Doanh nghiệp thời suy giảm kinh tế: Phải “tiền hô, hậu ủng...”!

Thứ tư - 07/06/2017 17:24
Không phải bây giờ mà ngay ở giai đoạn đầu, tỉnh đã sớm triển khai nhiều giải pháp giải cứu doanh nghiệp (DN), nhưng “lốc xoáy” kéo dài đã khiến DN “kiệt sức”. Giúp DN vượt qua cơn bĩ cực là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tiếc rằng vẫn còn tình trạng “tiền hô” nhưng “hậu chưa... ủng”!.

Cho đến nay, không thể nhớ nổi có bao nhiêu văn bản chính sách được UBND tỉnh cùng các ngành liên quan ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN ở tất cả các lĩnh vực như: hỗ trợ SXKD, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… với tổng chi phí hơn 41 tỷ đồng. Chỉ biết là có không ít DN, như: Công ty TNHH Viết Hải, Công ty CP Thương Phú nhờ những gói cứu trợ đã tránh khỏi bờ vực phá sản.

Công ty TNHH Xuân Lâm (Nghi Xuân) là một trong không nhiều doanh nghiệp duy trì tốt việc làm cho người lao đông

Trong nỗ lực của mình, ngành Thuế đã triển khai và thực hiện miễn giảm, gia hạn nộp thuế, hoàn thuế theo Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN chủ động về tài chính, phát triển SXKD. Tổng số miễn giảm thuế, gia hạn nộp thuế trên 662 tỷ đồng, trong đó gia hạn thuế giá trị gia tăng tháng 4, 5, 6 cho trên 1.500 lượt người nộp thuế, số tiền gia hạn 88 tỷ đồng…

Ngày 11/6/2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định (QĐ) số 26/2012/QĐ-UBND quy định tạm thời về hỗ trợ lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng để phát triển sản xuất từ nguồn vốn mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Đồng thời dành ít nhất 50% kinh phí trong tổng số 66.625 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất năm 2012 (trong đó có 49.571 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh; 16.874 triệu đồng từ nguồn ngân sách T.Ư) để hỗ trợ cho các DN, HTX, hộ SXKD thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đến thời điểm này đã có 2.778 khách hàng vay vốn với doanh số cho vay 204,034 tỷ đồng; số tiền lãi vay đã được hỗ trợ 794 triệu đồng.

Tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngân hàng từng bước hạ lãi suất cho vay, đồng thời tạo điều kiện cho các DN tiếp cận nguồn vốn vay; bố trí nguồn vốn năm 2013 để trả nợ cho các DN xây dựng; tiếp tục ban hành, sửa đổi cơ chế chính sách hỗ trợ tối đa cho các DN trong SXKD. Cụ thể như: ban hành kế hoạch triển khai thực hiện NQ số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; sửa đổi QĐ số 24/2011-UBND về hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn và QĐ số 26/2012/QĐ-UBND về hỗ trợ lãi suất theo hướng mở rộng đối tượng hỗ trợ và mức hỗ trợ; tập trung tái cơ cấu lại các DN; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường cho các DN; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản năm 2013 để kích cầu DN; tạo điều kiện cho các DN, HTX, cá nhân tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ đầu tư…

Ngành sản xuất vật liệu xây dựng đang rất khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm

Trong “cuộc chiến” giành sự sống cho DN, tỉnh đã nỗ lực hết mình, tiếc rằng vẫn còn một số ngành thờ ơ. Hiệp hội DN Hà Tĩnh được thành lập vào cuối năm 2012, khiến nhiều DN yên tâm có thể tìm được điểm tựa trong quá trình hoạt động. Thế nhưng, trong bối cảnh khó khăn kéo dài, sự liên kết trở nên mong manh. Cũng dễ hiểu khi DN mình cầm lái còn lao đao thì khó có thể nói đến hỗ trợ các DN khác.

Nhiều DN sản xuất vật liệu xây dựng kêu trời vì sự “lấn sân’ và “đại hạ giá” của các DN Nghệ An vào giành giật thị trường. Giá như có sự can thiện kịp thời của Hiệp hội DN thì tin rằng, DN “ngoại” khó lấn át sân nhà. Vốn được coi là “bà đỡ”, các ngân hàng giờ đây cũng dè dặt vì nỗi lo: nợ xấu. Đồng hành cùng DN liệu có là những lời nói suông khi DN thực sự đang rất cần sự trợ giúp của các ngành chức năng? Có lẽ ở khía cạnh này chỉ số PCI là minh chứng rõ nét nhất khi Hà Tĩnh từ vị trí thứ 7 năm 2012, nay xếp thứ 35. Một lãnh đạo Sở KH-ĐT cho rằng, sự phiền hà từ cơ quan công quyền là một trong những tác nhân đáng kể của sự tụt hạng này.

“Đồng hành cùng DN” cần có sự chia sẻ của cả cộng đồng. Xin được “chốt lại” lời tâm sự từ đáy lòng của Giám đốc Công ty CP Đầu tư & Xây dựng Hà Tĩnh Nguyễn Văn Phúc: “Mỗi năm, chúng tôi trả lãi ngân hàng 3 tỷ đồng, 600 triệu đồng tiền điện và bao nhiêu tiền thuế, BHXH, nhưng khi gặp hoạn nạn, chỉ cần 1,5 tỷ đồng để thoát khỏi khó khăn cũng không biết tìm sự hỗ trợ từ đâu…”.

Theo Hoài Nam - Vũ Viễn (Báo Hà Tĩnh)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây