Nhằm giải quyết các bất cập và đảm bảo quyền lợi cho các bên, nhiều trạm BOT sẽ giảm giá vé trong thời gian tới (Trong ảnh: Trạm thu phí BOT Hà Nội - Bắc Giang) - Ảnh: Tạ Tôn |
Bộ GTVT đang nghiên cứu, xem xét để đưa ra chính sách đồng nhất nhằm giải quyết triệt để những bất cập, tồn tại của các trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ trên toàn quốc, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Sau quyết toán, 21 trạm BOT sẽ giảm giá vé
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư (PPP) cho biết, thực hiện Nghị quyết 35 ngày 16/5/2016 của Chính phủ, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án giảm giá sử dụng đường bộ tại các trạm thu giá BOT trên nguyên tắc vẫn đảm bảo khả thi phương án tài chính của các dự án. Theo đó, đối với xe loại 4 (xe có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 feet) giảm từ 140.000 đồng/lượt xuống 120.000 đồng/lượt; xe loại 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet) giảm từ 200.000 đồng/lượt xuống còn 180.000 đồng/lượt.
"Bộ GTVT đang nghiên cứu các phương án để đưa ra chính sách chung nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, Bộ GTVT mong muốn nhận được sự chia sẻ và trách nhiệm của các địa phương, sự hợp tác trên tinh thần tự nguyện của các nhà đầu tư. Các phương án cụ thể để giải quyết những vướng mắc, bất cập tại các trạm BOT sẽ được Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT thảo luận, xem xét và quyết định trên tinh thần công khai, minh bạch. Thời gian tới, Tổng cục Đường bộ VN cần tiếp tục nỗ lực trong công tác đàm phán hợp đồng với các nhà đầu tư BOT để đến ngày 15/8, 28 dự án BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh sẽ cơ bản hoàn thành việc lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong công tác thu giá sử dụng đường bộ”. Bộ trưởng Bộ GTVT |
“Đây là hai nhóm xe vận tải thương mại chính và ảnh hưởng lớn đến việc cấu thành chỉ số giá. Bộ GTVT đã rà soát, đàm phán với các nhà đầu tư và có văn bản thỏa thuận về việc điều chỉnh giá thu phí đối với các xe loại 4 và loại 5”, ông Huy nói và cho biết, kết quả đến nay, có 35 dự án đã thực hiện giảm giá vé, 27 dự án đã không cần giảm do giá vé thấp hơn mức bình quân. “Còn lại, 11 dự án chưa giảm giá vé do lưu lượng xe thấp hơn dự kiến trong phương án tài chính nên nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ vốn chưa đồng ý giảm”, ông Huy thông tin.
Đề cập đến việc giảm giá các trạm BOT đã quyết toán, ông Huy cho biết, hiện nay, Bộ GTVT đã hoàn thành quyết toán của 54 dự án BOT, BT đưa vào khai thác, sử dụng, trong đó có 51 dự án BOT. “Trong 51 dự án BOT đã quyết toán, Bộ GTVT đã ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh thời gian thu phí của 23 dự án, trong đó có 18 dự án giảm thời gian thu phí và 5 dự án tăng thời gian thu phí do lưu lượng thực tế thấp hơn dự báo. Còn lại 28 dự án đang được Bộ GTVT rà soát, tính toán lại phương án tài chính theo hướng ưu tiên điều chỉnh giảm giá. Trong số 28 dự án, có 21 dự án có thể điều chỉnh giảm giá”, ông Huy nói và cho biết, trong quá trình triển khai thu giá dịch vụ các dự án BOT, hình thức thu phí lượt trên các tuyến quốc lộ còn tồn tại chưa nhận được sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp do chưa đảm bảo tuyệt đối công bằng đối với người dân.
Qua phản ánh của người dân, doanh nghiệp và ý kiến của Đoàn Giám sát Quốc hội, Bộ GTVT đã xử lý những bất cập về giá sử dụng đường bộ tại 7 trạm gồm: Trạm QL6 Xuân Mai - Hòa Bình, trạm QL32 (Phú Thọ), trạm cầu Hạc Trì (Phú Thọ), trạm QL3 (Thái Nguyên), trạm Bến Thủy (Nghệ An), trạm Cầu Rác (Hà Tĩnh), trạm Km1064, QL1 (Quảng Ngãi). Để đảm bảo tính tổng thể, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN rà soát tất cả các trạm, kể cả những trạm người dân chưa phản đối để có chính sách miễn, giảm giá thống nhất đảm bảo tính công bằng và công bằng tương đối trong việc thu giá dịch vụ đường bộ đối với các phương tiện của người dân xung quanh trạm thu giá.
Trạm thu phí dự án BOT cầu Hạc Trì - Phú Thọ |
37 dự án BOT có phản ánh bất cập về trạm thu giá
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, hiện nay, trên cả nước có 52 dự án BOT đang khai thác, với 55 trạm thu hở và 2 hệ thống trạm thu kín. Dự kiến, đến năm 2018, số lượng dự án BOT trong giai đoạn khai thác là 75 dự án với khoảng 80 trạm thu giá.
Ông Huyện cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, ngày 12/5/2017, Tổng cục ĐBVN đã có văn bản xin ý kiến UBND các tỉnh, thành phố về hiệu quả đầu tư, vướng mắc, bất cập tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Đồng thời, Tổng cục Đường bộ VN cũng có văn bản đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tổng hợp, đánh giá hiệu quả dự án, ý kiến của địa phương và người sử dụng dịch vụ đường bộ về những vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
“Đến nay, trong tổng số 32 địa phương có văn bản trả lời Tổng cục Đường bộ VN, 16 địa phương có ý kiến vướng mắc, bất cập về vị trí, mức thu tại trạm thu giá, 4 địa phương có ý kiến vướng mắc khác và 12 địa phương trả lời không có vướng mắc”, ông Huyện nói và cho biết, trong số 52 dự án, có 45 dự án phản ánh vướng mắc, kiến nghị, gồm 37 dự án có vướng mắc về trạm thu phí và 8 dự án có kiến nghị khác.
Thông tin cụ thể, ông Huyện cho biết, trong 37 dự án (gồm 39 trạm thu giá) có phản ánh bất cập về trạm thu giá gồm: 30 dự án (30 trạm) bất cập về mức giá. Trong đó, 4 dự án (5 trạm) đã giảm giá theo chấp thuận của Bộ GTVT (Dự án QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình; dự án QL32 - Phú Thọ; dự án QL1 tránh TP Hà Tĩnh; dự án Nam Bến Thủy - tránh TP Hà Tĩnh), 5 dự án (4 trạm) Tổng cục Đường bộ VN đã thống nhất phương án giảm giá (QL1 đoạn Km 1063 + 877 - Km 1092+577, tỉnh Quảng Ngãi; QL1 đoạn tránh TP Đồng Hới; QL1 đoạn Km 672+600 - Km 704+900, tỉnh Quảng Bình; QL1 đoạn Km 597+549 - Km 605+000 và đoạn Km 617+000 - Km641+000, tỉnh Quảng Bình; dự án QL91 đoạn Km 14+000 - Km 50+899) và 20 dự án Tổng cục Đường bộ VN đang hướng dẫn xây dựng phương án xử lý; 3 dự án (3 trạm) bất cập về vị trí trạm gồm: Dự án QL2 đoạn tránh TX Vĩnh Yên, dự án BOT QL14 đoạn từ cầu 38 đến TX Đồng Xoài, dự án sửa chữa nâng cấp một số đoạn qua các thị trấn trên QL20; 5 dự án (7 trạm) bất cập cả vị trí và giá gồm: QL1 đoạn tránh TP Thanh Hóa, dự án hầm Đèo Cả, dự án QL1 qua Khánh Hòa, dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - QL5, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Km 1738+148 - Km 1763+610 tỉnh Đắk Lắk; còn lại 8 dự án (11 trạm) có kiến nghị khác.
Liên quan đến phương án xử lý các dự án có bất cập về vị trí trạm, ông Huyện kiến nghị Bộ GTVT, đối với các trạm có thể thay đổi vị trí trạm, Tổng cục Đường bộ VN sẽ phối hợp với địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khảo sát thực địa, xử lý theo nguyên tắc: Không xem xét việc điều chỉnh vị trí trạm với những dự án có số năm thu phí còn lại dưới 5 năm; Không điều chỉnh vị trí trạm nếu khoảng cách hiện tại có sự chênh lệch so với khoảng cách quy định (70km) từ 10km trở xuống (từ 60 - 69km); Các dự án có điểm đấu nối với các tuyến khác làm thất thoát số thu sẽ căn cứ điều kiện cụ thể của từng trạm để đề xuất phương án xử lý.
“Đối với các trạm bất cập về giá nhưng chưa đề xuất phương án giảm giá, Tổng cục Đường bộ VN sẽ phối hợp với địa phương và nhà đầu tư dự án căn cứ vào thời gian thu hoàn vốn còn lại dự kiến của dự án, quãng đường BOT ước tính các phương tiện tại các vùng lân cận sử dụng khi đi qua trạm thu giá, số lượng xe thuộc đối tượng miễn giảm… để đưa ra phương án xử lý”, ông Huyện nói.
Từ 10/8, Tạm dừng thu giá trạm BOT đường tránh TP Thanh Hóa Tổng cục Đường bộ VN vừa đề xuất Bộ GTVT tạm dừng hoạt động thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ tại trạm Tào Xuyên (hoàn vốn cho dự án BOT đường tránh TP Thanh Hóa) từ ngày 10/8/2017 để tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư. Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, trong hợp đồng BOT ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư 786 tỷ đồng, gồm 156 tỷ đồng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và 630 tỷ đồng vốn huy động. Thời gian thu phí dự kiến trong hợp đồng BOT là 30 năm 8 tháng, gồm 27 năm 8 tháng là thời gian hoàn vốn dự án và 3 năm thu phí để tạo lãi cho nhà đầu tư đối với phần vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, sau khi quyết toán, Bộ GTVT xác định, thời gian hoàn vốn dự án chỉ còn 7 năm 3 tháng. Nguyên nhân thời gian thu phí hoàn vốn dự án giảm hơn 20 năm do lưu lượng xe qua trạm tăng đột biến và lãi suất vốn vay thực tế giảm mạnh so với dự kiến ban đầu trong hợp đồng BOT. “Sau quyết toán, dự án giảm thời gian hoàn vốn từ 30 năm 8 tháng xuống còn 7 năm 3 tháng, thì đương nhiên phải giảm thời gian thu phí tạo lợi nhuận trên phần vốn chủ sở hữu. Hiện nay, nhà đầu tư đã thu đủ số tiền hoàn vốn cho dự án (630 tỷ đồng) và đã thu được 352 tỷ đồng lợi nhuận/156 tỷ đồng vốn chủ sở hữu (đạt 225,6%). “Bình quân một ngày dự án này đang thu được khoảng 800 - 900 triệu đồng. Tiền thu phí tại các trạm BOT thực chất là tiền ngân sách Nhà nước, tiền của nhân dân đóng góp. Theo các số liệu tính toán của Tổng cục Đường bộ VN, dự án chỉ được thu phí tạo lợi nhuận trong thời gian 1 năm 3 tháng. Tuy nhiên, sau rất nhiều lần đàm phán, nhà đầu tư dự án BOT đường tránh TP Thanh Hóa vẫn kiên quyết đòi phải thu đủ 3 năm để tạo lợi nhuận. Vì vậy, Tổng cục Đường bộ VN kiến nghị Bộ GTVT tạm dừng thu phí dự án từ ngày 10/8/2017 để Tổng cục Đường bộ VN tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư và xử lý theo quy định”, ông Huyện kiến nghị. |
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn