nghiệp vận tải đòi tăng giá cước ngay lập tức, trong khi giá giảm lại khá thờ ơ. Trả lời thắc mắc này, ông Hùng phân trần, khi xăng tăng trên 10%, doanh nghiệp vận tải tăng cước 5-7%. Nhưng vừa qua, xăng chỉ giảm nhỏ giọt, khoảng 2%, theo đó giá cước chỉ có thể giảm một tý chút. Như vậy thì quá nhỏ để thực hiện điều chỉnh. “Nếu xăng, dầu không tiếp tục giảm thời gian tới thì khó có chuyện giá cước giảm”, ông Hùng nói.
Vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam tính toán, giá xăng dầu tăng tác động trực tiếp đến chi phí vận tải đầu vào, lên 10%. Giá xăng còn khiến một số mặt hàng khác trong ngành vận tải như phụ tùng vật liệu, bảo dưỡng sửa chữa xe tăng theo. “Tăng giá thì bị người dân ca thán, giảm giá thì doanh nghiệp khó tồn tại. Chúng tôi đều phải tính toán kỹ. Hơn nữa, quy trình điều chỉnh cũng rất phức tạp. Ngoài việc đơn vị phải tính toán lại phương án giá, kê khai với chính quyền địa phương, taxi phải điều chỉnh lại đồng hồ tính tiền, vận tải hành khách phải in lại vé. Riêng vận tải hàng hóa, đã ký hợp đồng với khách hàng rồi, sẽ phải thương lượng lại”, vị này nói.
Trao đổi với Người đưa tin, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cũng cho rằng, giá xăng dầu thời gian qua biến động thất thường, mỗi khi tăng hay giảm đều khiến doanh nghiệp vận tải lao đao. Thực tế, giá cước luôn phải chạy theo giá xăng. Tuy nhiên, giá xăng giảm lần này chưa tác động nhiều đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp vận tải nên sẽ không có hy vọng hạ giá cước. “Hiện nhiều doanh nghiệp vận tải đang gặp khó khăn, vắng khách, thậm chí có xe còn phải bỏ bến nên chưa thể phản ứng ngay được khi giá xăng giảm.”, ông Liên nhận định.
Giá cước “ăn theo” một chiều tăng
Trao đổi với Người đưa tin, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, từ trước đến nay, việc “té nước theo xăng” diễn ra không còn xa lạ. Thực tế, giá cả tiêu dùng, dịch vụ, vận tải vốn ăn theo xăng. Tuy nhiên, một điều bất thường là chỉ ăn theo chiều tăng, chứ không bao giờ ngược lại. Ngay cả việc giảm giá xăng, nếu không có sức ép từ phía dư luận, từ cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp cũng không bao giờ tính đến bài toán hạ giá.
TS Doanh dẫn chứng, thời gian qua báo chí nêu nhiều bằng chứng về việc việc giá xăng dầu thế giới giảm sâu nhưng cơ quan nhập khẩu xăng dầu vẫn “cố thủ” không điều chỉnh giá. Dư luận phản đối rất quyết liệt, đích thân Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng yêu cầu kiểm tra, rà soát lại cơ cấu giá xăng dầu và quỹ bình ổn giá. Có lẽ, vì thế, giá xăng mới chịu giảm như vừa rồi” , TS Doanh nói.
Theo Nguoiduatin.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn