Tập trung “cuộc chiến” chống rầy!

Thứ tư - 07/06/2017 06:22
Đến bây giờ, rầy nâu, rầy lưng trắng vẫn là loài gây hại nguy hiểm số một đối với cây lúa. Mùa lúa xuân làm đòng cũng là thời điểm lý tưởng rầy “xuất quân” chích hút, gây hại. “Cuộc chiến” với rầy nâu, rầy lưng trắng đã bắt đầu ở khắp nơi để bảo vệ năng suất, sản lượng cho cả vụ lúa...

Mấy năm trở lại đây, rầy nâu, rầy lưng trắng không còn xa lạ với bà con nông dân tỉnh ta. Hầu như năm nào chúng cũng xuất hiện và gây hại trên đồng ruộng, nhẹ thì hạt lúa bị lửng lép, nơi nặng còn xảy ra hiện tượng cháy rầy, làm đắng lòng biết bao người sản xuất.

Trên thực tế, quá trình tích lũy, gia tăng số lượng của tập đoàn rầy xảy ra trong thời gian dài và đạt đỉnh vào giai đoạn lúa làm đòng - trổ và đỏ đuôi. Lúc này, cả rầy trưởng thành và rầy non đều thích sống dưới gốc cây lúa và bắt đầu quá trình chích hút. Sự gia tăng mật độ còn khiến rầy nâu trở thành môi giới truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá; rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen, những loại bệnh nguy hiểm chưa có thuốc đặc trị.

Thời điểm phun thuốc thích hợp nhất là chiều mát hoặc sáng sớm; trước khi phun thuốc, nếu có điều kiện nên cho nước ngập ruộng để rầy di chuyển lên cao, dễ trúng thuốc hơn. Ảnh: Minh Lý

Đến thời điểm này, bệnh đạo ôn hại lá đã không còn đáng lo ngại, nhưng theo điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, tập đoàn rầy bắt đầu tấn công ruộng lúa với mật độ trung bình 70-100 con/m2, nơi cao 500-600 con/m2, cục bộ 1.000-1.500 con/m2. Rầy nâu chủ yếu là loại trưởng thành cánh ngắn và ổ trứng rải rác, rầy lưng trắng tuổi 1, tuổi 2 đến tuổi 4.

Ông Nguyễn Trí Hà - Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết: “Đây chính là giai đoạn rầy bước vào thời kỳ tích lũy, tập trung từng ổ cục bộ trên đồng ruộng. Trong điều kiện thời tiết chuyển nắng nóng lại có mưa xen kẽ càng tạo ra môi trường để rầy nhân nhanh về số lượng. Theo dự báo, khoảng trung tuần tháng 4 trở đi, lứa rầy tuổi 1, tuổi 2 sẽ bắt đầu phát sinh rộ, trùng với thời điểm trổ của một số trà lúa khiến cho nguy cơ đe dọa đến năng suất lúa rất cao”.

Cũng theo ông Hà, do vụ xuân ấm, chắc chắn rầy nâu, rầy lưng trắng sẽ “căng” hơn so với cùng kỳ các năm trước, cao điểm nhất là từ sau trổ bông đến cuối vụ. Đặc biệt là tại một số địa phương nằm trong vùng “nhạy cảm” và ổ dịch cũ như: Lộc Hà, Nghi Xuân, Thạch Hà và Cẩm Xuyên.

Cẩm Xuyên vào những ngày này đang “nín thở” trước diễn biến của sâu bệnh trên lúa xuân. Cách đây hơn 2 năm, bệnh lùn sọc đen (rầy lưng trắng là môi giới trung gian) đã “cướp trắng” gần 600 ha lúa hè thu. Cũng từ đó, nơi đây biến thành vùng xung yếu nhất liên quan đến sự phát sinh của rầy. Những mầm dịch cũ còn lưu trú trong môi trường, có cơ hội sẽ bùng phát nhanh và có sức hủy diệt lớn. Thời điểm này, mặc dù mức độ phát sinh trên lúa xuân chưa đáng lo ngại, song, tập đoàn trưởng thành này chính là nguồn gối cho lứa rầy sau.

Ông Lê Ngọc Hà - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Khoảng 20 ngày nữa, khi lứa rầy tiếp theo hình thành thì diễn biến rầy sẽ trở nên phức tạp. Theo dự kiến, mật độ nơi cao có thể đạt 100-200 con/m2. Trước hết, huyện chủ trương tăng cường công tác dự tính, dự báo, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để nắm rõ sự phát sinh của đối tượng. Bên cạnh đó, hướng dẫn quy trình phòng trừ sâu bệnh đến tận thôn, xóm; theo đó, khuyến cáo bà con sử dụng thuốc BVTV đúng hướng dẫn để đảm bảo vừa hiệu quả, vừa không làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của lúa”.

Không hẳn chỉ nguyên nhân khách quan do vụ xuân ấm, việc khống chế rầy trở nên phức tạp còn bởi tập quán cơ cấu giống. Theo ông Đặng Văn Hiển - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lộc Hà thì nhóm giống X là đối tượng mẫn cảm với sâu bệnh. Vụ xuân 2013, giống lúa này trở thành “miếng mồi béo bở” cho rầy nâu và rầy lưng trắng. Cùng với đó chính là thói quen lạm dụng thuốc BVTV của không ít nông dân. Dù là loài dịch hại nguy hiểm thì không phải cứ nôn nóng phun thuốc hóa học quá sớm hoặc phun trên phổ rộng là hiệu quả ngay. Thậm chí, vô tình tiêu diệt quần thể ký sinh thiên địch tự nhiên có lợi hoặc gây tình trạng kháng thuốc ngày một tăng.

Biết đối tượng nhưng phải biết sử dụng đúng thuốc, đúng thời điểm và đúng quy trình sẽ giúp bà con chủ động hơn trong sản xuất.

Vòng đời của cả rầy nâu và rầy lưng trắng khoảng 25-30 ngày. Chúng thường phát sinh với mật độ cao và gây hại nặng vào giai đoạn lúa trổ bông, ngậm sữa và bắt đầu chín. Ở lứa thứ nhất trong vụ xuân, rầy tập trung từng ổ, bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm, tốt nhất khi rầy đang ở tuổi 1, tuổi 2. Từ đó, khoanh vùng và xử lý bằng thuốc hóa học trước khi chúng có cơ hội phát tán.

Các loại thuốc theo hướng dẫn của Chi cục BVTV:

- Chess 50WG: pha 7,5g vào bình 10-12 lít nước, phun 2-3 bình/sào;

- Sutin 5 EC: pha 15 ml thuốc vào bình 10-12 lít nước, phun 2-3 bình/sào;

- Applaud: pha 10 ml thuốc vào bình 10-12 lít nước, phun 2-3 bình/sào;

- Ba đăng 300 WP: pha 10g thuốc vào bình 10-12 lít nước, phun 3 bình/sào;

- Marshal 200C: pha 15 ml vào bình 10-12 lít nước, phun 3 bình/sào;

- Alika 247 SC: pha 5ml vào bình 10-12 lít nước, phun 3 bình/sào.

Bà con cần lưu ý, thời điểm phun thuốc thích hợp nhất là chiều mát hoặc sáng sớm. Trước khi phun thuốc, nếu có điều kiện nên cho nước ngập ruộng để rầy di chuyển lên cao, dễ trúng thuốc hơn. Tuy nhiên, không phun thuốc lúc cây lúa đang nở hoa, thụ phấn.


                                                                                              Theo Nguyễn Oanh (Báo Hà Tĩnh)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây