Anh nông dân và sáng kiến may "áo" mới cho xoài tứ quý

Thứ tư - 02/05/2018 18:38
Sử dụng chất liệu vải dệt nilon nhiều màu làm túi bao trái xoài tứ quí để phân biệt và xác định độ tuổi, tạo màu sắc trái là sáng kiến hữu ích của anh nông dân Trần Văn Nhọn (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

Mặc "áo" sặc sỡ cho xoài

Mô hình trồng xoài tứ quý trên đất cát xã Thạnh Phong, huyện Thạch Phú, tỉnh Bến Tre hình thành từ năm 2005. Tham gia trồng từ những ngày đầu tiên cây xoài có mặt tại quê hương, anh Nhọn cho biết, đối với bà con trồng xoài, việc sử dụng túi bao trái là chuyện bình thường. Việc này giúp ngăn chặn các loại côn trùng tiếp xúc với trái xoài trong quá trình sinh trưởng của quả và tránh ánh nắng gay gắt làm nám quả. Việc bao trái cũng giúp xoài giảm được rung lắc va chạm làm rụng quả trong mưa dông, hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật...

Túi bao trái của anh Nhọn được làm từ vải nilon không thấm nước.

Tuy nhiên, các loại bao trái truyền thống mà bà con sử dụng thường là loại túi được may bằng vải một màu, chất liệu vải cũng tương đối mỏng. Vải mỏng nhẹ nhưng lại có nhược điểm là dễ dính. Khi mưa hoặc sương nhiều, vải dính chặt vào vỏ xoài làm giảm chất lượng vỏ quả, gây xấu mã.

Đặc biệt, xoài tứ quý có đặc tính cho trái quanh năm, các lứa trái trên cây không đồng nhất. Vì vậy các loại bao trái truyền thống bằng vải một màu gây khó khăn cho người trồng xoài trong việc phân biệt chính xác độ tuổi xoài trên cùng một cây. “Đây là lý do khiến việc thu hái mất nhiều công sức do người dân phải mở bao từng trái để kiểm tra độ chín của từng trái một”, anh Nhọn chia sẻ.

Từ thực tế này, anh Nhọn đã nảy ra ý tưởng thiết kế một loại túi bao trái mới vừa hạn chế được nhược điểm của loại túi cũ vừa giúp người dân dễ dàng trong việc xác định tuổi của xoài.

Anh Nhọn cho hay, thay vì các loại vải truyền thống, anh chọn vải nilon. Loại vải này có ưu điểm là không thấm nước, không dính vào vỏ quả. Ngoài ra, trên miệng túi sẽ được lồng dây rút và miếng ron cao su để rút xiết miệng bao giúp bao lúc nào cũng căng như trái bóng chứ không dính vào quả, nên không ảnh hưởng đến chất lượng quả, thậm chí còn làm quả bóng mượt và đẹp hơn. Đặc biệt, thay vì bao vải chỉ có một màu, anh sáng kiến sử dụng nhiều màu. Mỗi màu sẽ được dùng cho một lứa quả. Cách này giúp người dân chỉ cần nhìn màu sắc của bao trái là sẽ biết được độ tuổi của từng lứa.

Tăng gấp đôi giá trị của xoài

Anh Nhọn cho hay, những chiếc túi bao trái “made in” anh Nhọn có giá thành cực rẻ, mỗi chiếc tính trung bình chỉ khoảng 1.500 đồng. Không những vậy, do chất liệu vải nylon nên rất bền lại không bám bẩn. Sau mỗi vụ thu hoạch chỉ cần giặt sạch phơi khô là có thể sử dụng cho mùa quả sau.

Người dân chỉ cần nhìn màu sắc của bao trái là sẽ biết được độ tuổi của từng lứa xoài.

“Túi bao trái vừa ngăn chặn được sự tấn công của côn trùng, bảo vệ trái chống ảnh hưởng của môi trường như: bị va đập, xay xát do gió, vừa giúp quả đẹp, mượt hơn. Đặc biệt, việc thu hái rất nhàn nhã, chỉ cần nhìn là biết được độ tuổi của quả", anh Nhọn khẳng định.

Từ thực tế từ chính vườn xoài của mình, anh Nhọn cho biết, trước đây, xoài chỉ bán được 5.000đồng/kg do xấu mã, quả già, quả non; nay xoài có màu sắc đẹp, có độ chín (già quả) đồng đều nên bán được giá hơn với mức giá khoảng 10.000 đồng/kg.

Sáng kiến này của anh giờ được nhân rộng khắp địa phương, giờ cả vùng trồng xoài quê hương anh đều được “mặc áo mới”, thậm chí, anh còn nhận được một số đơn đặt hàng đặt mua loại bao trái này.

Sáng kiến của anh Nhọn là một trong số các công trình đoạt Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2017. Giải thưởng sẽ được trao vào ngày 15/5 tới.

Minh Anh

Theo Khám phá

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây