Nông sản Việt: "Bán vải mua áo" vì thiếu chế biến, bảo quản

Thứ tư - 02/05/2018 17:56
Việt Nam vẫn xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô rồi lại nhập về tinh chất với giá cao gấp hàng chục lần. Do đó, đầu tư, ứng dụng các công nghệ chế biến, bảo quản tiên tiến đang là nhu cầu hết sức thiết yếu của doanh nghiệp Việt.
Thực tế trên được anh Alex Nguyễn, đồng sáng lập Công ty Bluetech Ingredients chia sẻ tại hội thảo giới thiệu công nghệ mới trong chế biến và bảo quản thực phẩm do Saigon Innovation Hub tổ chức ngày 9.1. Đây cũng là quan tâm chung của hàng chục startup và doanh nghiệp có mặt tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, TS Volker Heinz, điều phối viên khoa học tại Viện nghiên cứu Lower Saxony, cho rằng: “Các startup đặt mục tiêu phải đưa được sản phẩm ra toàn cầu nhưng để làm được điều đó cần phải có những sản phẩm đảm bảo bền vững, đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.”

Các chuyên gia chụp hình cùng với đại diện các doanh nghiệp Việt

Chia sẻ của TS Volker Heinz hoàn toàn phù hợp với câu chuyện của chị Huỳnh Thị Kim Ngân.

Chị Ngân chuyên sản xuất và cung cấp các loại bánh có nguyên liệu từ thiên nhiên và tuyệt đối không sử dụng chất bảo quản. Nhưng thiếu công nghệ, thiết bị bảo quản khiến cho thời hạn sử dụng của sản phẩm không được lâu, do đó sản phẩm của chị khó có thể mở rộng thị trường phân phối.

Lấy ví dụ từ sản phẩm bột gấc sấy, chị Ngân cho biết: “Trong quá trình bảo quản với bao bì bình thường, bột gấc bị hút ẩm và biến chất nên chưa thể đưa ra thị trường. Do đó, tôi đến hội thảo để tìm hiểu cách bảo quản để phát triển được sản phẩm”.

Những công nghệ được giới thiệu tại hội thảo như kỹ thuật Ohmic heating sử dụng trong sấy khô, bảo quản thực phẩm hay các kỹ thuật tiền xử lý trước chế biến đã phần nào đáp ứng nhu cầu của những người như chị Ngân. Tuy nhiên, nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến ở các doanh nghiệp Việt vẫn là câu chuyện dài. Theo các chuyên gia đây vẫn là khâu yếu trong chuỗi sản xuất của chúng ta. Tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch ở mức cao, có những loại nông sản tỷ lệ này lên đến 30% - 40%.

Tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch của nhiều loại nông sản Việt đang ở mức cao

Anh Lê Ngọc Lâm, Giám đốc Công ty Công nghệ Thực phẩm Rồng Vàng, cho rằng lý do chính nằm ở sự thiếu bài bản, đồng bộ trong phối hợp giữa các bên. “Nhà nông, nhà sản xuất, nhà doanh nghiệp phải phối hợp đồng bộ. Vấn đề này đã được nói đến rất lâu nhưng thực tế vẫn chưa được làm triệt để. Chúng ta vẫn cần mô hình thực sự bài bản, đồng bộ”.

Ngoài ra, anh Lâm cũng cho rằng, vấn đề quy hoạch vùng sản xuất và truy xuất nguồn gốc của chúng ta chưa tốt nên còn gây nhiều khó khăn cho người sản xuất.

Bên cạnh đó, thiếu đầu tư vào khâu bảo quản, chế biến sản phẩm cũng đang dẫn đến nghịch lý “bán vải mua áo” trong nhiều lĩnh vực.

Hiện tượng "bán vải mua áo" đang diễn ra với nhiều loại nông sản, dược liệu Việt

Từ kinh nghiệm trong ngành tinh dầu và hương liệu, anh Alex Nguyễn chia sẻ: “Trong ngành tinh dầu, hương liệu chúng ta vẫn phải nhập khẩu hơn 95% trong khi tiềm năng của Việt Nam về ngành này rất lớn. Ví dụ như hồi, quế chúng ta hầu hết xuất thô hoặc chỉ dùng công nghệ thô sơ dẫn đến bị ép giá, bị khống chế bởi Trung Quốc. Do đó, phát triển chế biến, bảo quản là nhu cầu hết sức thiết thực.”

Theo anh Alex Nguyễn, có nhiều nguyên nhân khiến công nghệ chế biến, bảo quản giữa Việt Nam và quốc tế còn nhiều chênh lệch. Con người của chúng ta có khả năng nắm bắt công nghệ mới nhưng vướng ở vấn đề nguồn vốn và đầu ra. Do đó, anh đề nghị các cơ quan nhà nước cần hỗ trợ mở rộng đầu ra cho các doanh nghiệp.

Phạm Sơn

Theo Khám phá

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây