Thu phí không dừng: Nạp tiền vào tài khoản ai hưởng lợi?

Thứ tư - 02/05/2018 18:37
Cuối năm 2019 tất cả trạm khác trên toàn quốc đều phải thu tự động. Thông tin đưa ra khiến nhiều chủ phương tiện băn khoản về tiền lãi trong tài khoản giao thông ai hưởng?
Vấn đề đặt ra tại hội nghi triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng do Tổng Cục Đường bộ VN tổ chức sáng nay.

Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, thu phí không dừng nâng cao tính minh bạch, tiết kiệm chi phí và giảm ùn tắc cũng như tai nạn giao thông...

Nhà đầu tư BOT và Tổng cục Đường bộ cũng có thể truy nhập hệ thống, bất kỳ thời điểm nào để kiểm soát vấn đề thu phí.

Đặc biệt, với mỗi xe dán thẻ thu phí không dừng (thẻ Etag), khi qua hệ thống sẽ phát hiện được ngay xe nào biển số giả, hay hết hạn đăng kiểm...

Tổng cục trưởng Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện thông tin, đã chỉ đạo các nhà đầu tư lắp đặt trạm thu giá không dừng. Theo đó, hết năm 2018 tất cả các trạm thu trên QL1 và QL14 phải lắp xong. Cuối năm 2019 tất cả trạm khác trên toàn quốc đều phải thu tự động.

Thu phí tự động không dừng giúp minh bạch trong thu phí và giảm ùn tắc giao thông

“Hiện nay cả nước có khoảng 500.000 xe đã dán thẻ Etag, Bộ GTVT đã yêu cầu trong năm nay 2 - 3 triệu ô tô trên cả nước phải dán xong”, ông Huyện nói.

Mỗi xe 1 tài khoản

Hiện nay công ty TNHH thu phí tự động VETC được Bộ GTVT cấp phép triển khai cung cấp thiết bị và thực hiện thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Mỗi xe được dán một thẻ trên kính lái hoặc kính đèn pha trước.

Mỗi xe chỉ được cấp một tài khoản để thanh toán giá sử dụng đường bộ (tài khoản giao thông), nhưng một tài khoản có thể sử dụng trả cho nhiều xe.

Thẻ dán lần đầu được miễn phí, nhưng các lần dán lại chủ phương tiện phải bỏ ra 120.000 đồng/lần.

Do tài khoản giao thông và tài khoản ngân hàng của chủ sở hữu ô tô chưa thể kết nối với nhau, do khác nhau về tốc độ xử lý, nên mỗi chủ xe phải nộp một khoản tiền trước vào tài khoản giao thông để trừ dần cho các lần sử dụng đường bộ.

Theo ông Toàn, chủ phương tiện có thể nộp tiền bằng hình thức chuyển khoản ngân hàng, nộp tiền qua điểm thu, qua điện thoại, ví điện tử... Khi tài khoản giao thông không đủ tiền qua trạm thì lái xe hoàn toàn có thể thanh toán bằng tiền mặt.

Bộ GTVT đang nghiên cứu giải pháp để ghi nợ và thu hồi nợ trong 10 ngày, dự kiến thực hiện trong 2019-2020.

Chưa tích hoạt với thẻ ngân hàng, ai hưởng lợi?

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, thành viên diễn đàn otofun nêu vấn đề, chủ xe muốn sử dụng thu phí không dừng phải nộp trước một khoản tiền vào tài khoản giao thông, mà tài khoản này chưa thể tích hợp với tài khoản ngân hàng.

"Trong khi tiền trong tài khoản giao thông không được tính lãi, thậm chí chưa sử dụng dịch vụ đã phải đóng tiền. Vậy với gần 3 triệu xe, số tiền nộp trước sẽ lên tới hàng nghìn tỷ đồng, số tiền đó ai hưởng lợi?", ông Thắng đặt câu hỏi.

Hiện cả nước đã có 500.000 chủ phương tiện dán thẻ thu phí không dừng.

Đồng quan điểm, một số DN vận tải cũng bày tỏ, DN có nhiều đầu xe sẽ phải nộp số tiền rất lớn vào tài khoản trước, nhưng không được tính lãi suất. Hơn nữa tài khoản giao thông chưa liên thông tài khoản ngân hàng nên khi chuyển khoản phải mất phí, tiền phí này ai chịu?.

Giải đáp các thắc mắc, ông Tô Nam Toàn thừa nhận 2 tài khoản trên còn vướng về kỹ thuật nên chưa kết nối được. Về lâu dài sẽ làm việc với các ngân hàng để tích hợp 2 thẻ làm một, thuận tiện cho việc thanh toán.

Ông Nguyễn Văn Huyện giải thích thêm, tốc độ xử lý của ngân hàng chưa đáp ứng được, nhưng qua nghiên cứu cũng đang cố gắng khắc phục.

“Hiện Bộ GTVT đang làm việc với NH Nhà nước để sớm có giải pháp kết nối 2 tài khoản”, ông Huyện cam kết.

Về xử lý số dư trong tài khoản chủ xe trong trường hợp công ty cung cấp dịch vụ (công ty VETC) phá sản, Tổng Cục trưởng Đường bộ khẳng định, tài khoản chủ xe vẫn được đảm bảo để trả lại.


Vũ Điệp

Theo Vietnamnet.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây