Mua được hàng rẻ mà ngon thì dù bị gọi "nạn nhân" cũng cứ vui vẻ móc túi, huống hồ được gán danh "siêu nhân". Nhưng đây lại là siêu nhân sắp hết pin, vì với xấp xỉ 70% dân số Việt Nam sống ở nông thôn, hầu như gia đình thành thị nào cũng có họ hàng làm nông thì liệu chúng ta cứu nhau được bao lâu? Nhất là khi nông sản Việt Nam nhiều năm nay vẫn ế, mà ế trên tư thế kiệt quệ như vậy?
Mới tháng 10 năm ngoái, Tổng vụ sức khỏe và người tiêu dùng châu Âu (DGSANCO) đã cảnh cáo sẽ cấm nhập rau quả Việt Nam nếu phát hiện thêm hai lô hàng vi phạm từ thời điểm đó đến cuối năm. Là vì trong năm 2014, DGSANCO đã phát hiện ba lô hàng húng quế và khổ qua của VN nhiễm khuẩn gây hại cho người tiêu dùng.
Bao giờ người nông dân mới hết khổ?
"Khi mở hộp rau quả của Việt Nam, có cả côn trùng bay ra" - ông Đặng Hoàng Hải, nguyên vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương) kể về một lần kiểm tra một lô hàng rau quả nhập khẩu từ Việt Nam bị nhiễm khuẩn trên báo Tuổi Trẻ như vậy.
Đã vậy, cái bệnh thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào là bệnh chung. Nhiều năm qua, hết cao su, ca cao, dừa, cà phê, tiêu... đến khoai lang, cà chua, nhãn, vải, xoài, khóm... bất cứ thứ gì năm nay bán được giá đều cầm chắc năm sau sẽ ế. Đó là do nông dân ồ ạt trồng theo khiến sản lượng tăng vọt quá xa so với nhu cầu.
Dưa hấu chẳng hạn, theo Sở NN-PTNT Đắk Lắk, do năm 2013 trồng dưa lợi nhuận cao, tới 2014 nhiều vùng đổ xô trồng, chỉ riêng huyện Krông Bông diện tích dưa tăng từ 60 ha lên 116 ha. Hành tây và atisô, thứ nông sản mới nhất đang được xã hội kêu gọi mua để cứu nông dân, mới cách đây tròn hai năm cũng bị rớt giá không khác lần này lấy một mảy may.
Diện tích trồng hành tây năm ngoái khoảng 800 ha thì nay là 1.000 ha (số liệu của Phòng Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng). Trong khi đó, cà chua năm ngoái rớt giá thê thảm thì năm nay do nhiều nông dân bỏ không trồng nữa nên giá lại giữ tốt.
Bao lâu nay, do nông dân không thực hiện nổi các chỉ tiêu cho nông sản xuất khẩu như VietGAP, Global GAP nên thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam vẫn là người hàng xóm dễ tính ở sát bên. Nhưng dễ mấy cũng có ngưỡng, người tiêu dùng Trung Quốc không phải cái túi vô hạn, sự "dễ dãi" của họ cũng không phải không có điểm dừng. Trong khi đó, nông dân mình gần như hoàn toàn phụ thuộc thị trường này nhưng không biết bảo vệ, vừa cố tình sản xuất ra hàng kém chất lượng vừa vượt cầu bộn bề, bảo sao không ế?
Suốt dọc mùa nông sản ế, với những lời kêu gọi thống thiết xin giải cứu, tôi giữ thái độ bình thản. Tôi, cũng như đại đa số những người tiêu dùng khác, bất kể là người tiêu dùng nội địa, Trung Quốc hay châu Âu... sẽ chỉ mua khi bản thân có nhu cầu, và đặt sự an toàn của bản thân lên trên hết.
Nhưng trách nông dân một thì phải trách nhà nước mười.
Theo tiến sĩ Võ Mai, Phó chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, đồng thời là Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển nghề vườn và vật nuôi, nông sản Việt ế do trên thì quản lý cục bộ không liên kết, dưới thì sản xuất manh mún.
Ở ý thứ nhất, lẽ ra Bộ công thương phải làm tốt việc tìm đơn hàng, sau đó đặt hàng lại cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chứ không thể bắt người sản xuất đi tìm kiếm đơn hàng như hiện tại. Nhưng hiện nay hầu như chẳng có liên kết gì giữa hai bộ.
Ở ý thứ hai, so sánh với Thái Lan nông dân phải có ít nhất 3 ha đất, mình quá manh mún. Người trồng chỉ có khi chỉ có 500 m2, một công (1.000 m2 ) đất, doanh nghiệp phải thu gom khắp chỗ mới đủ đơn hàng nên chất lượng vừa giảm (do không đồng nhất và kéo dài thời gian vận chuyển bảo quản), chi phí trung gian lại cao do tốn tiền cho thương lái.
"Phải tập thể hóa sản xuất nông nghiệp để có vốn và có tư cách pháp nhân đi vay vốn, được hưởng ưu đãi từ các chính sách của nhà nước và có điều kiện áp dụng thành tựu khoa học"-bà Mai nói đi nói lại.
Manh mún, cá lẻ cũng khiến nông dân khó lòng thực hiện VietGAP hay GlobalGAP để bán được hàng giá cao cho các thị trường Âu Mỹ. Ông Ngô Đông Hải, Phó chánh văn phòng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn kể, mới đây xuống miền Tây ông gặp một HTX bán xoài có 20 xã viên nhưng không phát triển được, do xoài không có VietGAP.
Còn một HTX trồng ổi khác chỉ 12 xã viên nhưng dám bỏ chi phí thực hiện VietGAP đến trăm triệu đồng. Bộ trưởng Cao Đức Phát giật mình hỏi sao cao thế, có cần nhà nước hỗ trợ gì không, thì họ rất vui vẻ bảo không, vì ổi VietGAP bán được giá cao hơn thị trường và ổn định, họ đủ khả năng đóng tiền.
Thực tế có không ít doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam vùng vẫy có tiếng trên thị trường thế giới. Nhưng muốn cho số hiếm hoi ấy thành số nhiều để chấm dứt bài ca nông sản ế thì cần trả thị trường hoàn toàn về cho thị trường. Tháo cái vòng kim cô "định hướng" trên đầu các doanh nghiệp, để họ tự đầu tư, hưởng lợi và trả giá.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn