Không chỉ xúc xích Viet foods được giải oan vì kết tội nhầm là có chất ung thư, nay 2 tấn sầu riêng ở Di Linh (Lâm Đồng) cũng được minh oan là không nhúng chất độc hại. Cả hai doanh nghiệp lao đao, ngấm đòn thiệt hại.
Sau khi được các cơ quan chức năng hàm oan cho 2 tấn sầu riêng của cơ sở thu mua trái cây do ông Hoàng Văn Trọng làm chủ, truyền thông xuất hiện lẻ loi mấy bài báo với dòng tít như cầu xin “tha cho người nông dân”, “đừng bất nhẫn với nông dân”….
Tôi tự hỏi, sao lại phải xin tha, đừng bất nhẫn? Trách nhiệm cao cả của truyền thông, đó là sự thật. Người nông dân có làm gì sai mà phải xin… truyền thông?
Những tờ báo đã đăng tải thông tin sau khi cơ quan chức năng kiểm tra, thu giữ vì nhúng sầu riêng vào hóa chất, tuyệt nhiên không hề đăng lại một mẩu tin - dù vài dòng - sau khi 2 tấn sầu riêng của ông Trọng đã được minh oan.
Sầu riêng bị ghi nhúng hóa chất tại cơ sở của ông Trọng. Ảnh: Hoài Thanh/Vnexpress
Dư luận không thể không bức xúc, không thể không hoang mang, không thể không lên án khi đọc được những bài báo: Bắt quả tang, kinh hoàng, rùng mình… Thế là người tiêu dùng lại tẩy chay sầu riêng.
Một đồng nghiệp quê ở đất nhãn Hưng Yên đã phải thốt lên, từ Hà Nội về quê anh, thủ phủ nhãn chưa đầy 30 cây số, thế sao khi nghe dư luận râm ran chuyện vỏ nhãn bóng là do ngâm lưu huỳnh, lại không về tận nơi gặp người dân, hỏi các nhà khoa học cho tượng tần câu chuyện đúng sai…
Thế nhưng, phóng viên lại ngồi ở phòng lạnh viết tất cả những lời đồn đại ở xã hội lan truyền theo kiểu “một thành năm, năm thành mười”, người nông dân đất nhãn lao đao rớt giá.
Người tiêu dùng đọc báo và tin báo. Chính quyền, hội nông dân phải mời nhà khoa học, phải cầu cứu truyền thông để cứu người nông dân, cứu nhãn.
Thế rồi lại chuyện cá rô phi ăn là bị hen suyễn, tim mạch… người tiêu dùng lại hoảng sợ “thôi không ăn rô phi nữa”. Người nông dân ở Thanh Hóa từng chết đứng với “chổi quét rau”…
Hai tấn sầu riêng bị thu giữ vì nhúng hóa chất, liệu đã tiêu hủy? Chủ cơ sở có được đền bù, có nhận được lời xin lỗi?
Những thông tin thất thiệt khiến người nông dân vốn đã cơ cực lại thêm phần khốn đốn. (Ảnh Dân Việt)
Thực ra cái hóa chất mà người nông dân dùng để làm chín cây là chất Ethephon, phân bón lá. GS. TS Nguyễn Quang Thạch, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện sinh học khuyến cáo không nên sử dụng đất đền để giấm chín trái cây mà nên dùng Ethephon.
Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội các ngành sinh học VN cũng nêu rõ: Ethephon nếu sử dụng đúng liều lượng, nồng độ thì không gây độc mà còn có tác dụng kích thích, gây chín quả mà thế giới đã sử dụng từ lâu.
Sầu riêng, nhãn, xúc xích… được minh oan, nhưng thiệt hại vô cùng nặng nề. Chủ doanh nghiệp xúc xích Viet foods nói rằng, sau khi quản lý thị trường thu giữ, báo chí đăng tải thông tin, các đại lý trả hàng về, công nhân thất nghiệp. Tổn thất của doanh nghiệp là vô cùng lớn.
Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn là hết sức cần thiết, để bảo vệ người tiêu dùng, người nông dân, nhà sản xuất, để “bẩn, sạch” không còn bị lẫn lộn, bị đánh tráo khái niệm. Nhưng các cơ quan chức năng, truyền thông cũng cần sòng phẳng với người nông dân, nhà sản xuất, người tiêu dùng.
Đừng giết người nông dân, nhà sản xuất bằng những thông tin vội vã, thiếu kiểm chứng
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn