Như PLVN đã thông tin, không chỉ nhận được sự ưu ái từ việc ban hành chính sách, Cty CP Chè Hà Tĩnh còn nhận được sự bảo hộ hết mình của chính quyền địa phương, mỗi khi phát hiện đơn vị nào đó có hành vi cạnh tranh gây bất lợi, họ lại báo cáo lên trên và ngay lập tức sẽ nhận được sự can thiệp.
Liên quan đến việc Tổng đội Thanh niên xung phong xây dựng vùng kinh tế mới Tây Sơn (Tổng đội) bị ép buộc phải cắt đứt làm ăn với đơn vị khác để “làm ăn” với Cty CP Chè Hà Tĩnh theo nội dung Công văn số 125 mà ông Trần Công Lệ, Chủ tịch HĐQT Cty CP Chè Hà Tĩnh “nhờ” UBND tỉnh, Tỉnh Đoàn can thiệp, ông Hoàng Thế Lộc, Tổng đội trưởng cho hay, sở dĩ đơn vị ông phải thực hiện là do tỉnh có ý kiến nói rằng Tổng đội làm vậy là cạnh tranh không lành mạnh, phá vỡ quy hoạch ngành chè.
“Tỉnh không có văn bản chỉ đạo trực tiếp với đơn vị chúng tôi mà tỉnh có ý kiến gì đó với Tỉnh Đoàn. Sau đó thấy Tỉnh Đoàn chỉ đạo Tổng đội phải phối hợp với Cty CP Chè Hà Tĩnh để giữ vùng nguyên liệu chè, đảm bảo an toàn thực phẩm. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh Đoàn, sau đó giữa chúng tôi (Cty CP Chè Hà Tĩnh và Tổng đội thanh niên xung phong - PV) đã mấy lần làm việc với nhau. Theo đó, chúng tôi phải cắt đứt hợp đồng hợp tác với một đơn vị chế biến chè ở Nghệ An mà chuyển sang làm việc với họ” - ông Lộc nói.
Ông Lộc cho biết thêm, trước đây Tổng đội chỉ đơn thuần cung cấp nguyên liệu cho Cty CP Chè Hà Tĩnh nhưng không mang lại nhiều hiệu quả nên để tạo đầu ra ổn định cho đội viên trồng chè, đơn vị đã gõ cửa nhiều cấp để xin cấp vốn đầu tư nhà máy chế biến. Thế nhưng, do thiếu nguồn vốn đầu tư nhà máy chế biến, Tổng đội đã nhiều lần đề nghị Cty CP Chè Hà Tĩnh giúp đỡ tiêu thụ sản phẩm nhưng phía Cty CP Chè Hà Tĩnh không mặn mà.
Chịu làm thuê mới liên kết?
Tìm hiểu của PLVN được biết, năm 2012, trong một vài lần làm việc với Cty CP Chè Hà Tĩnh và Xí nghiệp Chè Tây Sơn, Tổng đội liên tục đề nghị Cty CP Chè Hà Tĩnh hỗ trợ tư vấn kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm chè khô, nhưng lúc đó đại diện Cty CP Chè Hà Tĩnh đưa ra nhiều “yêu sách” khiến Tổng đội “nóng mặt”.
Phía Cty CP Chè Hà Tĩnh yêu cầu Tổng đội phải cho Xí nghiệp Chè Tây Sơn thuê lại xưởng chế biến chè và mỗi năm trả cho một số tiền nhất định. Đồng thời Tổng đội liên kết với Xí nghiệp Chè Tây Sơn thuộc Cty CP Chè Hà Tĩnh nhưng chỉ tính một phần nhỏ vốn đầu tư đưa vào liên kết chứ không đưa hết toàn bộ vốn đầu tư vào để liên kết.
Thậm chí, thời điểm nào sản lượng chè nhiều thì mới tổ chức chế biến tại xưởng chè của Tổng đội, còn lúc chè ít thì đưa ra Xí nghiệp Chè Tây Sơn để chế biến, hoặc lúc nào có đoàn đến kiểm tra thì mới tổ chức chế biến tại nhà máy chè tại Tổng đội.
Ngoài ra, Cty CP Chè Hà Tĩnh còn ép: Trong thời gian đầu, chỉ đồng ý mua một nửa diện tích chè của các hộ trồng chè của Tổng đội tại khu vực Chi Lời (xóm Phố Tây, xã Sơn Tây), còn khu vực đội 8 (thôn Thanh Dũng, xã Sơn Kim 2) thì để cho Xí nghiệp Chè Tây Sơn thu mua.
Theo ông Lộc xác nhận, sau khi nghe các đề nghị trên từ Cty CP Chè Hà Tĩnh, Tổng đội đã không đồng ý vì: Theo Quyết định 41/2012/QĐ-UBND ngày 09/8/2012 về việc ban hành quy định phân cấp về quản lý tài sản nhà nước tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thì tài sản do Nhà nước đầu tư không được cho thuê hoặc đưa đi liên doanh liên kết, nếu đưa đi liên doanh liên kết thì phải được Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý.
Hơn nữa, nhà máy chế biến chè của Tổng đội được đầu tư là để sản xuất chứ không thể làm đơn vị thu mua chè nguyên liệu cho Xí nghiệp Chè Tây Sơn. Mặt khác, vùng kinh tế mới Tây Sơn nếu tồn tại hai nhà máy chế biến chè trở lên thì mới tăng cầu, khuyến khích được bà con nông dân đầu tư trồng mới, chăm sóc chè, mở rộng vùng nguyên liệu.
Cũng theo ông Lộc, Tổng đội đã đưa ra đề xuất để hai bên cùng có lợi là: Đề nghị Xí nghiệp Chè Tây Sơn thuộc Cty CP Chè Hà Tĩnh chuyển giao kỹ thuật chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho Tổng đội và cho Tổng đội vay phân bón để đầu tư cho các hộ đội viên trồng, chăm sóc chè, tuy nhiên, Tổng đội không nhận được trả lời từ phía Xí nghiệp Chè Tây Sơn cũng như Cty CP Chè Hà Tĩnh.
Ngày 1/10/2013, Xí nghiệp Chè Tây Sơn (Cty CP Chè Hà Tĩnh) ký hợp đồng với 137 hộ dân trồng chè tại khu Khe Bén. Theo hợp đồng đã ký kết, nông dân trồng chè buộc phải thu hái hết chè búp tươi và bán 100% sản lượng cho Xí nghiệp Chè Tây Sơn trong thời hạn 10 năm (2013-2023). Đổi lại, Xí nghiệp đầu tư cho 500kg phân bón/ha khi trồng chè kèm lời hứa khó định lượng: “Xí nghiệp có trách nhiệm ổn định giá mua chè để bà con có thu nhập từ sản xuất chè”.
Tuy nhiên, điều tra của PLVN cho thấy, hợp đồng nông dân ký với đại diện của Cty CP Chè Hà Tĩnh cũng chỉ mang tính hình thức bởi trước khi thực hiện các hợp đồng với các hộ, giữa UBND xã Sơn Kim 2 và Xí nghiệp Chè Tây Sơn đã làm một Hợp đồng kinh tế mang số 56 ngày 10/4/2013 về khai hoang đất và trồng mới chè năm 2013 tại vùng Khe Bén.
Đáng nói, theo một trong những điều khoản trong hợp đồng hai bên đã ký, quyền lực của cơ quan hành chính được đưa ra để trao đổi: “Nếu các hộ dân trong hợp đồng của bên B không bán sản phẩm cho bên A (Xí nghiệp Chè Tây Sơn - PV) theo hợp đồng thì phải có sự can thiệp hành chính để các hộ dân thực hiện tốt việc bán sản phẩm cho bên A…”.